• Zalo

Thoái vốn khỏi Đại Quang Minh, Senla Boutique, đại gia 'Khoa khàn' còn lại gì?

Bất động sảnThứ Ba, 29/05/2018 12:37:00 +07:00Google News

Nhanh chân thoái vốn khỏi công ty đang gây ồn ào Đại Quang Minh và khách sạn đất vàng Senla Boutique, đại gia 'Khoa khàn' vẫn còn rất nhiều dự án tỷ đô như dự án tai tiếng Golden Palace.

Trong những ngày qua, dư luận xôn xao với những thông tin quanh các dự án trên bán đảo Thủ Thiêm, TP.HCM. THACO và Đại Quang Minh trở thành tâm điểm của dư luận. Nhưng ngoài THACO và Đại Quang Minh, một nhân vật khác có tầm quan trọng không kém chính là doanh nhân Trần Đăng Khoa.

Nhanh chân rút khỏi Đại Quang Minh

Là người “đầu trò” sáng lập ra Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh nhưng doanh nhân Trần Đăng Khoa (thường được biết đến với tên gọi 'Khoa khàn') lại nhanh chân rút ra khỏi Đại Quang Minh trước khi công ty này “gây bão” trên thị trường.

Đại Quang Minh là doanh nghiệp do Tổng công ty Phát triển Hạ tầng & Đầu tư Tài chính Việt Nam – Công ty Cổ phần (viết tắt là VIDIFI), Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Ngân Bình, cùng ông Trần Đăng Khoa và Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh thành lập năm 2011.

Giai đoạn khủng hoảng tài chính cuối năm 2012, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) mua 30% cổ phần và đến năm 2014 mua thêm 15% cổ phần của Công ty Đại Quang Minh. Đến giữa năm 2016,Thaco đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Đại Quang Minh từ 45% lên 90%.

khoa-khan

Ông Trần Đăng Khoa. (Ảnh: Internet).

Đại Quang Minh đang triển khai nhiều dự án quan trọng trên Bán đảo Thủ Thiêm như cầu Thủ Thiêm 2, 4 tuyến đường R1,R2,R3, R4.

Khi Đại Quang Minh đang triển khai nhiều dự án quan trọng như vậy, ông Khoa bất ngờ nhanh chân rút khỏi Đại Quang Minh. Cuối tháng 6/2016, Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sửa đổi cho Địa ốc Đại Quang Minh với nội dung thay đổi liên quan đến sở hữu của các cổ đông sáng lập.

Theo đó, tỷ lệ sở hữu của THACO tại Đại Quang Minh tăng từ 45% lên 90%. Hai cổ đông sáng lập còn lại là Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh đã thoái hết 37,5% vốn, còn ông Trần Đăng Khoa giảm tỷ lệ sở hữu từ 17,5% xuống còn 5%.

Ông Trần Đăng Khoa còn lại gì?

Video: Những lưu ý khi mua nhà đất

Đại Quang Minh không phải công ty duy nhất mà ông Khoa rút vốn trong thời gian qua. Hồi đầu tháng 4 năm nay, ông Khoa đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Bất động sản và Thương mại Hồng Phúc Quang – Công ty sở hữu Dự án khách sạn Senla Boutique ở số 111 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

Công ty Hồng Phúc Quang được thành lập vào tháng 3/2017 do bà Nguyễn Thị Minh Hồng, vợ ông Khoa làm đại diện pháp luật. Cổ đông sáng lập công ty gồm: Trần Đăng Khoa (sở hữu 51% vốn điều lệ) và Nguyễn Thị Minh Hồng (sở hữu 41% vốn điều lệ).

Rút chân khỏi những công ty sở hữu các dự án lớn không có nghĩa vợ chồng ông Khoa “trắng tay” trên thị trường bất động sản. Ngoài Đại Quang Minh, Hồng Phúc Quang, ông Khoa vẫn duy trì “đứa con đầu lòng” – Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh.

Năm 2006, khi từ Séc về Việt Nam, ông Khoa cùng 2 cổ đông cá nhân khác lập công ty Mai Linh. Các dự án mà Mai Linh đã đầu tư, xây dựng bao gồm dự án Golden Palace và dự án Khu đô thị chức năng Thành phố (Thị trấn Cầu Diễn - Từ Liêm - Hà Nội).

Golden Palace là một trong những dự án tai tiếng nhất Hà Nội. Mai Linh và HUD3 từng có “cuộc chiến” về quyền sử dụng thương hiệu Golden Palace.

Năm 2014, các cư dân thuộc dự án Golden Palace rất bức xúc về “cách hành xử vô lý” của Chủ đầu tư Mai Linh. Mai Linh bị phản đối khi ban hành “Nội quy hướng dẫn thi công” mới với nhiều nội dung không thỏa đáng.

Bài 2: Nhượng Đại Quang Minh cho ông Trần Bá Dương, Khoa khàn ôm 8.187 tỷ đồng

>>> Đọc thêm: Gần chục dự án tỷ USD được công bố, đề xuất hoặc đang xây dựng ở Thủ Thiêm

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn