Các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Hoàng gia London đã dựng mô hình về sự kiện diễn ra cách đây 66 triệu năm để hiểu rõ hơn về hậu quả của vụ việc hủy diệt 1/3 cuộc sống trên Trái đất.
Kết quả thu được cho thấy vụ va chạm giải phóng một lượng khí gas gây biến đổi khí hậu ở mức độ đáng kinh ngạc vào khí quyển, gây ra chuỗi các sự kiện dẫn tới sự tuyệt chủng của khủng long. Quá trình này trở nên tồi tệ hơn vì thiên thạch lao xuống ở góc độ nguy hiểm nhất có thể, theo ông Gareth Collins thuộc Đại học Hoàng gia, người đứng đầu nhóm nghiên cứu.
Thiên thạch lao xuống Trái đất ở góc dốc khoảng 60 độ, tối đa hóa lượng khí và mảnh vụn độc hại bắn vào bầu khí quyển - nguyên nhân dẫn tới mùa đông hạt nhân vào thời điểm đó.
Vụ va chạm cũng gây ra lớp bụi khói dày đặc, làm đen kịt bầu trời cổ đại, mờ đi ánh sáng mặt trời và khiến nhiệt độ giảm mạnh tới mức không thể chịu được. Nhiều sinh vật may mắn sống sót sau vụ va chạm cũng không thể sống nổi 1 thời gian sau đó.
Các nghiên cứu trước đây chỉ tìm hiểu về giai đoạn đầu của sự kiện, chứ chưa phân tích chi tiết chuỗi các sự kiện kéo theo.
Một nghiên cứu trước đây từng đặt giả thiết thiên thạch này có thể lao tới Trái đất ở góc 30 độ, nhưng phát hiện mới đây đưa ra lời giải thích hợp lý nhất về lý do tại sao sự kiện này lại chết chóc như vậy.
Bình luận