Sáng nay, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bên hành lang Quốc hội, trước phiên họp, nhiều đại biểu bày tỏ ủng hộ Quốc hội có Nghị quyết về hình thức xử lý, hạn chế tình trạng lái xe sử dụng rượu bia.
Bàn luận về vấn đề này, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết: mỗi năm có 30% số vụ gây rối an ninh trật tự liên quan đến rượu bia, 70% các vụ vi phạm pháp luật, vi phạm hình sự có liên quan đến rượu bia. Mỗi năm nhà nước thu được 50 nghìn tỷ đồng thuế từ kinh doanh rượu bia, nhưng phải bỏ ra 65 nghìn tỷ đồng chi phí y tế và các hệ lụy khác.
Do đó, bà Hải cho rằng cần có chế tài mạnh tay hơn nữa với tình trạng sử dụng rượu bia tràn lan như hiện nay.
Trong khi đó, Thiếu tướng Sùng A Hồng (Điện Biên) ủng hộ Quốc hội có Nghị quyết về hình thức xử lý, hạn chế tình trạng lái xe sử dụng rượu bia. Đại biểu Sùng A Hồng cho rằng hiện chế tài về xử lý chưa đủ sức răn đe. Do đó, ông Hồng đề xuất nên quy định sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vi phạm pháp luật hình sự.
“Những vụ lái xe sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn thảm khốc, hậu quả xảy ra khôn lường. Tôi cho rằng, thời gian tới có chế tài. Tôi đã nghiên cứu ở một số nước, sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vi phạm hình sự. Cho nên đến một lúc nào đó, xã hội phát triển, văn minh thì nên quy định sử rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là pháp luật hình sự".
Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, (TP.HCM) bày tỏ: “Quan trọng là ngăn ngừa, không cho người đó đi ra đường giết người. Chúng ta phải làm sao để mức xử phạt, thu bằng lái mới là quan trọng. Nếu như tái phạm thì bị đánh giá vào đạo đức lái xe. Sau đó thi lại giấy phép lái xe khó. Đồng thời, có những trường hợp tạm giam 1, 2 đêm cho hết rượu mới thả. Còn hiện nay tài xế uống rượu rất kinh hoàng”.
Trước đó, trả lời VTC News, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng hành động uống rượu bia, sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông rồi gây tai nạn chết người là tội giết người chứ không phải là hành động bất khả kháng.
Theo ông Hòa, để loại bỏ tình trạng này, trước tiên cần phải có cách hình thức tuyên truyền, vận động để chính những người tham gia giao thông nhận thức được tác hại của rượu bia đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Trong trường hợp nhiều tài xế vẫn bỏ ngoài tai các thông điệp truyên truyền, ông Hoà cho rằng cần phải có chế tài nghiêm minh trong xử phạt vi phạm.
Vị chuyên gia này đề xuất có thể là nâng mức xử phạt hành chính với các trường hợp vi phạm, phạt tù với mức án cao hơn.
"Nên giáo dục, truyên truyền, xử phạt hành chính, phân chia các mức xử phạt: xử phạt lần đầu, xử phạt lần hai hoặc tước bằng lái xe vĩnh viễn", ông Hòa đề xuất.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề Xã hội) cũng rất bức xúc khi hiện nay có nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc do người lái xe uống bia rượu gây ra.
"Trong khi chờ Luật Phòng chống tác hại của rượu bia thì nên có một nghị quyết chuyên đề hoặc nghị quyết kinh tế xã hội để Chính phủ đề ra giải pháp ngăn chặn tình trạng uống rượu bia gây ra tai nạn giao thông đau lòng", đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu ý kiến.
Ông Lợi cho biết cũng rất muốn trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong mục hành vi bị cấm thì cấm ngay người tham gia giao thông uống rượu bia.
"Nếu tham gia giao thông có nồng độ cồn là có thể bị xử phạt chứ không phải đến mức đo nồng độ", ông Lợi đề xuất.
Vị đại biểu này cho rằng Nghị quyết của Quốc hội sẽ có hiệu lực ngay khi nghị quyết được ban hành nên tác động vào xã hội nhanh hơn luật.
Nghị quyết Quốc hội cũng cần nêu rõ lộ trình để Chính phủ có căn cứ ra văn bản pháp quy, có giải pháp để triển khai thực hiện.
Video: Lái xe khi đang say rượu, tài xế nhận "cái kết đắng"
Bình luận