Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết tâm thư gửi đến các chư tăng và con cháu đang tu tập ở tổ đình Từ Hiếu nói rõ ý nguyện của ngài sau khi trở về tổ đình Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế, Thừa Thiên Huế).
Thiền sư bày tỏ vui mừng khi được trở về Việt Nam và dự lễ tảo tháp của chư liệt vị tổ sư tại tổ đình Từ Hiếu. Dù sống nơi đất khách quê người nhưng mỗi mùa thu về, lòng ngài vẫn hướng về chư vị tổ sư ở tổ đình Từ Hiếu.
Theo thiền sư, kể từ khi rời khỏi Phật học đường Bảo Quốc, hơn 70 năm qua ngài đã chuyên tâm và một lòng thực hiện sứ mệnh mà chư tổ đã tin tưởng và phó thác.
'Giờ đây, dòng pháp nhũ của tổ đình Từ Hiếu, Phật giáo Việt Nam đã được lan tỏa khắp nơi trên thế giới... Tôi thấy rằng đã đến lúc cần trở về tổ đình để chung sống cùng chư huynh đệ trong những năm tháng này. Ao ước được trở về sống nơi đất tổ và xây dựng nề nếp tu học ở tổ đình là thao thức thâm sâu nhất của tôi suốt những năm qua", thiền sư Thích Nhất Hạnh viết.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh quyết định sống nơi đất tổ cùng chư huynh đệ và con cháu của tổ đình cho đến ngày viên tịch.
"Giờ đây, chúng ta có hàng triệu con cháu của tổ đình Từ Hiếu của nhiều quốc gia khác nhau khắp nơi trên thế giới. Vì lòng thương tưởng đàn hậu học, tấm lòng lân mẫn đến những thế hệ tương lai đó, tôi muốn nhập diệt tại chốn tổ để con cháu tổ đình có gốc rễ và nơi chốn quay về nương tựa", thiền sư viết.·
Trước đó, chiều ngày 28/10, thiền sư Thích Nhật Hạnh đã về chùa Từ Hiếu trong sự chào đón của chư tăng và phật tử. Ngài sẽ ở tại căn phòng năm xưa đã ở khi về thăm chùa năm 2017.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (SN 1926, tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo tại Thừa Thiên - Huế), năm 16 tuổi ngài xuất gia ở chùa Từ Hiếu (nay thuộc TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nơi ông thọ giáo với Thiền sư Thanh Quý - Chân Thật và được ban pháp danh Trừng Quang, tự Nhất Hạnh.
Ngày 1/5/1966 tại chùa Từ Hiếu, thiền sư Chân Thật trao ấn khả cho Thích Nhất Hạnh để từ đây ngài trở thành một thiền sư (thầy dạy về thiền).
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã phối hợp kiến thức của ngài về nhiều trường phái thiền khác nhau cùng với các phương pháp từ truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, những nhận thức sâu sắc từ Phật giáo Đại thừa, và các phát kiến của ngành tâm lý học đương đại phương Tây để tạo thành cách tiếp cận hiện đại của ngài đối với thiền.
Với những hoạt động không ngừng nghỉ, theo đánh giá của các hãng tin nước ngoài, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma.
Bình luận