• Zalo

Thịt lợn sẽ giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Kinh tếThứ Hai, 08/05/2017 16:22:00 +07:00Google News

Trong thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ xem xét và xây dựng các biện pháp để ngành chăn nuôi của Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Chiều ngày 8/5, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017. Tham gia hội nghị, có sự góp mặt của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hồ Sĩ Hùng.

2.000 đại biểu tham dự Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017

Ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” sẽ diễn ra vào ngày 17/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Hinh anh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham gia Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với 2.000 đại biểu trong ngày 17/5 tới đây. (Ảnh: VGP)

Chủ đề của hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, hỗ trợ để doanh nghiệp thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Về nội dung, hội nghị này sẽ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35. Các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hiến kế, kiến nghị; các bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận hội nghị. Sau hội nghị, Thủ tướng có chỉ thị cụ thể để các cơ quan nhà nước thực hiện.

Hội nghị được tổ chức theo hai hình thức gồm trực tiếp và trực tuyến. Dự kiến khoảng 2.000 đại biểu (gấp 4 lần năm 2016) sẽ trực tiếp tham dự hội nghị, trong đó khối doanh nghiệp dân doanh khoảng 1.500 đại biểu, cùng các đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...

Tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu. Hội nghị cũng sẽ được truyền hình trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Ngay sau hội nghị, trong cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các Bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp; Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VCCI đồng chủ trì họp báo về Hội nghị.

Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp. Được biết, từ sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất tổ chức vào năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới đã đạt mức kỷ lục.

30% doanh nghiệp chưa hài lòng về các cơ quan bộ nghành, địa phương sau khi Nghị quyết 35 đi vào hoạt động.

Trong buổi họp báo, ông Vũ Tiến Lộc đã đánh giá sơ bộ việc thực hiện Nghị quyết 35. Theo ông Lộc, sau một năm thực hiện Nghị quyết 35, đã có 75% doanh nghiệp đánh giá tích cực hoặc tương đối tích cực đối với sự chuyển biến của các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là vấn đề thủ tục hành chính. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn gần 30% doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng về các cơ quan bộ nghành, địa phương sau khi Nghị quyết 35 đi vào hoạt động.

Cũng theo ông Lộc, năm 2016 là năm đột phá về tư duy cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp được mở rộng đầu tư, tăng lợi nhuận, tăng lương cho cán bộ công nhân viên,... tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp giải thể cũng đang ở mức cao.

Hinh anh

 Theo ông Lộc, sau một năm thực hiện Nghị quyết 35, đã có 75% doanh nghiệp đánh giá tích cực hoặc tương đối tích cực đối với sự chuyển biến của các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là vấn đề thủ tục hành chính. (Ảnh: Tiểu Lâm)

Một số hạn chế được ông Lộc dẫn ra việc các doanh nghiệp giải thể là do khó tiếp cận tới nguồn vốn từ ngân hàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp e ngại tới lãi xuất và thủ tục hành chính để vay vốn ngân hàng.

Ngoài ra, một số hạn chế khác như các doanh nghiệp đang kiến nghị giảm chỉ bảo hiểm xã hội của người lao động, tiếp cận tín dụng, logirtic,.... đã và đang được Chính phủ xem xét và giải quyết.

Năm nay VCCI nhận được 200 kiến nghị mới từ các doanh nghiệp và đã chuyển cho các bô ngành, địa phương xem xét giải quyết. Các kiến nghị tập trung vào các nội dung cụ thể của Nghị quyết 35: Cải cách hành chính, bảo vệ quyền lợi DN… Cũng theo báo cáo, trong thời điểm hiện tại đã có 18/20 bộ, ban, nghành và 41/63 tỉnh, thành phố báo cáo về tình hình thực hiện  Nghị quyết 35.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà kỳ vòng về mục tiêu phấn đấu đạt 1 triệu DN vào 2020. Còn theo tiết lộ của VCCI, với tốc độ các doanh nghiệp đăng ký với các địa phương như hiện nay, thì đến năm 2020 sẽ có ước chừng khoảng 1,4 triệu doanh nghiệp hoạt động.

“Để đạt được mục tiêu này cũng cần có sự sửa đổi về luật thuế, kế toán... Đặc biệt là đối với doanh nghiệp siêu nhỏ để giúp chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp”, ông Lộc nhấn mạnh.

Thịt lợn mất giá làm nóng Hội nghị

Trong khuôn khổ Hội nghị, rất nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi xung quanh vấn đề thịt lợn bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Ngay sau khi Trung Quốc dừng thu mua thịt lợn Việt Nam trên diện rộng, giá thịt lợn trong nước giảm giá kỷ lục.

Đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng, Chính phủ đã có những biện pháp kịp thời nhằm hỗ trợ nông nhân và các doanh nghiệp chăn nuôi sau khi giá thịt lợn xuống thấp kỷ lực như kêu gọi toàn dân ăn thịt lợn giúp đỡ nghành chăn nuôi trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Lê Mạnh Hà, đây chỉ là biện pháp tạm thời. Trong thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ xem xét và xây dựng các biện pháp để ngành chăn nuôi của Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Video: Người dân có thể kiến nghị trực tiếp với Chính phủ

 

Tiểu Lâm
Bình luận
vtcnews.vn