Vừa qua, đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn 12 của một tỉnh phía Bắc năm 2019-2020 nhận được nhiều quan tâm của giáo viên và học sinh. Đáng chú ý, câu nghị luận xã hội có nội dung như sau:
“Con thuyền đi qua
để lại sóng
Đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
Đoàn người đi qua
để lại bóng
Tôi không đi qua tôi
để lại gì ?”
Đề bài yêu cầu thí sinh viết bài văn trình bày suy nghĩ về triết lý sống được gợi ra từ bài thơ Không đề của nhạc sĩ Văn Cao.
Đáp án gợi ý về triết lý sống qua bài thơ:
Con người nhận thức được giá trị sự sống, giá trị hiện hữu của bản thân là khi chúng ta hiểu được chính mình, nắm bắt được những hạn chế và khả năng của bản thân, lắng nghe được cảm xúc của mình thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Khi đó, con người sẽ lưu lại dấu ấn riêng trong cuộc đời.
Cuộc sống vốn rất phức tạp, để có thể tồn tại và phát triển được, trước hết con người phải hiểu được chính mình. Đó là cơ sở để tồn tại với thế giới và ứng phó với những biến động của cuộc đời.
Đi qua chính cuộc đời mình nhưng không phải đi qua một cách hời hợt, thoáng chốc mà phải biết sống một cách sâu sắc, sống cống hiến, để hướng tới những giá trị nhân văn tích cực. Phê phán một bộ phận con người sống hời hợt, nhạt nhòa, không hiểu giá trị đích thực của bản thân.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn ở Hà Nội bình luận: "Nếu coi đọc văn bản là một hành trình đồng sáng tạo, mỗi người đọc là một chủ thể sáng tạo để có thể tìm ra hoặc những tri âm, kí thác, hoặc những thông điệp của tác giả, hoặc bổ sung nét nghĩa mới tùy thuộc vào trải nghiệm riêng của mỗi người, thì tôi coi hai câu kết bài "Không đề" là một chia sẻ về việc lựa chọn thái độ sống của Văn Cao: Hãy sống hết mình với mình, với đời. Đó là cách ta thể hiện ý thức về sự tồn tại có ý nghĩa của mình trung thực, dũng cảm, say đắm nhất".
Bình luận