Ông Vương Thanh Tùng sinh năm 1960, trong một gia đình nghèo ở Lạc Dương (Hà Nam, Trung Quốc). Từ nhỏ, ông là học sinh xuất sắc, tốt nghiệp THPT được phân công vào cơ quan mật mã của địa phương. Do yêu cầu công việc, hàng ngày ông phải nhớ nhiều văn bản, thậm chí có khi lên đến hàng trăm số điện thoại.
Dù công việc công chức ổn định, ông vẫn không bằng lòng. Do đó, năm 1979, Trung Quốc khôi phục kỳ thi tuyển sinh đại học, ông quyết định thử sức và trở thành thủ khoa khối xã hội của thành phố Lạc Dương. Thành tích này giúp ông đỗ khoa Chính trị của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc).
Tốt nghiệp loại xuất sắc, ông tiếp tục học thạc sĩ tại trường. Với những thành tích tốt trong quá trình học, năm 1983, sau khi nhận bằng thạc sĩ ông được Đại học Bắc Kinh giữ lại làm giảng viên. Thời gian làm việc tại đây, ông còn mở thêm lớp võ thuật để dạy sinh viên cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.
Thời điểm đó, lớp võ thuật của ông thu hút sự quan tâm của sinh viên. Theo Sohu, lúc đỉnh điểm lớp có đến hơn 2 triệu người theo học. Nhờ quá trình đứng lớp dạy võ thuật suốt mấy năm, ông tiết kiệm được 3,5 triệu NDT (khoảng 12,2 tỷ đồng).
Là người thích vận động, bà Trương Mai - giảng viên khoa Ngoại ngữ của Đại học Bắc Kinh lúc bấy giờ cũng tham gia lớp võ thuật của ông. Sau này, cả hai nảy sinh tình cảm và đi đến hôn nhân.
Về sau, cơn sốt học võ không còn, ông quyết định tìm hướng đi mới trong học thuật, bằng cách thi tiến sĩ ngành Triết học nhưng không đỗ. Không chấp nhận thất bại, năm sau, ông chuyển thi tiến sĩ ngành Luật học, may mắn vẫn không đến. Còn vợ ông, sau nhiều năm cống hiến ở trường vẫn không thể trở thành giảng viên cơ hữu.
Cuối cùng, vợ chồng ông nghỉ việc tại Đại học Bắc Kinh để lên núi sống. Trong mắt mọi người, quyết định của họ không khác gì "người điên". Dù gia đình phản đối, lúc này, ông vẫn chi ra 200.000 NDT (khoảng 670 triệu đồng) thuê 2.500 mẫu đất đồi trong 50 năm để làm nông và bắt đầu cuộc sống tự cung tự cấp.
Năm 2004, vợ chồng ông đón con trai đầu lòng. Hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục, khi con trai được 3 tuổi ông bắt đầu dạy thơ cổ. Dù được bố mẹ dạy dỗ kỹ lưỡng nhưng vì sống trên núi không giao tiếp với người ngoài nên cậu bé bộc lộ nhiều hạn chế.
Chứng kiến cảnh con trai ngày càng nhút nhát, chậm phát triển, vợ chồng ông quyết định rời núi tới thành phố để con có môi trường học tập ổn định và được hòa nhập với xã hội. Năm 2011, gia đình 3 người nhà ông quay lại Bắc Kinh.
Lúc này, ông liên hệ với một người bạn làm tại Tân Hoa Xã để chia sẻ câu chuyện bản thân. Ngay khi bài báo phát hành, câu chuyện của ông thu hút sự chú ý của dư luận và nhận về nhiều ý kiến trái chiều tại nước này. Quay lại thành phố sau thời gian ở ẩn, vợ chồng ông kinh doanh rau sạch hữu cơ. Thời gian rảnh, ông thực hiện đam mê viết sách.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, khi được hỏi có hối hận về việc từ bỏ vị trí giảng viên Đại học Bắc Kinh không, ông cho biết: "Tôi không hối hận vì đã dành 11 năm để trải nghiệm cuộc sống hoàn toàn khác. Điều này khiến tôi cảm thấy hài lòng". "Khi con trai có khả năng tự lập, vợ chồng tôi sẽ về ngôi làng nhỏ ở miền núi để sống - nơi mang đến cho chúng tôi sự bình yên", ông nói thêm.
Bình luận