• Zalo

Thi vào lớp 10: Những lỗi sai thường gặp ở bài thi môn Toán học sinh cần tránh

Kinh nghiệm sốngThứ Sáu, 11/06/2021 06:37:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Giáo viên Toán đưa ra những lỗi sai thường gặp khi làm bài thi môn học này giúp học sinh thi vào lớp 10 đạt điểm cao.

Học sinh THCS trên toàn thành phố Hà Nội sắp bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập.

Lưu ý về cách làm bài thi môn Toán để đạt kết quả cao nhất, thầy Ninh Hoàng Phúc, giáo viên môn Toán tại Hà Nội cho biết, do thời gian làm bài thi tự luận rút ngắn từ 120 phút xuống còn 90 phút, đề giảm mức độ khó và dài, thì việc làm chính xác từng câu nhằm tối ưu điểm các phần đã làm là rất quan trọng.

Thi vào lớp 10: Những lỗi sai thường gặp ở bài thi môn Toán học sinh cần tránh - 1

Từ kinh nghiệm trong quá trình ôn tập và chấm thi môn Toán, thầy Ninh Hoàng Phúc cho biết, thí sinh thường gặp những lỗi như thiếu các điều kiện đủ, điều kiện thỏa mãn, thiếu kết luận. Với những lỗi này, bài làm sẽ thường bị trừ 0,25-0,5 điểm.

“Các em cần chú ý phần đơn vị. Dự kiến đề thi năm nay sẽ không đặc biệt khó, nhưng sẽ đánh vào các yếu tố học sinh hay thiếu như điều kiện. Nên nếu các bài về căn thức, hệ thức Vi-ét hay hệ phương trình có phát sinh thêm ẩn mới thì cần tìm điều kiện đầy đủ. Và luôn nhớ đủ 3 bước điều kiện-thỏa mãn- kết luận”, thầy Ninh Hoàng Phúc Lưu ý.

Bên cạnh đó, thí sinh cần học thuộc các công thức về phần hình học không gian, tránh nhầm lẫn các câu hỏi và các công thức giữa tính diện tích xung quanh, diện tích toàn phần, thể tích.

Khi đề thi rút ngắn thời gian làm bài, thì việc cần làm nhất là phân bổ thời gian chuẩn và bắt buộc cần dành một khoảng thời gian để kiểm tra lại từng câu. Thí sinh nên thay đáp án, thử kết quả bằng máy tính để đưa ra được đáp án chính xác nhất.

Nhiều thí sinh cũng hay gặp các lỗi về trình bày bài hình. Trong trình bày hình, việc tối kị là bỏ bước, thừa nhận trước khi chứng minh. Để tránh những sai sót này, học sinh nên vẽ 1 sơ đồ tư duy từng câu để có 1 lối tư duy rành mạch và đầy đủ, có cái nhìn 1 cách hệ thống từng câu.

Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cho biết, mặc dù thời gian thi các môn rút xuống so với trước đây, tuy nhiên cấu trúc đề thi có thể sẽ không cắt cơ học mà thay vào đó là giảm câu hỏi nhỏ trong mỗi cấu phần của đề thi, bởi vậy, học sinh không nên học tủ. Trong những ngày này, học sinh không nên học thêm những nội dung mới, khó mà cần ôn tập lại toàn bộ các chuyên đề mà thầy cô đã ôn tập, đọc lại SGK những kiến thức cơ bản, lời giải của các bài tập, các đề đã ôn tập. Trong quá trình ôn có thể đan xen việc làm một vài đề, bấm giờ để cân đối thời lượng cho phù hợp.

Về cách làm bài thi tự luận, thầy Cường lưu ý học sinh sau khi được phát đề, cần đọc kỹ 1-2 lượt tổng thể cả đề, tư duy và ghi nhanh ra giấy nháp những tự lưu ý của bản thân về từng câu hỏi.

Khi thực hiện làm bài cần theo phương châm câu dễ làm một cách cẩn thận trước để đạt điểm tối đa. Thường thì đề thi cũng đã sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó. Sau khi làm những câu hỏi dễ thì thực hiện làm các câu hỏi khó mang tính phân loại.

“Học sinh cần có chiến lược cho các câu này về thời gian, quá 8-10 phút không có ý tưởng cần chuyển câu hỏi khác. Trong trường hợp không làm được cả câu, cần bóc tách các ý của câu hỏi để được điểm. Chẳng hạn đề bài là tìm m để đường thẳng cắt parabol tại hai điểm thỏa mãn... thì việc tìm điều kiện để đường thẳng cắt parabol tại hai điểm là một ý cần làm để lấy điểm.

Khi còn 15 phút nữa là hết giờ làm bài, nếu không thể làm được tiếp các câu hỏi khó thì dành thời gian đó để kiểm tra lại toàn bộ bài làm. Các em cần kiểm tra kết quả các câu hỏi độc lập ra ngoài nháp.

Câu nào thấy sai, gạch trước bằng bút chì, kiểm tra kỹ thì mới gạch bỏ bằng bút mực và sửa, tránh trường hợp gạch phần đúng mà không có cơ hội sửa lại”, thầy Cường lưu ý.

Đặc biệt, thầy Nguyễn Cao Cường cũng nhấn mạnh, thí sinh cần trình bày bài thật cẩn thận, không làm tắt, không viết tắt, cần có kết luận về kết quả của từng câu. Đối với bài hình học, cần kiểm tra kỹ xem hình vẽ đã chính xác với đề bài chưa, vì nếu vẽ sai hình, bài hình sẽ bị điểm 0, các câu hỏi cần lập luận chặt chẽ, có ghi lí do khi chứng minh, vẽ hình rõ ràng, đặc biệt là việc ghi tên các điểm trên hình.

Khi vào phòng thi, các em nên mang đồng hồ để phân chia thời gian cho các câu thật hợp lí, không nên tập trung thời gian quá 15 phút cho một câu.

Theo lịch của Sở GD-ĐT Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm 2021 sẽ diễn ra từ ngày 12/6-13/6. Cụ thể, sáng 12/6, học sinh làm bài thi môn Ngữ văn, Ngoại ngữ. Sáng 13/6, học sinh thi Toán và Lịch sử.

Nguyễn Trang/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn