• Zalo

Thị trường trầm lắng, bất động sản dạt về... quê

Kinh tếThứ Năm, 17/11/2011 06:36:00 +07:00Google News

(VTC News) - Thị trường bất động sản ngày càng lao dốc, các dự án đang được chủ đầu tư ráo riết chuyển về những vùng xa thành phố.


(VTC News) - Thị trường bất động sản ngày càng lao dốc, các dự án đang được chủ đầu tư ráo riết chuyển về những vùng xa thành phố.

Ánh sáng cuối đường hầm

Từ đầu tháng 4 đến nay, có thể thấy thị trường bất động sản đang rơi vào trạng thái trầm lắng. Tuy nhiên, nhiều chủ các sàn giao dịch bất động sản vẫn không quá bi quan trước tình trạng đóng băng của thị trường, vì thực tế vẫn có một số khu vực giao dịch rất tốt.


Tín hiệu của thị trường nhà đất vùng ven sẽ là điểm hấp dẫn với giới đầu tư và cả những người có nhu cầu mua kể cả kinh doanh lẫn để ở.

Theo đánh giá của giới chuyên gia BĐS tại thời điểm này sự sôi động của các địa bàn vùng ven này có ảnh hưởng đến tâm lý người mua - bán nhà đất. Tuy nhiên, giá của các loại BĐS vẫn ở mức thấp và khách hàng chấp nhận được.


Một trong những nơi có số lượng người giao dịch nhiều nhất là tỉnh Bình Dương. Theo Công ty Đất Xanh Bình Dương, trong vòng 1 tuần có thể có tới hàng trăm khách hàng đến công ty để được đi thực tế, thăm các dự án. Tính trung bình trong vòng 1 tháng, chỉ riêng với dự án Mỹ Phước, có thể có 600 – 800 giao dịch thành công.


Thực tế, tại Bình Dương vào thời điểm năm 2008 thị trường nhà đất bị giới đầu cơ thao túng “làm giá” và ngay sau đó thì thị trường gần như đóng băng hoàn toàn. Nhưng với những sự sôi động ngay từ đầu năm thì đang là tín hiệu vui cho các chủ đầu tư dự án và là thời cơ để tung hàng.


Điểm hút nhất của các dự án tại đây là giá cả khá hợp lý và việc mua bán rất thuận lợi, người mua được mua trực tiếp từ chủ đầu tư.


 

Tại dự án khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ, được đánh giá là “hot” nhất của Bình Dương với vị trí ngay thị xã Thủ Dầu Một và dự án chạy dọc sông Sài Gòn nhưng chủ đầu tư cũng chỉ định giá 3,1 đến 3,2 triệu đồng/m2, tùy theo từng vị trí.


Tại thị trường Hà Nội, phân khúc trung bình, nhà thương mại giá rẻ vẫn được đánh giá là “điểm sáng” như dự án Tân Việt Tower, dự án Nam Đô,…giá bán dao động từ 14 – 20 triệu đồng/m2. Các dự án này vừa rao bán đã “cháy hàng” chỉ trong một thời gian ngắn.


Cơ hội đầu tư


Theo GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, thị trường BĐS trầm lắng, giá BĐS “lao dốc” chính là cơ hội cho các nhà đầu tư không chỉ có tiễn sẵn trong tay mà còn sẵn những kế hoạch, chiến lược cho dài hạn.


Có thể thấy, tín dụng thắt chặt, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại quá cao như hiện nay đã khiến nhiều thị trường rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, đối với một thị trường cần rất nhiều vốn như BĐS, thì câu chuyện lại càng có nhiều vấn đề phải bàn.


“Nhưng theo tôi, cơ hội đó là có thật, bởi các nhà đầu tư BĐS Việt Nam vẫn có thói quen huy động các nguồn vốn trong dân theo kiểu “mua bán nhà trên giấy”, hợp thức hóa bằng các hợp đồng góp vốn, ưu đãi mua nhà... Nên khi nguồn vốn vay các tổ chức tín dụng bị hạn chế như hiện nay, chủ đầu tư nào nếu biết tận dụng tốt các nguồn vốn này thì cơ hội vẫn còn, mà không cần lệ thuộc quá vào các ngân hàng thương mại”, GS Võ nhấn mạnh.


Trước đó, năm 2007 – 2008, thị trường bất động sản đã từng rơi vào trạng thái trầm lắng không thua kém gì tình hình hiện nay. Tuy nhiên, “tận dụng” giai đoạn đó vẫn có những doanh nghiệp bất động sản lớn mạnh lên như Tập đoàn Nam Cường là một ví dụ điển hình.


Thời năm 2009, khi đó BĐS ở Hà Nội vẫn còn dư âm của giai đoạn khó khăn 2007 – 2008, nên thị trường căn hộ chung cư rất “hẻo” người mua, giới đầu tư cũng không “mặn mà” lắm với phân khúc này.

Năm đó, Tập đoàn Nam Cường đã rất thành công với những đợt chào bán chung cư, vì hướng đi của Tập đoàn Nam Cường là hướng đến những đối tượng khách hàng có nhu cầu thực để ở, với mức giá hợp lý, được ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư.

Nhưng để có nguồn vốn thực hiện các dự án khi thị trường trầm lắng, theo ông Nguyễn Mạnh Huy, Thư ký Tổng Giám đốc, Tập đoàn Nam Cường, điều quan trọng là doanh nghiệp phải có hướng đi chiến lược dài hạn.

Đó chính là phương thức đầu tư của Tập đoàn Nam Cường. Có thể thấy, từ những năm 1990 đến tận năm 2006 (trước giai đoạn trầm lắng 2007 – 2008), thị trường BĐS vẫn là đua nhau đầu tư vào các dự án  ở khu vực nội đô.

Trong thời gian đó, thì Nam Cường lại đi đầu tư ở những địa phương Hải Dương, Nam Định, hay Hải Phòng. Đầu tư vào các tỉnh này khi đó, giá đất rẻ hơn nhiều lần so với ở khu vực nội đô.


Hơn nữa, các tỉnh này cũng là những địa phương có tiềm năng rất lớn. Ví dụ như Hải Dương, đây là tỉnh có đặc trưng là lượng kiều hối hàng năm đổ về rất nhiều và đều đặn trong nhiều năm. Thực tế, thời gian vừa qua đã chứng minh rõ, Tập đoàn Nam Cường đã rất thành công ở thị trường này.


Cũng chính nhờ sự thành công ở các thị trường này, nên trong giai đoạn ảm đạm 2007 – 2008, Nam Cường mới có nguồn vốn để quay ngược trở lại đầu tư vào thị trường Hà Nội. Và với hướng đi hướng tới nhu cầu thực, Tập đoàn Nam Cường đã thành công trong phân khúc chung cư giá trung bình.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn