• Zalo

Thịt thú rừng và nguy cơ mắc bệnh khủng khiếp hơn Ebola

Sức khỏe Thứ Sáu, 22/08/2014 04:42:00 +07:00Google News

(VTC News) – Khi tiếp xúc với động vật hoang dã, con người có nguy cơ mắc nhiều bệnh kinh khủng hơn Ebola.

(VTC News) – Virus gây bệnh xuất huyết Ebola được cho là có nguồn gốc từ động vật hoang dã, khi tiếp xúc với những động vật mang virus, con người không chỉ nhiễm Ebola mà có nguy cơ mắc nhiều bệnh khủng khiếp.

  Động vật hoang dã và nguy cơ mắc Ebola

Theo ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam thì nhiều bệnh nguy hiểm như SARS, cúm H5N1, hay AIDS đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Khi virus trên 1 vật chủ nào đó thì nó có thể không gây bệnh nhưng khi lây sang con người thì nó có thể trở thành dịch bệnh.

Tiếp xúc thịt thú rừng có nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm.
Với bệnh xuất huyết Ebola, nguồn gốc gây bệnh được cho là từ dơi ăn quả và linh trưởng. Tại Việt Nam có 112 loài dơi, trong đó có khoảng 13 loài dơi ăn quả phân bố rộng khắp ở cả đồng bằng và miền núi.


Virus Ebola xâm nhập vào người lành thông qua tiếp xúc với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể hoặc chất dịch cơ thể khác của động vật và người bị nhiễm bệnh.


Tại buổi tọa đàm “Ebola và cơn thịnh nộ của tự nhiên” phát sóng trực tiếp trên kênh VTC14 ngày 22/8/2014”, các chuyên gia đã cho thấy việc săn bắn, tiêu thụ động vật hoang dã sẽ mang đến nguy cơ mắc bệnh Ebola.

Các chuyên gia tham dự giao lưu:

1. Ông Đỗ Quang Tùng  - Giám đốc Cites Việt Nam - Công Ước Quốc Tế Về Hoạt Động Buôn Bán Động Thực Vật Hoang Dã Nguy Cấp.
2. PGS.TS.BS Bùi Vũ Huy – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
3. Tiến sĩ Tuấn Bendixen – Trưởng đại diện tổ chức Động vật Châu Á - AAF tại Việt Nam.
Ở châu Phi ghi nhận nhiều người bị nhiễm virus nguy hiểm này thông qua việc tiếp xúc tinh tinh, khỉ đột, dơi ăn quả, khỉ, linh dương rừng và nhím tìm thấy bị bệnh hoặc chết hoặc trong các khu rừng nhiệt đới.


Tại buổi tọa đàm, phóng sự về việc con người dùng động vật hoang dã như một món không thể thiếu trên bàn nhậu khiến nhiều người rùng mình.

Chủ cửa hàng chuyên bán thịt động vật hoang dã tại Thái Nguyên khẳng định, ở quán ông chuyên cung cấp thịt cầy vòi hương, kỳ nhông, nhím, dúi, chim quý.

Không chỉ ở Thái Nguyên, mà ngay ở Hà Nội cũng có những quán bán thịt thú rừng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Mỗi năm, có hàng tấn thịt động vật hoang dã được mang đi tiêu thụ, thậm chí những loài có nguy cơ tuyệt chủng vẫn được buôn bán. Vì động vật hoang dã mang lại siêu lợi nhuận nên đối thượng buôn bán nay sẵn sàng làm.

Các khách mời tham dự tọa đàm (trái sang): PGS.TS.BS Bùi Vũ Huy – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Ông Đỗ Quang Tùng  - Giám đốc Cites Việt Nam; Tiến sĩ Tuấn Bendixen – Trưởng đại diện tổ chức Động vật Châu Á - AAF tại Việt Nam.
 Liberia, nơi tâm dịch bệnh Ebola hoành hành, chính con người đã bị ‘thiên nhiên’ trả thù vì ăn thịt động vật hoang dã. Ở đất nước này, nhà nhà, người người ăn thịt thú rừng.

Tại chợ, thịt động vật hoang dã bày tràn lan. Một người dân của Liberia nói: Cả nhà tôi ăn thịt động vật hoang dã. Chúng tôi nướng thịt lên và ăn.

Nhưng họ không thể ngờ, virus Ebola đã xuất hiện, tấn công hệ miễn dịch hàng ngàn người, gây xuất huyết đến chết cho trên 1 ngàn người.

Theo PGS.TS.BS Bùi Vũ Huy – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, virus Ebola gây bệnh còn kinh khủng hơn virus HIV, vì tốc độ lây lan  của Ebola rất nhanh và mạnh.

Tỷ lệ tử vong do bệnh cao từ 60-90% tùy khu vực. Ngoài ra, việc khống chế nó rất khó. Diễn biến bệnh nhanh có thể tử vong trong vòng 15 ngày.

Tại sao ăn thịt thú rừng, mắc nhiều bệnh khủng khiếp?


Trên thế giới, các nhà khoa học đã nghiên cứu được 700/3000 virus từ động vật. Như vậy, còn nhiều virus mà chúng ta chưa biết đến. Do đó, khi ăn thịt hay tiếp xúc với thú rừng, nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm rất cao.

Nhiều người Tây Phi đã chết vì Ebola. 
Tiến sĩ Tuấn Bendixen, Trưởng đại diện tổ chức Động vật Châu Á - AAF tại Việt Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm: “Chúng ta tiếp xúc với động vật hoang dã là tạo điều kiện cho virus Ebola lây sang con người. Khỉ cũng chết vì bệnh Ebola. Vì vậy, chúng ta phải có hành động không ăn động vật hoang dã và tiếp xúc động vật hoang dã”.


Khi chế biến thịt động vật hoang dã, vì phải làm giấu diếm nên có thể chế biến mất an toàn vệ sinh. Vì vậy, không nên ăn động vật hoang dã vì vừa mất tiền vừa  dễ bị bệnh, ông Tuấn khuyến cáo.

Còn PGS.TS.BS Bùi Vũ Huy – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới nên thuận lợi cho các bệnh nhiễm trùng lây lan cao. Việc sử dụng động vật hoang dã còn khá phổ biến tại Việt Nam. Qua buổi tọa đàm này sẽ thức tỉnh mọi người nên dừng săn bắn và hạn chế tiếp xúc động vật hoang dã.

Chung quan điểm, ông Đỗ Quang Tùng nói: Việt Nam là một trong các nước có tính đa dạng sinh học cao, nguồn động vật hoang dã tương đối sẵn. Thời gian vừa qua, tình trạng săn bắn, sử dụng  một cách bừa bãi động vật hoang dã làm suy giảm các loài. Nhiều người có điều kiện kinh tế đã muốn thể hiện đẳng cấp của mình qua việc ăn thịt thú rừng chứ không phải vì nhu cầu thực phẩm.

Bệnh do virus Ebola (từng được biết đến là bệnh Sốt xuất huyết do vi rút Ebola) là bệnh nguy hiểm, thường dẫn đến tử vong, với tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Bệnh tấn công người và động vật có vú (khỉ, gôrila, tinh tinh).

Bệnh Ebola được phát hiện lần đầu vào năm 1976, với hai đợt bùng phát dịch xảy ra đồng thời, một ở một ngôi làng ven sông Ebola, Cộng hòa Dân chủ Công Gô, và một ở khu vực xa xôi hẻo lánh ở Sudan.

Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, cơ quan, tổ chức cơ thể của người hoặc động vật bị mắc bệnh. Hiện tại, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh.

» Không khí tang thương ở tâm dịch Ebola
» Cận cảnh bên trong bệnh viện tại tâm dịch Ebola
» Những đại dịch khủng khiếp khiến triệu người bỏ mạng
» Xét nghiệm virus Ebola nhanh nhất ở đâu?

Nam Anh


Bình luận
vtcnews.vn