Trong những tháng đầu năm 2016, thị trường chứng khoán ghi nhận sự bứt phá của nhiều đại gia Việt như ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC; ông Đỗ Hữu Hạ, Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS); ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động.
Những vị đại gia kể trên có bước tiến dài trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam; đồng nghĩa với việc một vài đại gia khác phải đi lùi như bà Nguyễn Hoàng Yến, thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Masan; ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai.
Các thiếu gia Việt cũng có nhiều thăng trầm như vậy. Trong khi các thiếu gia ngân hàng đồng loạt trượt dài thì thiếu gia ngành ô tô lại giàu lên chóng mặt.
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm nay, ông Trầm Trọng Ngân, con trai đại gia ngân hàng Trầm Bê đã rớt từ vị trí thứ 16 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hồi cuối năm 2015 xuống vị trí 21.
Ông Trầm Trọng Ngân bị rớt 5 bậc khi cổ phiếu STB của ngân hàng thương mại cổ phần Sacombank có màn trình diễn khá tệ. Kể từ cuối năm 2015 tới ngày 18/10, cổ phiếu STB đã giảm 3.360 đồng/CP, tương ứng 26,7%. Đây là khoảng thời gian hiếm hoi STB giao dịch dưới mệnh giá.
STB sụt giảm khiến tài sản của ông Trầm Trọng Ngân “bốc hơi” 300 tỷ đồng. Hiện tại, ông Trầm Trọng Ngân “chỉ” còn sở hữu khối tài sản trị giá 824 tỷ đồng. Nhiều năm trước đây, giá trị cổ phiếu STD của cậu cả nhà đại gia ngân hàng Trầm Bê luôn có đơn vị ngàn tỷ đồng.
Cùng sở hữu cổ phiếu STB như anh trai mình nên khi STB trượt giảm, tài sản của ông Trầm Khải Hòa cũng hao hụt nhiều. Hiện tại, với hơn 300 tỷ đồng, con trai út nhà đại gia ngân hàng Trầm Bê rớt xuống vị trí 70.
Cổ phiếu STB trượt dài khi hoạt động kinh doanh của Sacombank đang có nhiều vấn đề. Lợi nhuận sau thuế hàng quý tại Sacombank rất ảm đạm. Chỉ tiêu này trong quý 1 và quý 2 năm nay chỉ đạt 162 tỷ đồng và 147 tỷ đồng. Thậm chí, quý 4/2015, Sacombank còn gây sốc khi báo lỗ 521 tỷ đồng.
Mặc dù tăng đáng kể trong thời gian gần đây nhưng nếu so với cuối năm 2015, cổ phiếu ACB của ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) vẫn đi lùi. Chốt phiên 18/10, ACB giảm 300 đồng/CP xuống 19.200 đồng/CP.
Đà giảm nhẹ của ACB khiến tài sản của ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB giảm 8,6 tỷ đồng. Với 552 tỷ đồng, con trai đại gia ngân hàng Trần Mộng Hùng đứng ở vị trí thứ 42 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trong khi đó, kết thúc năm 2015, ông Huy đứng ở vị trí thứ 26. Có thể thấy, ông Huy rớt hạng sâu hơn ông Trầm Trọng Ngân.
Mặc dù rớt hạng trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng cả ông Trầm Trọng Ngân và ông Trần Hùng Huy đều duy trì vị trí những thiếu gia giàu nhất Việt Nam. Còn thiếu gia ô tô Đỗ Hữu Hậu, dù cải thiện nhiều thứ hạng của mình nhưng vẫn đứng sau hai vị thiếu gia ngân hầng họ Trầm và họ Trần.
2016 là năm đáng nhớ của gia đình đại gia ô tô Đỗ Hữu Hạ. Dù cổ phiếu HHS của công ty Hoàng Huy không tạo ra được nhiều ấn tượng nhưng “tân binh” của gia đình là cổ phiếu TCH (Công ty) lại có màn ra mắt đầy ấn tượng khi niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM. TCH là nguyên nhân chính khiến ông Hạ lọt vào Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Và cũng nhờ TCH, thứ hạng của Đỗ Hữu Hậu, con trai ông Đỗ Hữu Hạ đã tăng từ vị trí 56 lên 43 trong đanh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. TCH giúp ông Hậu sở hữu khối tài sản lên tới 540 tỷ đồng.
Hiện tại, vị thiếu gia ô tô đang nắm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) và thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS).
Bình luận