• Zalo

Thiếu thiết chế kiểm soát quyền lực sẽ có lạm dụng

Thời sựThứ Năm, 28/02/2013 04:40:00 +07:00Google News

Chuyên gia pháp luật nói nếu không có thiết chế kiểm soát quyền lực thì sẽ có sự lạm dụng.

Chuyên gia pháp luật nói nếu không có thiết chế kiểm soát quyền lực thì sẽ có sự lạm dụng.

Ảnh VGP/Nhật Bắc


Sáng 28/2, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.Buổi tọa đàm có sự tham dự của các vị khách mời đến từ Bộ Tư pháp: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên; Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa; Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế Dương Đăng Huệ; Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý Nguyễn Văn Cương.

Dưới đây là nội dung chính của buổi tọa đàm

- So sánh nội dung của Hiến pháp hiện hành và bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nguyên tắc chủ quyền nhân dân và phương thức sử dụng quyền lực nhà nước của nhân dân được quy định rõ ràng hơn, theo ông, vì sao có sự bổ sung và phát triển quan trọng này và chuyên gia có bình luận gì về khía cạnh này của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp?


Ông Hoàng Thế Liên 
Ông Hoàng Thế Liên: Một bản hiến pháp được xây dựng cơ bản trên nguyên tắc chủ quyền nhân dân, tức là thông qua hiến pháp, nhân dân giao quyền cho nhà nước, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Hiến pháp năm 1946, năm 1959, 1980 và năm 1992 đều khẳng định nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, tuy nhiên, cách thức quy định có sự khác nhau.

Ví dụ, Hiến pháp năm 1946 ghi là tất cả quyền binh, còn từ Hiến pháp năm 1992 trở lại đây chúng ta quy định là tất cả quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, tổng kết 9 năm thực hiện hiến pháp 1992 thì chúng tôi thấy quy định vẫn chưa đủ để bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

Chẳng hạn, tại điều 2 Hiến pháp 1992 ghi là tất cả quyền lực NN thuộc về nhân dân thì điều 6 quy định nhân dân thực hiện quyền lực NN thông qua QH, HĐND, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Như vậy có thể nói nhân dân thực hiện quyền lực của mình thông qua dân chủ đại diện là QH, HĐND.

Như thế là đúng, chủ yếu, nhưng chưa đủ. Như vậy, dự thảo sửa đổi lần này quy định rõ hơn: nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, QH, HĐND và thông qua các cơ quan nhà nước khác. Như vậy đầy đủ hơn. Nhân dân trao quyền cho QH, đồng thời nhân dân cũng có một số quyền trực tiếp để bảo đảm kiểm soát quyền lực của NN, bảo đảm thực hiện đúng quyền lực của nhân dân, phục vụ lợi ích nhân dân.

Thứ hai, chúng ta vẫn khẳng định dân chủ gián tiếp mà trước hết là thông qua QH, HĐND, tất nhiên, lần này, với cơ sở hiến định, chúng ta tiếp tục làm thế nào để dân chủ gián tiếp này có hiệu lực hơn, thực chất hơn và mang lại hiệu quả hơn.

Trước đây chúng ta nghĩ các cơ quan nhà nước khác vì nhân dân không trực tiếp bầu ra mà quốc hội bầu ra, do đó không trở thành phương thức để thực hiện quyền lực nhà nước, quyền lực của nhân dân. Thì lần này chúng ta khẳng định, dù các cơ quan nhà nước khác không do nhân dân trực tiếp bầu ra mà do người đại diện của nhân dân bầu ra, mà đó là QH hoặc HĐND thì họ cũng là 1 trong những chủ thể thực hiện quyền lực của nhân dân.

Tôi cho đó là một điểm rất mới, và nhân dân đủ phương thức để thực hiện quyền lực của mình. Như vậy chúng ta có đủ điều kiện để kiểm tra xem trong hiến pháp, ngoài quyền bầu cử ở điều 7 thì quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân trong chế độ kinh tế văn hóa xã hội, quyền của công dân được quy định thế nào, quyền dân chủ trực tiếp được quy định thế nào. Đó là một trong những cơ sở để chúng ta kiểm tra.

Ông Nguyễn Văn Cương - Ảnh VGP/Nhật Bắc 
Ông Nguyễn Văn Cương:
Tôi chia sẻ quan điểm của Thứ trưởng Liên. Nếu đọc kỹ lời nói đầu bản sửa đổi hiến pháp và lời nói đầu của bản hiến pháp hiện hành, chúng ta thấy rõ tinh thần đó, trước đây nói, nhân dân nguyện ra sức thi hành hiến pháp, nay trong bản hiến pháp nói nhân dân xây dựng. Đó là điểm tôi cho rằng đó là bước tiến mới.

