• Zalo

Thiết kế nhà chống lũ: Ý tưởng hay từ rốn lũ miền Trung

Bạn đọc viếtThứ Hai, 22/11/2010 12:20:00 +07:00Google News

(VTC News) - Thêm một ý tưởng đáng chú ý góp vào diễn đàn "Miền Trung làm gì để sống chung với lũ", gửi từ ngay rốn lũ miền Trung.

(VTC News) – Qua gần một tháng trao đổi và phản biện, từ ý tưởng ban đầu “nhà nổi cho vùng lũ” của độc giả Đỗ Linh Cường, đến nay, diễn đàn Miền Trung làm gì để sống chung với lũ đã phát triển thành một kênh trao đổi với nhiều ý tưởng đáng chú ý của độc giả 3 miền. Dưới đây là một đóng góp của độc giả gửi từ chính “rốn lũ” miền Trung.

Tôi đang ở trong khu vục chịu tác động nặng nề của mưa lũ những năm gần đây. Đặc biệt xã tôi là một trong những xã năm dưới chân đập thuỷ điện Hố Hô và hồ chứa nước Z20 mới vỡ gần đây. Vì vậy, chứng kiến sự thịnh nộ của thiên nhiên khi chúng ta tàn phá thiên nhiên một cách vô ý thức, cũng như tìm cách sống chung với sự thịnh nộ đó là mối quan tâm hàng đầu của người dân quê tôi nói chung và bản thân tôi nói riêng.

 

Tôi theo dõi tất cả các bài viết liên quan đến việc làm giảm nhẹ thiệt hại mỗi khi bão, lũ lụt về. Theo tôi mỗi ý tưởng chỉ chí thể phù hợp với một khu vực địa lý và những hộ gia đình cụ thể nào đó, vì còn liên quan đến địa hình, tiềm lực tài chính v.v...

 

Riêng khu vực giáp ranh, nam Hà Tĩnh bắc Quảng Bình, với phong tục tập quán lâu đời, đại đa số hộ dân đều thích sống trong những ngôi nhà gỗ, thường là kết cấu ba gian hai chái rất vững chắc, cao ráo và làm bằng gỗ tốt tuổi thọ hàng trăm năm, chủ yếu vẫn lợp bằng lá cọ, rất mát về mùa hè và ấm về mùa động, không lo nhiều về bão, chủ yếu tìm cách sống chung với lũ.

 

 Thiết kế nhà 3 gian 2 chái ở miền Trung (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Có điều đáng tiếc là bà con ta ý thức về phòng tránh lũ lụt còn rất thấp, cũng như tâm lý trông chờ ỷ lại sự cứu của nhà nước, sự cưu mang chia sẻ của đồng bào cả nước. Do đó khi lũ lụt về, thiệt hại rất lớn nhất là về vật chất, nước lụt mới vào nhà một vài ngày và mực nước chỉ 1 đến 1,5 mét là trong nhà không còn những cái thiết yếu nhất (gạo, mắm muối, dầu đèn, nước sạch, củi…) trong khi trên thực tế, tất cả những thứ này đều cất trữ được lâu dài.

 

Kết cấu nhà gỗ như đã nói ở trên đều có chạn cao trung bình so với nền từ 2,5 đến 2,7 mét (như gác xép của nhà xây) diện tích trung bình 12 mét vuông; như vậy một hộ gia đình từ 3 - 4 nhân khẩu làm nông nghiệp hoặc dịch vụ nhỏ đều có thể đưa hết những thứ cần thiết như: lúa, gạo, ngô, đậu, lạc, chăn mền, quần áo, tivi v.v..., kể cả bếp nấu bằng củi và dụng cụ vệ sinh dã chiến lên đó và sống được cả tuần nếu mực nước tầm 3 mét trở lại, mà không lo hư hỏng lương thực đã thu hoạch được.

