• Zalo

Thị trường xe máy, khuyến mãi vẫn ế dài

Kinh tếThứ Sáu, 19/04/2013 07:04:00 +07:00Google News

Ngành công nghiệp xe máy có nguy cơ rơi vào bế tắc kéo dài khi thị trường trong nước đã đến ngưỡng bão hòa, trong khi xuất khẩu vấp phải nhiều khó khăn.

Ngành công nghiệp xe máy có nguy cơ rơi vào bế tắc kéo dài khi thị trường trong nước đã đến ngưỡng bão hòa, trong khi mục tiêu xuất khẩu vấp phải nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2012, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp xe máy tăng 42,1% và có xu hướng tăng dần so với những năm trước. Năm 2013, dự báo sức mua của thị trường cũng đang thụt lùi dần so với tốc độ tăng trưởng sản xuất.

“Bão hòa” trước dự kiến

Theo quy hoạch phát triển ngành xe máy của Bộ Công Thương, đến năm 2020, dự báo lượng xe lưu hành trong cả nước đạt khoảng 33 triệu chiếc. Với dân số gần 100 triệu người, tỉ lệ dân số sử dụng xe máy sẽ là 2,97 người/chiếc. Ngưỡng dự báo này cũng chính là ngưỡng bão hòa của thị trường xe máy tại Việt Nam.

thị trường xe máy
Thị trường xe máy vắng người mua. Ảnh chụp tại một chợ xe ở TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH 

Tuy nhiên, trên thực tế, lượng xe máy lưu hành theo thống kê đến nay đã vượt xa mức dự báo nêu trên. Theo số liệu mới nhất của Bộ GTVT, đến tháng 7-2012, lượng xe máy lưu hành trên toàn quốc đã đạt con số 35,2 triệu chiếc. Trung bình tỉ lệ sở hữu xe máy tại thời điểm thống kê cũng đã đạt mức 2,54 người/chiếc. Ngưỡng bão hòa đã bị vượt xa sớm hơn thời điểm dự báo nhiều năm, chứng tỏ thị trường xe máy trong nước đã rơi vào tình trạng “cung vượt cầu”.

Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 còn đề ra một số biện pháp hành chính, kinh tế, kỹ thuật nhằm khống chế lượng xe đến năm 2020 chỉ dừng lại ở con số 36 triệu chiếc. Trong khi đó, ngành công nghiệp này hiện vẫn tiếp tục được đầu tư tăng trưởng. Dự báo, khi các nhà máy được đầu tư đi vào hoạt động thì tổng năng lực sản xuất của cả nước là 5 triệu chiếc mỗi năm.

Bài toán khó đối với các doanh nghiệp sản xuất xe máy là thị trường trong nước gần như đã bão hòa, trong khi vẫn phải bảo đảm hoạt động sản xuất và tăng trưởng, tránh dư thừa công suất.

Xuất khẩu không dễ

Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp xe máy đã tính đến việc xuất khẩu dựa trên lợi thế nằm trong khu vực có thị trường xe máy lớn nhất thế giới hiện nay. Theo tính toán của JICA (Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) thì mỗi năm, cả thế giới tiêu thụ khoảng 43 triệu xe máy các loại, trong đó riêng Trung Quốc là 10 triệu chiếc, Ấn Độ 5 triệu chiếc, Indonesia 5 triệu chiếc…

Các chuyên gia đánh giá với lợi thế này, Việt Nam có khả năng xuất khẩu linh kiện và xe máy đạt mức 500.000 chiếc/năm. Ngoài ra, khu vực Mỹ Latin và châu Phi cũng là thị trường nhiều tiềm năng và còn bỏ ngỏ...

Tuy nhiên, “miếng bánh” xuất khẩu xe máy đang trong tình trạng “không dễ ăn”. Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh: Hiện Việt Nam không có thương hiệu xe máy, nếu xuất khẩu thì cũng chỉ là với sản phẩm của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ngoại trừ Honda Việt Nam có tỉ lệ nội địa hóa khá cao, còn lại các hãng khác đều có tỉ lệ nội địa hóa thấp.

Như vậy, xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng và lợi ích không lớn. Chưa kể hiện Việt Nam vẫn còn chưa đủ năng lực xuất khẩu để cạnh tranh với những nhà sản xuất lớn từ Nhật Bản, Thái Lan hay ngay tại “công xưởng láng giềng” Trung Quốc.


Một điều đáng lưu ý là những đối thủ hiện đang là nhà sản xuất xe máy lớn mà Việt Nam khó vượt qua như Nhật Bản, Trung Quốc vẫn đang đầu tư mạnh ra các thị trường trọng điểm với phương châm sản xuất tại chỗ ở những thị trường này. Vì thế, nhiều ý kiến quan ngại Việt Nam không có bao nhiêu triển vọng để xuất khẩu xe máy ra thị trường nước ngoài.

Các chuyên gia cho rằng sai lầm lớn nhất trong ngành sản xuất xe máy trước đây là thu hút vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất toàn bộ sản phẩm. Chiến lược mới là chỉ sản xuất một vài linh kiện, một vài bộ phận và hướng ra xuất khẩu, tham gia nhiều hơn vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu, sản xuất sản phẩm đẳng cấp quốc tế, tạo giá trị gia tăng lớn...

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, trong ngành xe máy hiện có 4 cấp độ: Nhập khẩu để tiêu thụ trong nước, đại lý tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo giấy phép của nhà sản xuất  để thay thế nhập khẩu và sản xuất hướng đến xuất khẩu. Việt Nam đang ở giai đoạn đại lý để tiêu thụ.

Khuyến mãi vẫn ế

Khảo sát một số khu vực kinh doanh xe máy tại TPHCM như đường Lý Tự Trọng (quận 1), Nguyễn Tri Phương, An Dương Vương (quận 5)... cho thấy lượng khách đến tìm mua xe rất ít.

Để thu hút khách, nhiều cửa hàng cũng như hãng xe liên tục tung ra các chương trình giảm giá, khuyến mãi, tặng quà. Nhiều loại xe đang được các cửa hàng bán dưới giá đề xuất của hãng sản xuất từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng/chiếc.

Giá xe Wave còn 17 triệu đồng (bao giấy tờ), Super Dream 20 triệu đồng, Lead 37 triệu đồng, Air Blade 125cc 40 triệu đồng... Nhiều cửa hàng xe máy của Honda đang có chương trình tặng mũ bảo hiểm, thảm để chân, bao da điện thoại iPhone... trị giá từ 300.000 đồng cho đến cả triệu đồng, tùy theo loại xe khách mua. Các cửa hàng bán xe Suzuki, Yamaha, Piaggio còn “bao” cả phí trước bạ cho người mua.
Theo NLĐ
Bình luận
vtcnews.vn