Bà Nguyễn Kim Thoa:
Hiến pháp trước quy định nhân dân thực hiện quyền của mình là qua QH và HĐND, nhưng rõ ràng trên thực tế rất nhiều cơ quan khác được thực hiện và được ủy quyền của nhân dân. Như vậy việc sửa đổi mới này là nhân dân thực hiện quyền của mình qua HĐND, QH nhưng đặc biệt bổ sung qua các cơ quan khác. Tôi thấy rằng rõ ràng quyền của nhân dân được mở rộng ra rất nhiều.

- Trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại Điều 2 khi nói về Nhà nước pháp quyền XHCN, chúng tôi thấy có bổ sung thêm nội dung về kiểm soát quyền lực, theo đó “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp,”, sự bổ sung như vậy có ý nghĩa gì và sự bổ sung này có ảnh hưởng gì tới các quy định ở phần về tổ chức bộ máy nhà nước?

Bà Nguyễn Kim Thoa 
Bà Nguyễn Kim Thoa:
Thứ nhất, nói đến tinh thần nhà nước pháp quyền thì năm 2001 chúng ta khi sửa hiến pháp thì đã nhấn mạnh Việt Nam là nhà nước pháp quyền, quyền lực nhà nước là tập trung có sự phân công, phối hợp. Văn kiện Đại hội Đảng XI có ghi quyền lực nhà nước có sự phân công, phối hợp nhưng có thêm cụm từ kiểm soát quyền lực.

Việc sửa  đổi Hiến pháp lần này là thể chế hóa tinh thần vô cùng đổi mới của Đảng; thứ hai là nhằm khắc phục những hạn chế bất cập thời gian qua; thứ ba là nhằm phù hợp với tinh thần hội nhập quốc tế. Việc sửa đổi, bổ sung cụm từ kiểm soát quyền lực là logic, cần thiết.

Chúng ta thấy thuyết tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp) có từ xa xưa, qua nghiên cứu, hội thảo thì tam quyền phân lập ở nước khác, hay là phân công quyền lực ở nước ta là vô cùng quan trọng nhưng nếu không có thiết chế kiểm soát quyền lực thì sẽ có sự lạm dụng.

Kiểm soát đưa ra cơ chế giúp các cơ quan quyền lực không đi quá đà, trở lại đưa vào yếu tố kiểm soát quyền lực là quan trọng nhưng việc đưa vào hiến pháp phải như thế nào để việc kiểm soát có hiệu quả, ở đây là lập pháp, hành pháp, tư pháp phải quy định rõ ràng, thì mới kiểm soát được.

Ông Hoàng Thế Liên:
Tôi cho rằng bổ sung yếu tố kiểm soát trong nguyên tắc tổ chức là vấn đề  mới. Lý do thứ nhất, trong Điều 2 thừa nhận Nhà nước pháp quyền, mà nhà nước pháp quyền ra đời trong điều kiện xã hội dân chủ, mục tiêu là phát triển dân chủ bảo đảm quyền lợi của con người trong xã hội dân chủ, điều này đặt ra tất yếu phải kiểm soát quyền lực để chống tình trạng lạm quyền, độc quyền.

Thứ hai, có quyền lực là có nguy cơ lạm quyền, lộng quyền và tha hóa quyền lực. Không thể nói quyền lực khi trao cho ai đó và bảo đảm thực hiện thông qua lòng tốt của họ mà phải có cơ chế kiểm soát. Thứ ba, người dân đã giao quyền lực thì phải có cơ chế kiểm soát, để bảo đảm quyền lực trong tay nhân dân và vì lợi ích của nhân dân.

Khi nói bổ sung yếu tố kiểm soát trong Điều 2 thì chúng ta phải có cơ chế hiến định để bảo đảm điều đó. Về vấn đề này, có 3 yếu tố: kiểm soát phải thông qua nhân dân, mà nhân dân kiểm soát bằng hệ thống quyền dân chủ trực tiếp và hệ thống các cơ quan, tổ chức xã hội do mình lập ra hoạt động vì lợi ích của mình, không phải ngẫu nhiêu mà MTTQ được giao giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, phản biện chính sách…

Yếu tố thứ hai, giữa các nhánh quyền lực phải có mối quan hệ thế nào để bảo đảm quyền lực được thực hiện hài hòa. Nếu phân định thế nào là Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, và quyền của từng cơ quan đó thì cũng là một yếu tố để nhân dân giám sát.