 

Xin nói thêm về bếp và nhà vệ sinh dã chiến: bếp chỉ cần vài miếng ván nhỏ diện tích khoảng một mét vuông, hoặc một cái mẹt mà nhà nông nào cũng có, cho lên một ít đất là nấu thoái mái, không lo hoả hoạn. Nhà vệ sinh dã chiến là một cái xô thể tích tuỳ theo lượng nhân khẩu và dự trữ một ít tro bếp và vôi bột để riêng, mỗi lần đi vệ sinh xong cho tro và vôi vào để khử mùi và diệt khuẩn).

 

Tất nhiên không phải mọi gia đình đều có nhà được như nói ở trên, nhưng số này rất ít vì ở quê tôi mọi ngườ đều có tâm niệm sống đó là "trẻ lo cái nhà, già lo cái mồ"; số ít còn lại chỉ là những trường hợp cá biệt và họ có thể tạm trú vài ngày ở nhà họ hàng, làng xóm được.

 

Về biện pháp tránh lũ lụt hữu hiệu, đó là làm nền nhà cao. Ở những khu vực thấp bà con đã làm nền nhà cao so với mặt bằng chung từ 2 đến 2,5 mét. Do ở khu vực này đất rộng, dân cư thưa nên vườn nhà thường tính bằng đơn vị sào trở lên, nên đất để đắp nền không phải mua, còn công bà con đổi công cho nhau khi nông nhàn và lại nâng nền dần hàng năm, nên chi phí rất thấp. Vì nhà gỗ cột kê nên muốn nâng nền chỉ cần kê cột lên, muốn nâng cao bao nhiêu cũng được.

 

Để nâng nền cao mà nhìn không cảm thấy chênh vênh và lên xuống nền nhà không khó khăn, cũng như không để nước lũ làm xói lở nền, bà con phải nâng dần từ đường liên thôn liên xóm nối vào nhà, nâng dần vào đến sân, nâng tiếp sân cao tương ướng với nền, sau khi nâng nền đủ độ cao mong muốn chu vi nền từ sân trở lên xây bao bằng gạch thẻ hay gạch táp lô sau đó láng nền là xong.

 

Chỉ trừ những vùng quá trũng, còn lại nếu nước lụt khoảng vài ba mét trở lại, nền nhà được nâng cao, và có ý thức cao về phòng tránh bảo lũ, tôi đảm bảo thiệt hại sẽ được giảm thiểu rất nhiều. Hàng năm nhà nước và xã hội sẽ không phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để chỉ làm mỗi việc là cứu trợ cái ăn cái mặc và rồi cứ "đến hẹn lại lên".

 

Để làm được việc này không khó và cũng không tốn nhiều nguồn lực, chỉ cần:

-
Nhà nước tổ chức truyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các đoàn thể - đã có rất nhiều, tập hợp xung quanh Mặt trận TQVN.

- Chính phủ xây dựng nguồn quỹ cho nhân dân vay trả góp (số tiền không nhiều, khoảng 5 đến 10 triệu mỗi hộ tuỳ điều kiện địa hình) để nâng nền nhà như đã làm ở đồng bằng sông Cửu Long.

-
Tổ chức nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm ở những hộ đã làm lâu nay, việc này có thể giao cho hội nông dân triển khai thực hiện.

 

Võ Văn Sáng

 

Bàn tròn thảo luận vì miền Trung đang ngày càng đi vào chiều sâu với những ý tưởng, phản biện hay của độc giả VTC News từ Bắc vào Nam. Mời bạn đọc tiếp tục bình luận, chia sẻ sáng kiến, dự án, hay đơn giản là những kinh nghiệm “sống chung với lũ”, những hiểu biết của bạn về vùng lũ. Đây sẽ là những hành động “hướng về miền Trung” có ý nghĩa thiết thực, to lớn và lâu dài nhất, bên cạnh những hoạt động đóng góp ủng hộ trực tiếp sôi nổi hiện nay.

 

Bạn hay cơ quan, đơn vị của bạn cũng có thể tham gia xây dựng và triển khai những ý tưởng này bất cứ lúc nào. Mọi ý kiến xin chia sẻ qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về [email protected] Tất cả vì miền Trung ruột thịt!

 

Trân trọng,

BBT VTC News

 

Bình luận
vtcnews.vn