Cái tính sốt ruột, sồn sồn của mẹ khiến con là đứa khổ nhất. Nhìn thấy con nhà cô hàng xóm đi học thêm nhiều, mẹ cũng cuống cuồng tìm lớp cho con học thêm. Thấy con của bạn bè đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm xịn, mẹ cũng gồng mình đăng ký cho con học theo.
Chỉ có điều là, “đầu tư” tiền học cho con khá nhiều so với khả năng của mẹ khiến mẹ lúc nào cũng “buốt ruột, xót xa”. Đi học thêm về, chỉ cần con vừa cầm tay vào chiếc smartphone là mẹ gầm rú: "Ngồi vào bàn học! Tốn bao nhiêu tiền đi học thêm mà học không ra sao thì giết mẹ đi còn hơn".
Học cả ngày ở trường, tối nào cũng đi học thêm, con muốn nghỉ ngơi, giải trí một chút mà mẹ cũng cấm đoán. Ngồi học, mẹ cũng “vè vè” bên cạnh con. Mẹ muốn giám sát việc học của con mọi lúc, mọi nơi. Lúc nào mẹ cũng điệp khúc: Không đỗ được nguyện vọng 1 thì muốn đi đâu thì đi. Mẹ không chấp nhận được! Nhìn bạn Q lớp con, gia đình không có điều kiện cho đi học thêm mà điểm của bạn ấy lúc nào cũng top đầu của lớp. Mẹ có biết, chẳng đứa trẻ nào thích bị so sánh với “con nhà người ta” không?
Gần đến ngày thi, lẽ ra mẹ phải cho con nghỉ 1 hôm để con có tâm lý thoải mái, đằng này mẹ hối thúc con học liên tục. Mẹ luôn miệng cằn nhằn: "Trời ơi, còn có một ngày thôi, không học, mai thi vào đúng phần đó thì ngồi khóc à!". Nhìn mẹ sốt ruột, con cũng cảm thấy bất an. Thế nhưng, cầm cuốn sách học mà chẳng chữ nào vào đầu. Thậm chí quá lo lắng, 4 giờ sáng hôm thi mẹ còn khua con dậy để “cày bài”.
Mẹ bảo, chỉ khi nào thấy con học mẹ mới yên tâm. Cả đêm mẹ không ngủ vì bồn chồn, lo lắng. Mẹ có biết, bản thân con bị áp lực trước kỳ thi quan trọng này nhưng chính mẹ lại khiến áp lực của con tăng lên gấp 5, gấp 10 không. Với mẹ, nếu không thành công ở kỳ thi này thì con chẳng có tương lai gì, con không xứng đáng là con của mẹ, con chỉ là đồ bỏ đi.
Buổi sáng đi thi, con thèm nhận được một câu trấn an của mẹ: Chỉ cần con bình tĩnh làm bài thôi, đừng lo các thứ khác. Vậy mà mẹ lại đặt lên vai con một gánh nặng lớn lao: "Nhớ làm cẩn thận, đừng để mất điểm ở những lỗi ngớ ngẩn. Không đỗ trường này thì con tự lo tương lai của mình. Mẹ lo cho con hết sức rồi!".
Mẹ có để ý, hôm thi Toán xong, con không dám ra cổng trường gặp mẹ. Con phải đứng tít cuối phía sân trường để không ai nhìn thấy, để nghĩ cách “đối mặt” với mẹ thế nào, trả lời mẹ ra sao. Con cố nán lại để ra về muộn nhất, để tránh ánh mắt thất vọng, hắt hủi của mẹ dành cho con. Con xấu hổ nếu người khác bắt gặp cảnh tượng đó.
Con cũng cố gắng hết sức rồi chứ, thế nhưng con không đủ tỉnh táo để vượt qua “cái bẫy” của người ra đề. Mà đâu phải mỗi con làm sai, rất nhiều các bạn cũng sai như con. Thế nhưng, mẹ lại chửi rằng con ngu, đầu tư bao nhiêu tiền học Toán mà cũng không làm được bài.
Thi xong, mẹ vẫn khiến con “chơi trong lo sợ” khi mẹ liên tục giục giã con so đáp án để tính điểm từng môn. Nói thật, con quá mệt mỏi với kỳ thi, con muốn “tạm quên” đi bài thi để nghỉ ngơi. Dù giờ có so đáp án thì cũng không thay đổi được gì. Sao mẹ không thể cho con sống “bình yên” đến hôm biết kết quả. Thỉnh thoảng, đọc được bài báo dự đoán điểm chuẩn năm nay sẽ tăng, mẹ lại cằn nhằn, gầm rít: "Kiểu này lại trượt rồi, ăn cám rồi con ơi!"
Mẹ à, lúc nào mẹ cũng khiến con hoảng loạn, hoang mang. Bạn lớp con không làm được bài như ý muốn nhưng mẹ bạn ấy rất tâm lý. Ngay lập tức mẹ bạn ấy tìm phương án dự phòng và còn động viên bạn ấy: Con đã cố gắng hết sức rồi.
Hôm qua, khi điểm của con chỉ thiếu 0,25 để đỗ nguyện vọng 1, mẹ gầm rít với con: "Tao biết ngay mà, ngữ mày thì làm ăn được gì". Mẹ có biết con trượt thì con cũng buồn chán thế nào không, vậy mà mẹ chẳng bao giờ để con được yên.
Sao mẹ không động viên con: Cánh cửa này đóng lại thì chúng ta sẽ mở cánh cửa khác. Giá như mẹ cũng có suy nghĩ “cuộc đời con không chỉ có một con đường mà có nhiều con đường khác” thì tốt biết bao…
Bình luận