Theo các chuyên gia, điều này là do nhiều yếu tố, song cơ sở hạ tầng chính là thách thức lớn nhất của Đà Nẵng khiến du lịch chưa thể “cất cánh” như kỳ vọng.
Vì đâu nên nỗi?
Vài năm trở lại đây, Đà Nẵng đã vươn mình trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông lượng khách đến tham quan. Nếu như năm 2016, Đà Nẵng đón 5,5 triệu lượng khách, năm 2017 là 6,6 triệu thì năm 2018 con số này tăng lên 7,6 triệu lượt khách, tăng 15,5% so với năm trước đó.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là lượng khách đông song tổng thu từ khách du lịch của Đà Nẵng vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế xã hội Đà Nẵng, số ngày lưu trú bình quân của du khách đến Đà Nẵng vẫn chưa có nhiều cải thiện, mức lưu trú bình quân của một du khách chỉ đạt khoảng 2 ngày, chi tiêu trung bình của khách vẫn còn ở mức thấp.
PGS.TS Phạm Trung Lương (nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch) thừa nhận, câu chuyện của Đà Nẵng cũng là thực tế chung của nhiều điểm đến ở Việt Nam: lượng khách đến đông nhưng thu nhập không hiệu quả. “Chỉ số khách đến chỉ là một chỉ số đánh giá sự phát triển của điểm đến. Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải quan tâm đến tổng thu, tức là mức độ chi tiêu bình quân của khách. Chúng ta phải làm thế nào để khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay lại sớm hơn chứ không nên chỉ chạy đua về số lượng”, ông Lương thẳng thắn.
Hiện nay, số lượng khách đến Việt Nam nói chung và các điểm đến du lịch nói riêng chủ yếu vẫn là khách đến từ thị trường Châu Á, đi theo tour giá rẻ như: Trung Quốc, Hàn Quốc, những khách đến từ thị trường tiềm năng “nhà giàu” có mức chi tiêu cao như khách Châu Âu, Mỹ, Úc… vẫn ở mức khiêm tốn. Theo số liệu Ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, chi tiêu bình quân của du khách Trung Quốc rất thấp, khoảng 638 USD/người và khách đến từ nhiều thị trường khác trong top dẫn đầu tỷ trọng khách đến Việt Nam, cũng chi tiêu rất khiêm tốn, chỉ đạt 943,8 USD/người.
Đó cũng là nguyên nhân vì sao tăng trưởng về doanh thu lại không tương xứng với lượng khách đến. Bà Hương Lan- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng thừa nhận, Đà Nẵng hiện chưa có các đường bay thẳng đến những quốc gia có lượng khách chi tiêu cao.
Trong khi đó, lý giải nguyên nhân chưa tạo được sức hút với các thị trường khách tiềm năng, PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng cơ sở hạ tầng chính là thách thức lớn nhất khiến cho tổng thu của du lịch Đà Nẵng chưa hiệu quả. Đà Nẵng không còn thiếu khách sạn hay resort chất lượng cao, nhưng thành phố đang cần những trung tâm mua sắm chất lượng cao, những trung tâm giải trí về đêm có uy tín và tạo niềm tin cho du khách.
Thêm vào đó, nhiều năm qua, sản phẩm du lịch Đà Nẵng chưa có nhiều mới mẻ. Ngoài khu du lịch Bà Nà Hills chịu khó đầu tư làm mới để thu hút du khách và công viên Sun World Danang Wonders đa dạng dịch vụ giải trí nằm ở trung tâm thành phố, Đà Nẵng không có thêm nhiều điểm đến đủ sức hấp dẫn du khách đến vui chơi, giải trí.
Dịch vụ giải trí về đêm của Đà Nẵng lại càng thiếu thốn. Ngoài dịp Lễ hội Pháo hoa hoa quốc tế Đà Nẵng có nhiều sự kiện văn hóa, hoạt động giải trí được tổ chức song hành… , du khách nếu trở lại Đà Nẵng vào dịp khác cũng không biết chơi gì, ở đâu?
“So với các trung tâm du lịch khác, Đà Nẵng có đặc thù riêng. Đây không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là trung tâm trung truyển, tiếp nhận khách từ Đà Nẵng khách di chuyển đến các điểm đến miền Trung. Với các chức năng đó thì việc phát triển dịch vụ, cơ sở hạ tầng càng trở nên quan trọng.
Nhìn từ góc độ này thì Đà Nẵng hiện đang rất thiếu, thiếu sân bay, thiếu tàu biển quốc tế… để kết nối với các điểm đến miền Trung và quốc tế. Bên cạnh đó, các khu vui chơi giải trí… cần đầu tư, đặc biệt là các trung tâm mua sắm, các dịch vụ giải trí về đêm để phục vụ nhu cầu của khách, tăng mức chi trả cũng như thời gian lưu trú của khách được nhiều hơn và kéo dài hơn”, ông Lương nói.
Thiếu trải nghiệm, “yếu” cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch: Câu chuyện không của riêng ai!
Thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu các hoạt vui chơi giải trí, mua sắm… không chỉ là hạn chế của riêng Đà Nẵng mà cũng là thực tế chung của du lịch Việt Nam. So với các nước trong khu vực, Việt Nam được đánh giá là không thua kém về mặt tài nguyên thiên nhiên, chúng ta có những bãi biển đẹp, di sản văn hóa nổi tiếng thế giới thế nhưng vẫn phải mất tới 15 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Thái Lan, 10 năm nữa với Malaysia và còn đứng ở một khoảng cách khá xa so với Singapore.
Trong diễn đàn du lịch cao cấp được tổ chức hồi tháng 12/2018 ở Hà Nội, nghiên cứu về xu hướng du lịch của các quốc gia trên thế giới, ba Tuyết Vũ, Đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) cho biết, bên cạnh giá vé máy bay, khách sạn, du khách sẵn sàng trả tiền nhiều hơn cho những tiện ích mang lại cho họ. Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện tại tỷ lệ chi tiêu cho trải nghiệm trong kỳ nghỉ của khách quốc tế ở Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực.
Trong khi đó, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam thẳng thắn nhận định cơ sở hạ tầng chính là yếu tố “cản trở” sự phát triển của du lịch Việt Nam. "Trong 7, 8 năm tới, Việt Nam sẽ thu hút 30 triệu lượt khách, nhưng chúng ta phải sẵn sàng về cơ sở hạ tầng", ông Grant Thornton nói. Thậm chí, các chuyên gia quốc tế nhận định, nếu có sự phối hợp tốt để đầu tư vào hạ tầng du lịch, Việt Nam có khả năng tăng nhiều hơn và có thể chỉ mất 7 năm để đạt lượng khách như Thái Lan hiện tại.
Du lịch sẽ trở thành mũi nhọn, nếu chúng ta thẳng thắn nhìn nhận rằng cơ sở hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông là một yếu tố then chốt cần phải đầu tư, phải mời gọi được các nguồn lực tư nhân và tạo điều kiện để họ được tham gia bình đẳng vào công cuộc thúc đẩy du lịch nước nhà phát triển. Điều đó làm được cũng không khó khăn lắm.
Bình luận