Cục Hàng không phải can thiệp bằng văn bản yêu cầu các hãng hàng không trong nước chỉ được mở bán vé các chuyến bay đã được cơ quan này cấp phép, đồng thời yêu cầu các hãng phải trả tiền vé cho khách với các chuyến bay chưa được cấp phép.
Quan sát khá kỹ vụ việc này, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh cho rằng cần bình tĩnh giải quyết theo tinh thần thượng tôn pháp luật, để hàng không sớm ổn định, phục hồi. Báo điện tử VTC News đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thế Truyền quanh vụ này.
Ít chuyến, chi phí cao, tăng giá vé
- Liên quan đến cáo buộc bán nhiều vé nhưng chuyến bay ít theo ông, điều này có gì bất thường không?
Trước tiên, tôi nhận thấy trong các vấn đề quan trọng, cấp bách của ngành hàng không hiện nay, vé máy bay chưa phải là vấn đề lớn. Việc điều chuyển lịch bay trong điều kiện dịch dã như thế này là bình thường nhưng một vài thiếu sót trong quá trình thực hiện đã bị trầm trọng hóa và đưa lên MXH khiến vụ việc đi quá xa.
Còn bán nhiều bay ít thì phải xem xét cụ thể. Hãng hàng không bán nhiều vé nhưng chuyến bay ít thì phải làm rõ việc bán vé này từ bao giờ, có phải trong tình trạng có dịch COVID-19 hay không? Còn thực tế chung bây giờ không riêng gì hãng hàng không của Việt Nam mà kể cả các hãng hàng không trên thế giới đều có quyền bán vé máy bay trước 1 tháng, 3 tháng, 1 năm…
Nếu việc bán vé không liên quan mùa dịch nhưng thời gian bay ghi trên vé lại diễn ra đúng lúc có dịch, do cơ quan chức năng yêu cầu phải hạn chế số chuyến bay, thực hiện giãn cách trên tàu bay thì hãng bay phải tuân thủ và khách hàng có quyền đề nghị trả lại tiền, bảo lưu hoặc đổi sang chuyến bay khác.
- Ông biết đấy, khách hàng phản ứng về giá vé cao hơn bình thường và phải nộp tiền chênh lệch đổi vé…?
Đối với việc tiền vé máy bay cao hơn bình thường (trước khi có dịch COVID-19), cần hiểu rằng khi thực hiện giãn cách xã hội, các hãng vận tải hoạt động trở lại mà chỉ được phép sử dụng 50% số ghế đã đặt thiết kế cho từng phương tiện. Các hãng phải bỏ trống ghế liền kề theo yêu cầu phòng dịch. Bình thường chuyến bay 250 khách, giờ chỉ được phép nhận 125 khách. Các chi phí bảo đảm cho an toàn phòng dịch cũng tăng. Theo nguyên tắc kinh doanh, các chi phí đó được cộng vào giá vé nên giá vé tăng là điều rất dễ hiểu.
Đó là chưa kể nhu cầu bay của khách tăng cao, trong khi Bộ GTVT cấp phép số lượng chuyến bay nội địa rất ít. Bình thường có tới mấy trăm chuyến bay nội địa mỗi ngày, giờ chỉ một, hai chục chuyến/ngày. Cung – cầu mất cân đối, hàng không lại hoạt động theo cơ chế thị trường, không được trợ giá. Ngay cả chuyến bay mang tính chất giải cứu công dân, hãng cũng không được nhà nước hỗ trợ kinh phí. Nhìn rộng ra hàng không thế giới thời đại dịch, giá vé như vừa qua ở ta là còn rẻ.
Đối với khoản tiền chênh lệch, khi có dịch, mọi chi phí đều tăng lên. Lịch bay liên tục thay đổi, cả Cục Hàng không và hãng hàng không đều bị động, đều nương theo mức độ nguy cơ dịch và theo chỉ đạo. Việc thay đổi chuyến bay, phải nộp tiền chênh lệch liên quan nhiều đến các biện pháp chống dịch, là tình hình chung của cả xã hội.
Nếu hãng bay không làm tốt công tác phòng chống dịch, để dịch xảy ra do lỗi chủ quan của hãng thì chính họ sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý.
