Với phương pháp này, bệnh nhân chỉ cần điều trị một lần, chi phí thấp và tình trạng liệt dương ở nam giới cũng được khắc phục.Bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến được áp dụng phương pháp tiên tiến.
GS.TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho biết: UTTTL là khối u ác tính xuất phát từ tế bào biểu mô của tuyến tiền liệt. UTTTL thường di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là vào xương và các hạch bạch huyết.
Mắc bệnh này, bệnh nhân thường đau đớn và khó khăn trong việc đi tiểu, quan hệ tình dục, hoặc rối loạn chức năng cương dương.
Các phương pháp điều trị truyền thống gồm phẫu thuật; hóa chất; xạ trị. Mới đây, BV Bạch Mai đã áp dung thành công kỹ thuật cấy hạt phóng xạ, đem lại hy vọng cho bệnh nhân.
GS Khoa cho biết, kỹ thuật này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và đem lại hiệu quả cao. Theo đó, khi thực hiện, các bác sĩ sẽ cấy các hạt phóng xạ I-125 vào trong khối u. Hạt phóng xạ sẽ phát tia gamma năng lượng thấp để tiêu diệt tế bào ung thư.
Bức xạ gamma mềm của I-125 chỉ phát huy hiệu quả điều trị trong phạm vi vài milimet (mm), tiêu diệt các mô bệnh và rất ít gây tổn thương các mô lành xung quanh. Theo GS Khoa, ưu điểm của kỹ thuật này là tạo ra liều hấp thụ bức xạ cao tại khối u, trong khi cơ quan và tế bào lành chỉ phải chịu liều bức xạ rất thấp.
Tỷ lệ kiểm soát bệnh lên đến 97%; thời gian và liệu trình điều trị ngắn; ít biến chứng; chức năng sinh lý của nam giới (liệt dương) ít hoặc không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng điều trị UTTTL giai đoạn sớm và không có tác dụng với giai đoạn muộn. Khi thực hiện, cần phải có sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa sâu như ung bướu, y học hạt nhân, chẩn đoán hình ảnh, thận – tiết niệu, ngoại tiết niệu, gây mê hồi sức.
Ngoài ra, BV phải có thiết bị cấy hạt phóng xạ, hệ thống máy siêu âm mô phỏng với phần mềm lập kế hoạch xạ trị chuyên dụng. Vì phức tạp như vậy, nên dù BV Bạch Mai nghiên cứu phương pháp này từ năm 2005, nhưng đến nay mới thực hiện được.
Về chi phí điều trị, GS Khoa cho biết, các phương pháp khác phải điều trị dài ngày, đi lại nhiều lần, dùng nhiều loại thuốc nên tổng chi phí rất cao. Còn phương pháp này chỉ điều trị một lần nên chi phí sẽ thấp hơn.
“Tại Mỹ, chi phí điều trị khoảng 400 triệu đồng; tại Thái Lan khoảng 250 triệu đồng. Hiện BV đang trong quá trình xây dựng biểu đồ nên chưa có chi phí chính xác, nhưng chắc chắn sẽ rẻ hơn Thái Lan”, GS Khoa thông tin thêm”.
Trước đó, các chuyên gia điều trị ung thư tại Trung tâm ung thư Tom Baker, thành phố Calgary, Canada đã sử dụng phương pháp này trong điều trị ung thư vú. Đó là cấy ghép các hạt phóng xạ để tiêu diệt những tế bào ung thư còn lại sau khi mổ bóc tách các khối u.
Các bệnh nhân sẽ được cấy 50 - 80 hạt phóng xạ vào xung quanh phần cơ thể bị bệnh. Các hạt phóng xạ này được làm từ nguyên tố phóng xạ palladium và được cấy ghép vào cơ thể thông qua một cây kim đặc biệt. Sau khi được cấy ghép, các hạt phóng xạ này sẽ nằm bên trong cơ thể và mất khả năng phóng xạ sau khoảng 6 tuần.
Tuy nhiên, chỉ các bệnh nhân có khối u kích thước dưới 3 cm và được xếp vào nhóm nguy cơ thấp mới được điều trị bằng phương pháp này.
» Tin lương y Phùng Tuấn Giang chữa 5.000 bệnh nhân ung thư khỏi hoặc đỡ là tầm bậy
» Những tác dụng của hành lá ít người biết
» Những thực phẩm ăn nhiều dễ mắc bệnh tim mạch
» Thực phẩm chặn ung thư phổ biến nhất ở quý ông
Nam Anh
Bình luận