Thứ ba, mặc dù đã có nhân dân kiểm soát quyền lực, cơ quan nhà nước kiểm soát thì cũng cần thiết lập một số thiết chế độc lập chuyên trách kiểm soát như Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Hiến pháp…

Ông Nguyễn Văn Cương:
Kiểm soát quyền lực nằm trong bức tranh chung và việc xây dựng một bản Hiến pháp là công cụ hữu hiệu để nhân dân kiểm soát quyền lực.

- So sánh giữa các quy định trong Chương II Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và bản Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền công dân, chúng tôi thấy có rất nhiều điểm mới quan trọng về tên, vị trí của chương, về quan niệm về quyền con người và việc bổ sung nhiều quyền con người mới, khách mời có bình luận gì về những điểm mới quan trọng này?

Ông Hoàng Thế Liên:
Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, Chương về quyền con người, quyền cơ bản của công dân là chương mới nhất. Có mấy điểm mới như sau:

Thứ nhất, chúng ta tách quyền con người với quyền công dân. Trước đây, trong Điều 50 của Hiến pháp, ở nước XHCN Việt Nam, quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được bảo đảm, thể hiện ở quy định quyền công dân được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.

Chúng ta thừa nhận quyền con người, sau đó thể hiện bằng quyền công dân và Hiến pháp chỉ quy định quyền công dân. Mà quyền công dân chỉ có người Việt Nam được hưởng. Như vậy, nhiều người sống trên đất Việt Nam nhưng không có quốc tịch Việt Nam, họ sống ở đây họ phải được tôn trọng, được bảo vệ quyền con người.

Thực chất quyền công dân cũng là quyền con người nhưng phải chia ra. Cái gì mọi người được hưởng, cái gì chỉ công dân Việt Nam được hưởng. Khi nói đến quyền tức chúng ta thừa nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Đối với phần lớn quyền con người phải ghi nhận và bảo vệ, còn quyền công dân thì thêm yếu tố bảo đảm thực hiện.

Vậy điều này thể hiện ở chỗ nào? Cái gì mọi người được hưởng là nhân quyền, còn cái gì là công dân được hưởng thì đưa thành phạm trù quyền công dân. Ngoài ra, chúng ta bổ sung một số quyền mới như nhân quyền có nghĩa là quyền sống, quyền sống trong môi trường lành mạnh.

Điểm mới nữa quan trọng hơn là trước đây khi chúng ta nói đến quyền công dân đều có thành tố quyền này được đảm bảo thực hiện bằng pháp luật. Ở Việt Nam, chúng ta có luật của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, văn bản của địa phương. Như vậy, quyền được Hiến pháp quy định lại được bảo đảm bằng văn bản pháp luật nên sẽ khó mà kiểm soát được.

Chính vì vậy, khi mà quyền đã được Hiến pháp quy định thì phải được bảo đảm bằng luật của Quốc hội, chứ không thể quy định bởi các cơ quan khác. Tuy nhiên, đối với một số quyền do nhạy cảm nên chưa thể xây dựng luật nên vẫn được bảo đảm bằng quy định pháp luật.

Điểm mới nữa là với quyền được giao, khi thực thi thì giới hạn đến đâu, bởi liên quan tới quyền của người khác và của nhà nước. Lần này, chúng ta tiếp thu quy định của Công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự năm 1966; quyền kinh tế, văn hóa năm 1966 và tuyên ngôn nhân quyền năm 1948.

Ở đây, quyền con người được giới hạn thực hiện trong một số điều kiện nhất định, để tránh tùy tiện trong quá trình thực hiện ví dụ vì lý do an ninh, quốc phòng, sức khỏe của cộng đồng… Đây là quy định rất mới và rõ ràng.

Ông Dương Đăng Huệ - Ảnh VGP/Nhật Bắc 
Ông Dương Đăng Huệ:
Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, Chương quyền con người được Nhà nước rất quan tâm, thể hiện ở chỗ, trước đây chương này ở cuối nhưng lần này lên chương 2. Sự thay đổi vị trí cho thấy sự quan trọng. Quyền công dân được đặt lên hàng đầu.

Nhưng tôi vẫn quan tâm tới tính thực thi. Điều 21 ghi nhận mọi người có quyền sống, không phải là tuyên ngôn đơn thuần. Ví dụ, Việt Nam có tai nạn giao thông rất nhiều, bị thương nhập viện nhưng không có tiền và đợi người nhà đến thì đã tử vong.