- Nhưng có khách phản ánh họ bị đổi lịch bay, cá biệt có chuyến mới trùng giờ lịch cũ cũng phải đổi vé, nộp tiền chênh lệch?
Điều này phải xem lại hôm đó Cục hàng không có điều chỉnh gì lịch bay không? Lịch của các hãng có phải cân đối lại không? Hãng thông báo thế nào, chính sách có thỏa đáng không? Nếu hãng tự ý hoặc do lỗi của hãng thì khách yêu cầu hãng phải giải quyết khoản chênh lệch đổi vé đó.
Khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị hãng hàng không xâm phạm thì hoàn toàn có quyền gửi đơn đề nghị hãng giải quyết, thỏa thuận lại quyền lợi. Nếu hãng không đồng ý thỏa thuận, khách hàng có quyền gửi đơn lên Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh. Trong trường hợp không được giải quyết, khách hàng có thể khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo điều 145 của Luật Hàng không.
Cần ưu tiên giải quyết vấn đề lớn của hàng không
- Vậy việc các hãng hàng không bán vé trước cả tháng, thậm chí trước nhiều tháng có phải là hình thức chiếm dụng tiền và vi phạm pháp luật không, thưa ông?
Tôi khẳng định luôn là không! Vì trước hết, việc mua và bán vé là một thỏa thuận tự nguyện để sử dụng dịch vụ với nhau. Tiền trong túi khách hàng, không ai bắt khách hàng phải mua vé cả. Thực tế, khách hàng mua vé trước 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng… đã được hãng hàng không thông báo về quyền lợi, trách nhiệm và thường có mức giá rẻ hơn so với mua sát ngày bay.
Nếu đến ngày bay nhưng lại rơi đúng vào thời điểm dịch bệnh, cơ quan quản lý yêu cầu phải thực hiện giãn cách, giảm số chuyến bay… thì khách hàng có quyền thỏa thuận lại với hãng. Cơm chưa ăn gạo còn đó. Điều này hoàn toàn không liên quan tới chuyện chiếm dụng tiền của khách hàng và không vi phạm pháp luật.
- Nhưng không sai thì sao mới đây, Cục Hàng không Việt Nam ra văn bản yêu cầu: Đối với những chuyến bay đã được mở bán không theo phép đã cấp, hãng hàng không phải hoàn lại tiền cho khách hàng; Các hãng hàng không chỉ được mở bán các chuyến bay đã được Cục hàng không cấp phép bay. Ông nghĩ sao về điều này?
Có thể Cục Hàng không đang thiên lệch trong điều tiết lợi ích của khách hàng và hãng hàng không. Và, như tôi đã nói, vụ việc tuy nóng nhưng không lớn. Các bên tham gia vụ việc này đang thiếu cái đầu lạnh, bị sa vào tiểu tiết, cách giải quyết vội vàng. Có những khách hàng mang xăng đi dập lửa, phản hồi của hang thì chưa đủ nhanh và đủ kênh lúc bùng phát. Hay như Cục Hàng không Việt Nam ra văn bản này là có dấu hiệu can thiệp quá sâu và giao dịch dân sự, giao dịch thương mại liên quan mua bán dịch vụ. Nên nhớ, hai bên đã thỏa thuận tự nguyện với nhau trong việc mua vé máy bay. Nếu khách hàng muốn được hoàn trả tiền thì phải làm việc trực tiếp với hãng, chưa ổn mới cần đến cơ quan chức năng.
Việc đặt mua vé trước một hoặc nhiều tháng là một giao kết dân sự phổ biến ở tất cả các hãng hàng không trên thế giới. Đó còn là quyền lợi của khách hàng, vì mua càng sớm, khách càng được hưởng giá vé thấp.
Với hãng bay, việc không được bay đồng nghĩa với anh đang chết (gần 200 máy bay của các hãng hàng không Việt đang trùm mền – PV), đang trong hành trình phá sản. Và cấm bán vé trước, bán vé dài hạn chẳng khác nào việc bác sĩ rút ống thở của bệnh nhân đang nguy cấp. Vì vậy, vấn đề của ngành hàng không cần được giải quyết bài bản và ưu tiên một số việc quan trọng mang tính sống còn của ngành.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận