Sáng 23/4, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị trao đổi thông qua đề án phòng, chống tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và các tỉnh lân cận tại huyện Cần Giờ.
Tại hội nghị, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM chỉ ra những yếu kém, thiếu sót của lực lượng công vụ, đồng thời yêu cầu có những biện pháp cứng rắn ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép.
Theo Thiếu tướng Minh, hầu hết phương tiện vi phạm có tải trọng hơn 1.000 tấn bị bắt về hành vi khai thác cát trái phép đều từ các tỉnh phía Bắc vào. Sau khi bị lập biên bản, họ không cư trú tại TP.HCM nữa nên cơ quan chức năng ngại đi xác minh đầy đủ về nơi tiêu thụ, chủ phương tiện.
Do đó, cơ quan chức năng chấp nhận xử lý theo trường hợp bắt quả tang, chỉ phạt người lái phương tiện chứ chưa xử lý được chủ phương tiện.
Phó giám đốc Công an TP.HCM cho hay, cơ quan công an kiên quyết xử phạt hành vi khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, hầu hết các công trình kể cả công trình sử dụng vốn ngân sách, công trình công ích rất quan trọng về phát triển kinh tế và an ninh quốc gia đều sử dụng cát khai thác trái phép.
“Nếu chúng ta làm thẳng thừng thì các công trình này sẽ đình trệ, thậm chí cả các công trình trọng điểm quốc gia như công trình giao thông, đường cao tốc… Nếu làm quyết liệt thì thậm chí công trình lấn biển của Cần Giờ cũng không có hạt cát nào để san lấp, thực hiện công trình”, Thiếu tướng Phan Anh Minh nhấn mạnh.
Từ đó, Phó giám đốc Công an TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận, cần coi lại lực lượng chức năng trong việc bắt giữ, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép, như vụ vừa xảy ra có tiêu cực từ công an.
“Công an thành phố yêu cầu Phòng Cảnh sát môi trường không giao việc cho cán bộ quê ở duyên hải Cần Giờ. Vì tình đồng hương, những người này có thể không thực hiện quy định, chỉ đạo của cấp trên và không loại trừ khả năng có tiêu cực”, Thiếu tướng Minh nói.
Nếu chúng ta làm thẳng thừng thì các công trình này sẽ đình trệ, thậm chí cả các công trình trọng điểm quốc gia như công trình giao thông, đường cao tốc…
Thiếu tướng Phan Anh Minh
Về giải pháp chống nạn khai thác cát trái phép, ông Minh cho biết, trữ lượng thì toàn bộ cát ở miền Nam chỉ đủ riêng TP.HCM sử dụng trong 2 năm.
"Nên chăng rà soát lại các mỏ đang đóng không cho khai thác", tướng Minh đề nghị Sở Xây dựng chỉ cấp phép xây dựng khi chủ đầu tư chứng minh nguồn cát hợp pháp.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết, tình trạng khai thác cát lậu ngày càng tăng, ảnh hưởng xấu đến môi trường và an ninh khu vực.
Nguyên nhân do khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là cát san lấp. Các đối tượng tổ chức khai thác có quy mô, diễn ra rầm rộ nhất là vào ban đêm, với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm né tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, do quy định chỉ tịch thu phương tiện đối với trường hợp khai thác cát trái phép từ 50 m3 trở lên nên việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, người vi phạm khi bị phát hiện thường bỏ chạy, xả cát xuống biển tẩu tán tang vật, tránh bị tịch thu phương tiện. Ngoài ra, Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng chưa quy định tịch thu phương tiện vi phạm đối với người thuê phương tiện dưới danh nghĩa chở hàng hoặc thực hiện dự án.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc quản lý tình trạng khai thác cát trái phép là hết sức cấp bách, vì nó ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các sở, ngành TP.HCM phối hợp với các địa phương giám sát các phương tiện hút cát, người lái các phương tiện khai thác cát. Lực lượng chức năng cần sử dụng hệ thống camera giám sát các phương tiện khai thác cát trái phép để xử lý; bố trí các trạm và lực lượng chốt chặn ở các khu vực thường xuyên xảy ra khai thác cát trái phép; phối hợp với các địa phương tập trung xử lý các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi không phép; giám sát việc vận chuyển cát trên các tuyến sông, rạch…
Bên cạnh đó, với các tỉnh có tàu khai thác cát tập kết, ngoài việc ký kết quy chế phối hợp giữa các tỉnh, Bí thư Nhân đề nghị thành lập các tổ công tác thường trực để trao đổi thông tin xử lý nhanh các trường hợp vi phạm, thành lập các tổ công tác của TP.HCM liên ngành để xử lý tình trạng khai thác cát trái phép.
Ngoài ra, Bí thư Nhân đề nghị thành phố báo cáo Bộ Xây dựng trong việc cân đối cung cầu vật liệu xây dựng như cho phép mở các mỏ khai thác, cũng như dùng vật liệu thay thế cát san lấp; đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống khai thác cát trái phép.
Bình luận