 Đó là quyền sống, tức là khi bị thương vào bệnh viện phải được cứu chữa dù bất kỳ lý do gì, nhà nước phải chịu trách nhiệm cho việc cứu chữa. Lần này, chúng ta làm rất tốt trong chương quyền con người nhưng phải lưu ý tính thực thi.

Bà Nguyễn Kim Thoa: Những người làm luật chúng tôi rất mừng khi chúng ta có sự thay đổi tích cực này, ghi nhận vị trí của quyền con người. Tôi cũng đồng ý với ông Huệ, Hiến pháp là đạo luật cơ bản nên mọi quy định đều phải bảo đảm thực hiện.

Do vậy, việc sửa đổi lần này chúng ta phải xác định rõ những quyền con người nào chúng ta bắt buộc phải thực hiện, quyền công dân được ghi nhận và chúng ta tuyên bố chính trị cam kết thực hiện. Nhưng chúng ta cũng phải lưu ý về nguồn lực kinh tế để thực hiện. Quy định về quyền con người rất nhiều nhưng phải chú trọng thực hiện.

Một số quyền đưa ra trong lần sửa đổi này, tôi thấy lo ngại về thực hiện, ví dụ như quyền có nhà ở, đòi hỏi chúng ta phải có nguồn lực to lớn. Ví dụ chúng ta phải có hệ thống nhà ở xã hội cho những người vô gia cư qua đêm, hoặc như quyền an sinh, hoặc như quyền tự do kinh doanh.

Hiến pháp năm 1992 ra đời trong bối cảnh chúng ta chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường nên ghi vào Hiến pháp quyền tự do kinh doanh nhưng hiện nay tình hình đã khác, mọi người đều có thể kinh doanh vậy đặt ra vấn đề ghi nhận thế nào trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Kinh doanh phải có điều kiện mà được quy định bởi hệ thống văn bản của pháp luật. Hoặc như quyền kết hôn, trong xã hội hiện nay, rất nhiều người sống độc thân nhưng vẫn tốt, vậy đặt ra vấn đề là quyền kết hôn có phải là quyền cơ bản hay không? Vậy mà chúng ta ghi vào Dự thảo là nam và nữ có quyền hôn nhân. Vấn đề này cần nghiên cứu thêm, liệu có cần đưa vào Hiến pháp không.

Ông Hoàng Thế Liên:
Chúng ta đã tham gia nhiều công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có những điều bắt buộc và những điều khuyến nghị. Do đó tại sao chúng ta phải tách quyền chính trị dân sự với quyền kinh tế xã hội vì quyền chính trị dân sự phải bắt buộc thực hiện. Còn các quyền khác tùy theo điều kiện để thực hiện.

- Theo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Điều 74 “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, so với quy định trong Hiến pháp hiện hành (Điều 83) theo đó “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp”, rõ ràng lời văn của Hiến pháp đã có sự thay đổi nhất định. Chuyên gia có bình luận gì về lý do và ý nghĩa của sự thay đổi này?

Bà Nguyễn Kim Thoa:
Chúng ta phải logic các vấn đề với nhau. Có thay đổi đáng kể là quy định trước đây QH là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp thì nay bỏ từ “duy nhất”. Hiện nay người dân đang tham gia xây dựng Hiến pháp, vì Hiến pháp là do toàn dân tham gia góp ý vào, được các cơ quan chức năng góp ý, sau đó QH thảo luận thông qua, cả quá trình làm hiến pháp là quá trình tham gia. Nhưng nếu hiểu theo đúng nghĩa quyền năng đích thực của nó, thì tôi cho rằng QH là chức năng thông qua luật, còn thông qua hiến pháp hay không thì phải suy nghĩ thêm.

