• Zalo

Thời bết bát, đại gia hơn nhau tài khất nợ

Kinh tếThứ Ba, 05/11/2013 07:28:00 +07:00Google News

Món nợ khổng lồ hàng ngàn tỷ, thậm chí chục ngàn tỷ nhưng trong khó khăn nhiều đại gia vẫn có những bước đi khôn khéo để thoát nợ nần.

Món nợ khổng lồ hàng ngàn tỷ, thậm chí chục ngàn tỷ nhưng trong khó khăn nhiều đại gia vẫn có những bước đi khôn khéo để thoát nợ nần, khởi đầu một giai đoạn tái cơ cấu làm năn mới.

Đủ cách xoay nợ

Đang nợ ngập đầu, dòng tiền eo hẹp nhưng Công ty Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) hôm 29/10 bất ngờ công bố thoát khỏi gánh nợ đến hạn cả nghìn tỷ đồng nhờ việc cơ cấu lại các khoản trái phiếu và các khoản tín dụng.

Đại gia đang bị khủng hoảng BĐS vùi dập cho biết khoản trái phiếu 350 tỷ đồng tại VIB đến hạn vào 2012 và 2013 được gia hạn đến 2014 và 2016. Các khoản nợ trái phiếu và tín dụng hàng trăm tỷ đồng tại: Tài chính Điện lực, Chứng khoán Bảo Việt, Ngân hàng BIDV… đều được gia hạn, giãn nợ từ 1 đến 5 năm. Tổng cộng NBB cơ cấu được 1.000 tỷ đồng tiền nợ và trái phiếu, chiếm khoảng 80% khoản vay của đơn vị này.

doanh nghiệp
Ảnh minh họa 
Cách đây vài tháng, trong bối cảnh tồn kho bất động sản vẫn ngút trời, doanh nghiệp đang lún sâu vào một loạt các dự án bất động sản với tổng đầu tư lên tới cả tỷ USD NBB đã phát hành gần 18 triệu cổ phần cho cổ đông thu về 180 tỷ đồng để trả nợ cũ.

Ngoài ra, doanh nghiệp tìm được nguồn tiền trả nợ qua việc bán cổ phần ở công ty con Khoáng sản Quảng nơi mà NBB góp vốn gần 96 tỷ đồng, tương đương 90% cổ phần.

Chưa biết, thời gian tới, NBB sẽ giải quyết như nào với hàng loạt các dự án BĐS đang hoàn thành và các dự án đang trong giai đoạn đền bù, đầu tư xây dựng… trong bối cảnh thị trường còn khó khăn nhưng nhưng việc giải quyết được vấn đề nợ trong bối cảnh hiện tại đã là một thành công

Trong tuần qua, nhiều cổ đông của Vinaconex (VCG) có lẽ cũng đã rất vui mừng khi ông lớn ngành xây dựng này thoái vốn thành công tại Xi măng Cẩm Phả.

Vinaconex không công bố chi tiết về vụ việc và chỉ công bố bản hợp đồng tái cấu trúc với Viettel nhưng một số nguồn thông tin cho biết, VCG chuyển nhượng 70% (trong số gần 100%) vốn doanh nghiệp xi măng này cho Tập đoàn Viettel kém theo bán nợ.

Với kết quả này, nhiều nhà đầu tư đã nghĩ tới việc VCG sẽ thoát cảnh trả nợ thay cho Xi măng Cẩm Phả. Trước đó, kể từ khi đi vào hoạt động năm 2008, VCG đã phải trả nợ thay cho DN gần 2.400 tỷ đồng và điều này đã đẩy VCG vào tình cảnh khó khăn tài chính.

Trong khi đó, Xi măng Cẩm Phả đăng ký bán vốn ngoài ngành, thoái 5,5 triệu cổ phiếu (tương đương 50% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Vận tải Vinaconex - VCV) cũng là để nhẹ nợ nhằm tài cơ cấu.

