• Zalo

Thiệt hại nghìn tỷ, Vinacomin là thủ phạm hay nạn nhân?

Kinh tếThứ Ba, 11/08/2015 07:08:00 +07:00Google News

"Thiệt hại lên đến 1.200 tỷ đồng của ngành than sau trận mưa lũ vừa qua cho thấy ngành than vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân, nếu đầu tư tốt ngay từ đầu, hậu quả sẽ giảm đi rất nhiều", ông Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam cho biết.

"Thiệt hại lên đến 1.200 tỷ đồng của ngành than sau trận mưa lũ vừa qua cho thấy ngành than vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân, nếu đầu tư tốt ngay từ đầu, hậu quả sẽ giảm đi rất nhiều", ông Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam cho biết.

Chiều 10/8, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã tổ chức tọa đàm: "Vấn đề quản lý khai thác và rủi ro môi trường nhìn từ sự cố tại mỏ than Quảng Ninh" với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ, Hội Hóa học Việt Nam, Trung tâm tư vấn phát triển Bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu (CEWAREC).
Ngành than bị thiệt hại đến 1.200 tỷ đồng sau trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh vừa qua
Ngành than bị thiệt hại đến 1.200 tỷ đồng sau trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh vừa qua 

Theo thống kê từ Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin - TKV), thiệt hại của ngành than sau sự cố mưa lũ vừa qua lên đến 1.200 tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp đã đề xuất nhiều ưu đãi như xin cho phép triển khai một số dự án về môi trường, phòng chống mưa bão như cải tạo các bãi thải nạo vét sông suối, kè đập chắn đất đá... theo cơ chế chỉ định thầu để rút ngắn thời gian thực hiện.

Đề xuất  giảm thuế suất thuế tài nguyên đối với sản phẩm than về mức 5% với than hầm lò và 7% với than lộ thiên (bằng mức năm 2013) từ 1/7/2015 đến hết năm 2016.

Đồng thời, Vinacomin cũng xin gia hạn thời gian nộp thuế 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với công ty mẹ Tập đoàn và các công ty con bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh do mưa lũ...

Nêu quan điểm tại cuộc tọa đàm, ông Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam cho biết, Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng còn dựa nhiều vào than trong khi than là mối đe dọa trong khai thác và sử dụng.

Sự cố mới đây được ông Bái ví như "thảm họa" vượt khỏi tính toán, dự phòng của địa phương cũng như của doanh nghiệp.
Toạ đàm: "Vấn đề quản lý khai thác và rủi ro môi trường nhìn từ sự cố tại mỏ than Quảng Ninh". Ảnh: N.Thảo

Ông Bái cho biết, trong hậu quả vừa qua ngành than vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm vì nếu trước đó, Vinacomin, chủ mỏ nhìn thẳng sự thật để đưa ra giải pháp sẽ hạn chế hậu quả. Ông Bái cho rằng, Vinacomin đã sai lầm khi coi rằng các giải pháp từng đưa ra là quá đủ.

Trước hàng loạt đề xuất của Vinacomin, ông Bái cho biết, đề xuất của Vinacomin là "chính đáng" nhưng ông không đồng ý với việc ưu đãi về chính sách thuế, phí cho Vinacomin.

Ông Bái cũng nhấn mạnh rằng với những gì diễn ra trong thời gian vừa qua cũng không nên nhìn ngành than như "tội phạm ghê gớm".

Trả lời câu hỏi của BizLIVE liên quan đến đề xuất xin ưu đãi của Vinacomin, TS. Đào Trọng Hưng, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, chưa bàn đến chuyện ưu đãi hay không ưu đãi cho Vinacomin, điều ông muốn nhấn mạnh là tính minh bạch của ngành than chưa được làm rõ .

Ông cho biết, hiện nay ngành thuế thu thuế dựa trên báo cáo của Vinacomin, nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng phải "bó tay" khi muốn phân tích chuỗi giá trị của các hòn than được khai thác mặc dù đã tiếp cận với các dự liệu thống kê về sản lượng, lượng bán, giá bán của Vinacomin.

"Than, bauxite và các loại khoáng sản khác cũng không minh bạch sản lượng, không minh bạch được thuế. Vì không minh bạch nên không có gì gọi là ưu đãi hay không ưu đãi. Trong chuỗi giá trị của ngành than, hoàn toàn không thể lượng giá được ", ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Hưng cũng chỉ thẳng, ưu đãi kèm theo mà ngành than đã hưởng thời gian vừa qua là nhóm lợi ích, "quyền lực đen" với những điểm không thể nhìn thấy cũng là vấn đề.

Nguồn: Bizlive
Bình luận
vtcnews.vn