Vì nếu chúng ta gọi là QH là cơ quan duy nhất thông qua hiến pháp thì sẽ không có vấn đề trưng cầu dân ý. Nếu người dân được phép thông qua thì sẽ có trưng cầu dân ý, trong đó có một số vấn đề liên quan tới nội dung cơ bản của hiến pháp thì người dân cùng với QH thông qua hiến pháp. Tôi đặt vấn đề nếu chúng ta bỏ từ duy nhất thì có điểm thuận vì thực ra trên thực tế chúng ta đã làm rồi, trong thời gian qua, người dân  tham gia rất sâu vào quá trình làm luật, điều đó đã được chứng minh ở Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhưng nếu tôi trở lại vấn đề duy nhất thì tôi đồng ý một nửa, còn một nửa chưa đồng ý. Nửa sau chúng ta nên thay đổi “QH làm luật” bằng “QH thông qua luật”. Chứ quá trình làm luật như tôi vừa trình bày, đa phần là Chính phủ hoạch định chính sách. Ở các nước trên thế giới, gần 90% đề xuất xây dựng luật là của Chính phủ, bởi Chính phủ điều hành, quản lý là người thấy rõ nhất cái gì bất cập và phương án xử lý như thế nào còn người có quyết hay không gọi là “thông qua”.  

Ông Nguyễn Văn Cương: Tôi nghĩ là việc sửa đổi, không quy định QH là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến cũng rất phù hợp với lời nói đầu của bản dự thảo sửa đổi. Lời nói đầu nói rõ, nhân dân xây dựng và thi hành hiến pháp....

Ông Hoàng Thế Liên: Quốc hội có 3 chức năng là lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng. Theo tôi, nên đổi mới cách thức xây dựng luật. Trước đây, cơ quan làm soạn thảo, trình dự án luật thì phải bảo vệ dự án luật đó trước QH. Thực tiễn mà tôi từng chứng kiến là năm 1995, khi Chính phủ trình Luật Dân sự, Bộ trưởng Tư pháp khi đó đã phải bảo vệ trước QH gần 2 tuần liên tục.

Điều đó thể hiện sự thống nhất của Chính phủ, cơ quan trình còn quyết định là của QH. Sau này, chúng ta đổi sang 2 giai đoạn là trong giai đoạn trình thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ huy. Theo tôi, Quốc hội chỉ quyết định những chính sách lớn nhất, nếu thấy được thì thông qua và chưa được thì trả lại, tức là đồng ý hay không đồng ý để tránh tình trạng “làm văn” tập thể, sau khi cơ quan soạn thảo trình thì Quốc hội lại giữ quyền chỉnh sửa và có thể dự thảo luật sẽ đi xa hơn chủ trương ban đầu.

Do đó, lần này quy định rõ QH quyết định những vấn đề gì, còn lại là của Chính phủ. Chẳng hạn, dự thảo bỏ quy định về thẩm quyền quyết định kế hoạch phát triển KT-XH của QH và thay vào đó, QH chỉ quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu lớn. Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu lớn đó, Chính phủ sẽ lập kế hoạch để thực hiện. Ngoài ra, chỉ quyết định dự toán, phân bổ ngân sách trung ương còn ngân sách địa phương thì giao về cho địa phương, đó là cách để tăng quyền tự chủ cho HĐND.

Về công ước quốc tế, trước đây quy định QH phê chuẩn công ước quốc tế tầm nhà nước (sau khi Chủ tịch nước ký và thấy cần QH phê chuẩn). Lần này, quy định QH phê chuẩn công ước quốc tế nhà nước trong mấy phạm trù: hòa bình, chiến tranh, biên giới quốc gia… còn lại thì phân định rõ cho Chủ tịch nước.

Tôi cho rằng, còn có vấn đề quan trọng nữa về thẩm quyền QH là QH xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm phán Tòa án ND tối cao. Điều này là cơ sở hiến định để tiến hành cải cách tư pháp. Tôi thấy, ở nhiều nước, Toà án tối cao có nhiều nhất là 15 – 17 thẩm phán, bình thường là 9 thẩm phán. Riêng ở nước ta, Tòa án tối cao có 120 thẩm phán. Lần này, quy định ở tầm Hiến pháp như vậy thì buộc chúng ta phải cải cách về tư pháp.

Lần này, dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng quy định Quốc hội chỉ bầu Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm các Ủy ban, còn trước đây thì Quốc hội bầu cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm (phát hiện người không đủ uy tín để đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm) đối với các chức danh do QH bầu, phê chuẩn do số lượng nhiều.

Với dự thảo sửa đổi, thì việc lấy phiếu tín nhiệm có thể chỉ thực hiện đối với 49 – 50 chức danh. Gần đây, các nhà lập pháp Nhật Bản sang thăm Việt Nam có khuyến nghị chúng ta, đối với lập pháp thì quy định rõ còn việc hành pháp thì chỉ quy định những vấn đề lớn vì hành pháp thì phải ứng phó mạnh mẽ với các thay đổi của thực tiễn cuộc sống.




Theo Chinhphu.vn

Bình luận
vtcnews.vn