Cái khó ló cái khôn

Hiện tượng doanh nghiệp ngập lụt trong nợ nần trở nên rất phổ biến trong vài năm gần đây khi mà nền kinh tế suy yếu, thị trường bất động sản đóng băng không bán được hàng, ngân hàng siết chặt tín dụng, tăng cường thu nợ, giảm cho vay. Từ những doanh nghiệp nhỏ cho tới hàng loạt các doanh nghiệp lớn ở hầu hết các lĩnh vực rơi vào tình trạng khốn khó với khối nợ ngàn tỷ đè vai.

Khó khăn là vậy, nhưng không ít đại gia đã có những cách thoát hiểm khá ngoạn mục, ít nhất là tới thời điểm này.

Với Vinaconex, hàng loạt vụ thoái vốn tại XMC, VCS, Park City… đã đem lại một sự cân bằng mới cho DN này. Quyết định tìm đến ông trùm tiền mặt Viettel để chuyển “cục nợ” Xi măng Cẩm Phả cũng là một lựa chọn hợp lý trong bối cảnh nhà nhà thiếu tiền như hiện nay.

Trước đó, giới đầu tư đã chứng kiến hai cú chuyển hướng ngoạn mục của ông bầu Đoàn Nguyên Đức là: rút khỏi bất động sản trong nước, chuyển sang tập trung vào cao su và dự án địa ốc ở một thị trường đầy tiềm năng Myanmar và bán hàng loạt các dự án thủy điện để thu hồi vốn đầu tư, giảm áp lực nợ hơn chục nghìn tỷ của doanh nghiệp của mình.

Hai lần tái cấu trúc mạnh mẽ của ông bầu đội bóng Hoàng Anh Gia Lai có lẽ là câu trả lời cho sự lo ngại của cổ đông HAG về khoản nợ hàng chục nghìn tỷ của doanh nghiệp. Quyết định rút sớm khỏi bất động sản trong nước đã giúp HAG bán xỉ thành công rất nhiều sản phẩm bất động sản, thu về một nguồn tiền không nhỏ cho hàng loạt các dự án khủng đang triển khai của tập đoàn. Quyết định bán thủy điện không mang về nhiều lợi nhuận nhưng cũng được sự ủng hộ của đa số các cổ đông.

Trước đó, cộng đồng các nhà đầu tư hẳn vẫn còn nhớ nỗ lực thoát nợ và cứu doanh nghiệp có thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản - Bianfishco của chồng đại gia Diệu Hiền. Mô hình tự thỏa thuận giữa cổ đông với các chủ nợ để tái cơ cấu mà không cần phải qua tòa án hoặc sự can dự của bên thứ ba là kinh nghiệm mà chồng bà Diệu Hiền muốn nhân rộng, áp dụng ở một số doanh nghiệp thủy sản khó khăn khác.

Gần đây, ông Đặng Thành Tâm - người giàu nhất Thị trường chứng khoán năm 2007, chia sẻ, các doanh nghiệp của ông đã trả được phân nửa trong tổng nợ hàng nghìn tỷ. Các doanh nghiệp cũng như bản thân ông Tâm đã thoái vốn, bán rất nhiều thứ để làm được điều này. Phần còn lại cũng là nhờ ngân hàng hợp tác tạo điều kiện để trả nợ.

Có thể thấy, với mỗi người mỗi khác. Các doanh nghiệp cũng vậy, mỗi đơn vị có một cách xử lý nợ nần khác nhau. Khá nhiều cách thức để giải quyết tình trạng nợ, từ giãn, hoãn nợ… cho tới thoái vốn, bán tài sản. Tuy nhiên, điểm mấu chốt có lẽ ở chỗ doanh nghiệp phải làm ra tiền, có doanh thu và lợi nhuận để bù đắp các khoản lỗ, nợ trước đó. Việc rút vốn vòng quanh, chuyển nợ từ chỗ này sao chỗ khác nếu không làm thay đổi được bản chất của sự việc thì nợ vẫn neo ở đó.

Theo VietNamNet

Bình luận
vtcnews.vn