Nikkei đưa tin, Karpowership - công ty có hạm đội tàu lớn nhất thế giới dự định sẽ gửi tàu các tàu điện nổi đến gần Odesa - cảng lớn nhất của Ukraine.
“Chúng tôi đang thảo luận với chính quyền Odessa và công ty điện lực Ukrenergo của Ukraine để neo đậu ba tàu điện gần Odessa với tổng công suất 300 megawatt (MW)", bà Zeynep Harezi, thành viên hội đồng quản trị phụ trách hoạt động thương mại của Karpowership, cho biết.
Bà Zeynep Harez cho biết một khi đạt được các thỏa thuận về khía cạnh kỹ thuật và thương mại, công ty bà "cần tìm ra các thông số liên quan đến bảo mật. Nếu có thể đảm bảo các thông số đó, chúng tôi muốn tiến hành dự án".
Theo bà Zeynep Harezi, một thỏa thuận như vậy có thể cần sự ủng hộ của Liên hợp quốc. "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ cần được Liên hợp quốc bật đèn xanh để hiện thực hóa điều này, tương tự như thỏa thuận ngũ cốc", bà nói.
"Tùy thuộc vào nhu cầu và sự chấp thuận, chúng tôi có thể làm điều đó trong năm nay. Các con tàu đã sẵn sàng và được đưa vào hoạt động. Chúng tôi có thể triển khai chúng trong ít nhất là ba tuần", bà Zeynep Harezi cho biết thêm.
Ba tàu điện nổi với tổng công suất 300 MW có thể cung cấp năng lượng cho 1 triệu hộ gia đình ở mức tối đa.
Những lo ngại đã gia tăng ở Ukraine về nguồn cung cấp điện khi mùa đông đến gần và nhiệt độ giảm mạnh. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang đàm phán về cách cung cấp thêm thiết bị điện cho quốc gia này.
Karpowership là công ty hàng đầu của tập đoàn Karadeniz Holding, Thổ Nhĩ Kỳ. Công ty này có 36 tàu điện, với các nhà máy có thể tạo ra điện bằng cách sử dụng dầu nhiên liệu hoặc khí đốt tự nhiên. Theo bà Zeynep Harezi, những tàu điện này có thể được kết nối với lưới điện địa phương trong vòng 30 ngày.
Tàu điện chủ yếu hướng đến phục vụ các quốc gia có cơ sở hạ tầng không đầy đủ cũng như để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp sau thiên tai. Theo bà Zeynep Harezi, công ty đang đàm phán về việc triển khai tối đa 8 tàu đến bốn quốc gia châu Âu vào mùa đông năm 2023.
Bà Zeynep Harezi cũng cho biết, công ty cũng đang đàm phán để cung cấp điện cho các nước châu Á bao gồm Singapore, Malaysia,Bangladesh và Sri Lanka. Karpowership đã cung cấp điện cho một số hòn đảo ở Indonesia bằng khí đốt tự nhiên.
Vào năm 2019, Karadeniz Holding và Mitsui OSK Lines (MOL) của Nhật Bản đã đồng ý hợp tác để cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho tàu điện. Sử dụng LNG thay cho nhiên liệu phát thải cao hơn sẽ làm giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính.
Bình luận