Trước thái độ thô lỗ của nhân viên bán hàng tại một cửa hiệu thời trang Fendi ở Nhật Bản, nữ khách hàng người Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ mạnh mẽ đến mức 4 nhân viên đã quỳ xuống trước mặt cô để xin lỗi. Sự việc này gây tranh cãi trên mạng xã hội; nhiều người chỉ trích cô quá khắc nghiệt, nhưng nhiều người khác lại ủng hộ cách phản ứng của cô.
Sự việc được biết đến qua một loạt bài đăng của nữ khánh hàng này trên mạng xã hội Xiaohongshu. Cô được biết đến với cái tên Annie Datouzai, blogger, chuyên gia thời trang từng học tại Đại học Columbia và Đại học Toronto. Cô có 8.200 người theo dõi và hiện sống ở New York (Mỹ).
Khi đi du lịch Nhật Bản, Annie Datouzai ghé thăm cửa hàng Fendi ở Tokyo để mua một chiếc khăn choàng bằng len. Sau khi thử, cô quyết định mua và muốn nhân viên lấy cho mình chiếc khăn mới từ kho. Đáp lại, một nhân viên bán hàng cấp cao đến gần Annie, đột ngột tháo chiếc khăn choàng khỏi vai cô mà không hề xin phép, đưa cho khách hàng khác là một cặp đôi người Trung Quốc.
Annie Datouzai rất sốc trước hành vi đó. Cô viết: "Tôi hoàn toàn choáng váng. Tại sao một nam nhân viên bán hàng lại tháo chiếc khăn choàng khỏi người tôi mà không có bất kỳ lời giải thích nào?".
Quá trình cô khiếu nại về hành vi thô lỗ của nhân viên này khá phức tạp và chậm trễ do trình độ tiếng Anh của anh ta rất kém. Trong quá trình khiếu nại, vị khách cảm thấy bị bỏ rơi, đặc biệt là khi phải chờ anh nhân viên hoàn tất việc bán chiếc khăn choàng cho cặp đôi người Trung Quốc.
Cuối cùng, Kaneko, người quản lý cửa hàng, dẫn Annie lên tầng hai. Tại đây, Kaneko, hai nhân viên bán hàng và một phiên dịch viên đều quỳ xuống xin lỗi cô.
Mặc dù vậy, người quản lý vẫn biện minh cho việc đưa chiếc khăn mà Annie đang quàng cho khách hàng khác, đồng thời lưu ý rằng không có camera giám sát nào để xác minh sự việc. Vị khách nữ bác bỏ lời giải thích này bằng cách xác nhận với một cửa hàng Fendi khác tại Nhật Bản. Sau đó, cô nộp đơn khiếu nại lên trụ sở chính của Fendi và nhận được email xin lỗi chính thức từ người đứng đầu hãng này.
“Chúng tôi thành thật xin lỗi vì hành động của nhân viên bán hàng, người đã lấy chiếc khăn choàng đi khi cô vẫn đang thử nó. Chúng tôi nên đảm bảo có được sự đồng ý của cô trước khi mang sản phẩm đi cho khách hàng khác xem. Ngoài ra, chúng tôi đã không cung cấp cho cô câu trả lời rõ ràng, chuyên nghiệp khi cô hỏi về camera giám sát và thông tin liên hệ dịch vụ khách hàng”, chủ hãng Fendi hồi đáp.
Vụ việc lan truyền trên mạng xã hội và thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng. Một số cư dân mạng chỉ trích Annie Datouzai là quá khắc nghiệt và chuyện bé xé ra to: “Thật ra, nhân viên đã lấy cho bạn một cái mới rồi. Tại sao bạn vẫn còn phàn nàn? Họ có quyền bán cho khách hàng khác trừ khi bạn muốn mua hai cái! Bắt họ quỳ xuống là quá đáng. Bạn nghĩ mình là ai?”.
Ngày 22/10, Annie trả lời bằng một bài đăng tiếp theo, khẳng định rằng cô không yêu cầu bất kỳ nhân viên nào quỳ xuống xin lỗi, hành vi của cô trong cửa hàng là hợp lý và bình tĩnh. Nữ blogger cũng cho biết cô không có ý định khơi dậy vấn đề "thái độ phân biệt đối xử của người Nhật đối với người Trung Quốc" như một số cư dân mạng cáo buộc, vì chiếc khăn choàng thực chất được bán cho một cặp đôi người Trung Quốc khác chứ không phải khách hàng Nhật Bản.
“Tôi hài lòng với cách người quản lý cửa hàng xử lý tình huống này. Khiếu nại của tôi nhằm mục đích nâng cao việc đào tạo nhân viên và xử lý khủng hoảng của cửa hàng. Nhiều người hỏi tôi đang tìm kiếm kết quả gì, đơn giản là cải thiện trải nghiệm mua sắm cho các khách hàng khác trong tương lai”, cô viết.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc coi hành động quyết liệt của cô có ý nghĩa quan trọng, có khả năng cải thiện cách đối xử với du khách: "Tại sao mọi người lại nói bạn quá khắt khe? Thực ra, vì bạn đứng lên và kiên quyết khiếu nại nên cửa hàng mới có hành động như vậy"; “Bây giờ, bất kỳ khách hàng nào khác đến cửa hàng đó có thể sẽ được đối xử tôn trọng. Nếu bạn lùi bước, khách hàng tiếp theo sẽ bị đối xử tệ và có thể là bất kỳ ai trong số chúng tôi”...
Theo Statista, vào năm 2023, khách du lịch Trung Quốc ước tính đã chi 286 tỷ yên (gần 48 nghìn tỷ đồng) cho việc mua sắm tại Nhật Bản.
Bình luận