• Zalo

Thiếu nước sạch, bệnh viện cho người bệnh nhẹ về nhà

Sức khỏeThứ Năm, 17/10/2019 14:40:00 +07:00Google News

Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền, quận Cầu Giấy, sáng 17/10 chỉ giữ lại bệnh nhân nặng, cho bệnh nhân nhẹ xuất viện do thiếu nước sinh hoạt.

Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền điều trị nội trú gần 400 bệnh nhân, trung bình một tháng sử dụng 3.700 m3 nước tương đương 130 m3 một ngày, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bệnh nhân và thân nhân. Những ngày qua do tình trạng nguồn cấp nước từ sông Đà bị ô nhiễm nên bệnh viện chỉ dùng trung bình một ngày 80 m3, giảm hơn 40%. 

Đại diện Phòng tổ chức hành chính cho biết do tình trạng thiếu nước, để giảm nhu cầu sử dụng, bệnh viện phải giải quyết cho nhiều bệnh nhân nhẹ được xuất viện, chỉ bệnh nhân nặng mới điều trị tại viện.

"Bệnh viện cùng bệnh nhân và người nhà cùng hết sức chia sẻ khó khăn, tận dụng triệt để nguồn nước, không lãng phí", đại diện bệnh viện cho biết. Hàng ngày bệnh viện tổ chức dự trữ nước trong các thùng lớn, chai nhựa để bệnh nhân sử dụng.   

Cụ Đào Thị Hưng 87 tuổi, đang điều trị chứng loãng xương tại đây. Một tuần nhập viện, con gái bà luôn túc trực để chăm lo các vấn đề ăn uống, sinh hoạt cho mẹ. Chị chia sẻ: "Thiếu nước, chúng tôi phải dùng nước dự trữ trong thùng để vệ sinh cá nhân. Cũng may là sinh hoạt tại viện khá đơn giản nên không tốn quá nhiều nước".

Ở giường bệnh khác, cụ Chu Văn Hồng 83 tuổi bị suy tim, hẹp mạch vành 80%, đau cột sống, nằm viện hơn 20 ngày. Cụ Hồng cho biết những ngày qua buổi sáng tại viện thường có hiện tượng mất nước hoặc nước chảy yếu. Buổi sáng, ông và mọi người dùng nước khoáng để đánh răng, rửa mặt. Đến buổi chiều và tối nước chảy bình thường, song do quá đông người cần vệ sinh cá nhân nên phải xếp hàng chờ. 

Một số bệnh nhân khác chủ động xin xuất viện về nhà để tiện sinh hoạt. 

benhvien

Cụ Hồng và con gái đang sử dụng nước dự trữ trong thùng. 

Trong khu vực bị thiếu nước do tình trạng nước sông Đà ô nhiễm, có rất nhiều bệnh viện và cơ sở y tế. Số ít bệnh viện như Y học Đa khoa Cổ truyền bị ảnh hưởng trực tiếp. Hầu hết bệnh viện chịu tác động một phần nhờ dùng nhiều nguồn cấp nước sạch khác nhau.

Ở khu vực Cầu Giấy còn có Bệnh viện 198 cũng sử dụng nguồn nước sông Đà, song còn có một nguồn khác từ công ty nước sạch Phần Lan nhưng chỉ dùng ban đêm. Ông Trần Văn Kiên, phụ trách hậu cần bệnh viện, cho biết từ khi có thông tin nước sông Đà bị ô nhiễm, bệnh viện đã khóa hệ thống cấp nước từ sông Đà.

Hiện, bệnh viện chỉ sử dụng nước từ công ty nước sạch Phần Lan, nên mọi sinh hoạt của bệnh viện cũng như bệnh nhân không bị ảnh hưởng nhiều. 

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông dùng nước của Công ty nước sạch Hà Đông, lấy từ các nguồn như nước tự khai thác, sản xuất, nước mặt sông Đà, sông Đuống. Trong đó, nguồn nước sông Đà chiếm 30% nguồn nước cung cấp của Công ty nước sạch Hà Đông. Theo đại diện bệnh viện, tình trạng thiếu nước không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh.

Các bệnh viện Quân y 103, Bỏng Quốc Gia không sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước sông Đà mà có nguồn xử lý nước riêng, đảm bảo an toàn. Những bệnh viện ở khu vực Phương Liệt, Hoàng Mai như bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ, Bưu Điện, Nam học và Hiếm muộn Hà Nội không bị ảnh hưởng.

Tại quận Thanh Xuân, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công An, sử dụng nguồn nước sông Đà nhưng luôn có nguồn nước dự trữ nên hiện bệnh nhân vẫn đủ nước sinh hoạt. 

benhvien2

Nhiều bệnh nhân dùng nước đóng chai để phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Ngày 10/10, người dân các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... phản ánh nước sinh hoạt có mùi rất khó chịu. Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội sau đó kiểm tra, xác định nguồn nước từ sông Đà bị ô nhiễm do dầu thải. Kết quả xét nghiệm cho thấy trong nước có chất Styren với hàm lượng cao hơn 1,3-3,6 lần so với tiêu chuẩn.

Ngày 17/10, nước được cấp trở lại khu vực Tây Nam Hà Nội sau một ngày bị cắt, tuy vậy Công ty nước sạch sông Đà vẫn khuyến cáo "chỉ nên dùng để tắm giặt".

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn