• Zalo

Thiếu hụt nhân lực toàn cầu về phân tích dữ liệu

Giáo dụcThứ Sáu, 19/06/2015 10:58:00 +07:00Google News

Lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, thuộc danh sách Forbes 1000, sẵn sàng ngồi lại và tiếp chuyện với các công ty Việt Nam về xử lý dữ liệu.

(VTC News) - Lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, thuộc danh sách Forbes 1000, sẵn sàng ngồi lại và tiếp chuyện với các công ty Việt Nam về xử lý dữ liệu.

Lãnh đạo Boeing chia sẻ với lãnh đạo công ty FPT rằng mỗi chuyến bay của một chiếc Boeing hiện đại là một chiến dịch phân tích xử lý dữ liệu, với cỡ nửa Tetrabyte dữ liệu truyền về từ máy bay cần xử lý ngay trong thời gian thực, một cách chính xác.
Thiếu hụt nhân lực toàn cầu về phân tích dữ liệu
Ông Trần Thế Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT  cho biết đang có hiện tượng thiếu hụt nhân lực toàn cầu về phân tích dữ liệu
Những bài toán như vậy hôm nay là cơ hội cho cả Việt Nam, bởi cầu đang vượt xa cung trên thị trường quốc tế về xử lý dữ liệu. Các nhà cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin truyền thống, từ các nước phát triển tới các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, cũng không đáp ứng kịp nhu cầu bùng nổ này.
 
Nghề phân tích dữ liệu


McKinsey Global Institute dự đoán, đến năm 2018 sẽ vẫn thiếu 140 đến 190 nghìn người có đủ kỹ năng để tạo ra tri tức từ dữ liệu lớn. Sự thiếu hụt nhân lực này sẽ càng ngày càng trầm trọng. Vậy dữ liệu lớn là gì, và nghề xử lý dữ liệu là gì? Tại sao nghề này lại đang trở nên nóng hổi như vậy?

Các hoạt động của doanh nghiệp, người dùng, của máy móc có thể sinh ra dữ liệu nhiều, đa dạng và liên tục. Các dữ liệu này có thể mang lại nhiều hiểu biết sâu sắc về sản phẩm, dịch vụ, hoạt động vận hành của thiết bị, doanh nghiệp, hay hiểu biết về khách hàng, giúp doanh nghiệp có thể nhanh chóng phản ứng, tối ưu hóa hoạt động, tăng doanh thu và lợi nhuận, phục vụ khách hàng tốt hơn.
Phân tích dữ liệu
Hình vẽ thể hiện các kỹ năng của của các nhóm công việc liên quan đến lỹ thuật dữ liệu và khoa học dữ liệu. Kỹ năng về lập trình và toán học và thống kê là cần thiết cho cả hai nhóm. Một số người có thể có kỹ năng để làm cả những việc kỹ thuật dữ liệu và khoa học dữ liệu. 

Việc thu thập được các hiểu biết từ dữ liệu chính là công việc của những người làm phân tích dữ liệu.

Liên quan đến nghề phân tích dữ liệu, có các kiến trúc sư dữ liệu, kỹ sư dữ liệu, nhà phân tích dữ liệu và nhà khoa học dữ liệu. Các vị trí này đều cần thiết và bổ trợ cho nhau.

Thập kỷ 2010 - 2020, thập kỷ mà chúng ta đang sống, chứng kiến một sự chuyển tiếp ngoạn mục về cung cầu trên thị trường lao động về các vị trí làm việc với phân tích dữ liệu.

Viện nghiên cứu của Accenture nhận định, riêng tại Mỹ, 80% các công việc liên quan đến khoa học dữ liệu mới được sinh ra trong khoảng năm 2010 - 2011 vẫn chưa tìm được ứng viên. Hoa Kỳ sẽ tạo ra 400 nghìn vị trí làm việc mới liên quan đến phân tích dữ liệu trong khoảng thời gian 2010 –  2015, nhưng chỉ có thể tạo ra 140 nghìn học viên tốt nghiệp mới đáp ứng được công việc.

Tại Anh, hãng SAP làm điều tra vào năm 2013 với 300 doanh nghiệp và thấy rằng 75% trong số đó thiếu hụt người có kỹ năng phân tích dữ liệu. Gartner cho rằng vào 2015, trên thế giới có 4,4 triệu việc làm mới liên quan đến dữ liệu lớn, trong đó có 1,9 triệu tại Mỹ, và chỉ có 1/3 số này tìm được người có năng lực đáp ứng.
 
Lý do nằm ở chỗ, các vị trí làm việc với phân tích dữ liệu phải hội tụ được nhiều kỹ năng cùng một lúc. Hơn nữa, họ còn cần có hiểu biết về doanh nghiệp hoặc các ngành công nghiệp cụ thể, nơi các kết quả phân tích được ứng dụng.

Để làm việc với giới doanh nghiệp không có nền tảng kỹ thuật, họ cần kỹ năng giao tiếp tốt, kỹ năng trình bày báo cáo dễ hiểu, dễ giúp doanh nghiệp ra quyết định.

Thách thức của thế giới là cơ hội cho Việt Nam

Sự thiếu hụt nhân lực làm phân tích dữ liệu ở các nước lớn trên thế giới là cơ hội cho Trung Quốc, Ấn Độ, và Việt Nam xuất khẩu sản phẩm đào tạo.

Việt Nam là nước có nền tảng đào tạo toán học và các ngành khoa học tự nhiên tốt ở bậc phổ thông. Chương trình đào tạo toán bậc phổ thông của Việt Nam đòi hỏi học viên tốt nghiệp có kỹ năng toán học cao hơn so với học sinh nhiều nước.
Biểu đồ thể hiện chênh lệch cung cầu trong nghề phân tích dữ liệu theo thời gian – Nguồn: Gartner
Biểu đồ thể hiện chênh lệch cung cầu trong nghề phân tích dữ liệu theo thời gian – Nguồn: Gartner 
Tỷ lệ sử dụng máy tính và các thiết bị tính toán di động ở giới trẻ Việt Nam tăng nhanh. Chính phủ Việt Nam cũng đã đặt những mục tiêu chiến lược để biến Việt Nam trở thành một nước mạnh về công nghệ thông tin.

Đây có thể coi là những điều kiện thiên thời địa lợi rất tốt cho giới trẻ Việt Nam hiện nay, để xây dựng một con đường nghề nghiệp về xử lý dữ liệu, với công việc hấp dẫn tại các quốc gia phát triển, không chỉ ở Mỹ, Châu Âu, mà ngay cả ở Nhật, Hàn Quốc, hay gần hơn là Singapore .

Học sinh tốt nghiệp THPT có thể học tiếp chương trình đại học theo các ngành trong công nghệ thông tin hoặc toán học ứng dụng, đặc biệt là các ngành như khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm.

Học viên nên theo các chương trình cho phép có thời gian thực tập dài trong doanh nghiệp, để có cơ hội tham gia ngay vào các dự án phân tích dữ liệu thực tế của doanh nghiệp, hoặc ít nhất là có hiểu biết sâu hơn về thực tiễn, nhu cầu của một vài ngành công nghiệp nhất định.

Các chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, hoặc ít nhất là toàn bộ giáo trình bằng tiếng Anh, sẽ tạo cho học viên lợi thế lớn, do tiếng Anh là điều kiện tiên quyết khi tham gia vào thị trường lao động toàn cầu.

Người đã tốt nghiệp đại học, đặc biệt là ngành liên quan đến toán học và công nghệ thông tin, có thể bổ túc theo các chương trình thạc sĩ đào tạo về khai phá dữ liệu, đặc biệt là chương trình dạy bằng tiếng Anh, có học viên quốc tế cùng học, và có khoảng thời gian thực tập thực tế trong các dự án khai phá dữ liệu của doanh nghiệp.

Các chương trình như vậy không chỉ có ở các quốc gia phát triển, như Hoa Kỳ, hay Singapore, mà ngay cả ở Việt Nam.

Có thể coi sự thiếu hụt nhân lực phân tích dữ liệu trên toàn cầu là cơ hội cho Việt Nam bứt phá, đi tắt đón đầu trong đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, nhanh đạt đến mục tiêu nước mạnh về công nghệ thông tin.

Trần Thế Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT
Bình luận
vtcnews.vn