Giống như mọi quốc gia khác trên thế giới, Triều Tiên cũng đang ở trong thời kỳ công nghệ số bùng nổ. Thời gian gần đây, những hình ảnh về đất nước này liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội, nổi bật là YouTube hay TikTok - nơi những blogger nước ngoài rất tích cực cập nhật hình ảnh về cảnh đẹp, những điểm vui chơi hay cuộc sống thường ngày. Nhưng bạn đã bao giờ thắc mắc nếu đã "tẩy chay" iPhone (của Mỹ) và Samsung Galaxy (của Hàn Quốc) thì người dân ở quốc gia này sẽ dùng loại smartphone nào?
Đó chính là mẫu Arirang 151, chiếc điện thoại nổi tiếng trên internet cách đây vài năm của hãng Arirang nội địa Triều Tiên. Ra mắt năm 2016, Arirang 151 được trang bị CPU lõi tứ 1,3 GHz, ROM 32 GB và RAM 2 GB. Hệ điều hành là Android 4.4.2 và nặng 148 g.
Màn hình cảm ứng 5 inch cung cấp độ phân giải 1280X720 và camera 13MP. Pin dung lượng 2500 mAh, thời gian đàm thoại là 7 ~ 8 giờ, thời gian chạy chế độ chờ là 150 giờ.
Bất chấp những hạn chế về thương mại và công nghệ với thế giới, Triều Tiên vẫn có nền sản xuất và thị trường tiêu thụ smartphone khá sôi động.
Năm 2013, ông Kim Jong-un đã đi thăm một nhà máy có tên là "Nhà máy 11/5" sản xuất smartphone Arirang. Tháng 8 cùng năm, chiếc Arirang lần đầu phát hành và được cho là smartphone đầu tiên sản xuất trong nước. Một blog của Nhật Bản sau đó đã so sánh Arirang AS1201 của Triều Tiên với Uniscope U1201 của Trung Quốc và thấy chúng khá giống nhau. Theo trang Daily NK, vào năm 2014, một mẫu Arirang đã được bán với giá 400 USD.
"Độc quyền" phần mềm và mạng
Smartphone và điện thoại di động nói chung là một hiện tượng khá mới ở Triều Tiên. Mạng điện thoại di động lớn đầu tiên của họ phải đến năm 2008 mới xuất hiện. Trước đó, quyền truy cập điện thoại khá hạn chế. Có những đường dây cố định được xây dựng ở một số vùng của đất nước, nhưng khoảng 90% trong số chúng được kết nối với các văn phòng chính phủ hoặc các doanh nghiệp nhà nước khác.
Ngay cả đối với những người trong chính phủ Triều Tiên có đủ khả năng mua điện thoại, việc lắp đặt đường dây cũng là một quá trình dài với nhiều thủ tục để chứng minh mục đích sử dụng và kế hoạch trả tiền của chủ sở hữu.
Năm 2008, Triều Tiên đã khởi động một nỗ lực nhằm thiết lập mạng điện thoại di động do nhà nước kiểm soát. Họ hợp tác với một công ty cơ sở hạ tầng của Ai Cập để xây dựng mạng lưới, sau đó được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của Triều Tiên. Mạng này có tên là Corol Link, cung cấp vùng phủ sóng 3G cho 15 thành phố lớn nhất của Triều Tiên và một số tuyến đường sắt.
Tuy nhiên, mạng viễn thông này được thiết kế với một số hạn chế nhất định: chỉ có thể gọi đến các số điện thoại khác của Triều Tiên và không cung cấp quyền truy cập vào internet toàn cầu.
Thay vào đó, Corol Link kết nối người dùng với internet nội bộ của Triều Tiên, được gọi là Kwangmyong. Intranet này bao gồm khoảng 5.000 trang web được nhà nước phê duyệt. Người dùng có thể đọc tin tức, đặt chuyến bay với hãng hàng không quốc gia và xem phim trên dịch vụ phát trực tuyến trong nước.
Tuy nhiên, internet sẽ không được khai thác hết tiềm năng nếu không có một công cụ đắc lực - smartphone. Như đã nói, Arirang là một hãng điện thoại nội địa nổi tiếng của nước này và phần cứng được các nhà phân tích suy đoán là dựa khá nhiều vào các hãng điện thoại Trung Quốc.
Về phần mềm, điểm nổi bật đầu tiên là có rất nhiều game. Ví dụ, Ariang 151 bao gồm nhiều phiên bản Angry Birds, bản sao Candy Crush, bản sao mô phỏng của Super Mario Galaxy và một ứng dụng được thiết kế để phát ra âm thanh tần số cao nhằm xua đuổi côn trùng.
Lý do những chiếc điện thoại này được cài sẵn những trò chơi như vậy là vì người dùng không thể tự tải xuống các ứng dụng mới. Vì những chiếc điện thoại này không phải lúc nào cũng có kết nối internet và Kwangmyong không có App Store nên việc tải xuống các ứng dụng mới đòi hỏi phải đến một cửa hàng ứng dụng vật lý.
Trên thực tế, cửa hàng ứng dụng này thường là một quầy nằm trong một doanh nghiệp bán lẻ khác, chẳng hạn như cửa hàng điện tử hoặc chợ thực phẩm. Tại các quầy này, người dùng có thể duyệt danh mục ứng dụng, tải ứng dụng từ máy tính vào điện thoại. Tất cả các ứng dụng phải được Triều Tiên xác minh.
Phiên bản Android được sử dụng trên những chiếc điện thoại này bao gồm một hệ thống kiểm tra mọi tệp - cho dù là ảnh, bài hát hay ứng dụng - để tìm chữ ký được mã hóa trước khi cho phép truy cập. Có hai loại chữ ký được chấp nhận: một chữ ký NATA, do chính phủ Triều Tiên thêm vào để đảm bảo tệp an toàn và một chữ ký tự ký, do thiết bị thêm vào để xác nhận rằng tệp có nguồn gốc từ điện thoại. Các tệp không có một trong những chữ ký này sẽ tự động bị xóa khi mở.
Hệ thống chữ ký này được bảo vệ bởi một chương trình có tên là Red Flag, liên tục theo dõi tính toàn vẹn của hệ thống và ghi lại ảnh chụp màn hình của các ứng dụng khi chúng được sử dụng. Những ảnh chụp màn hình này được lưu trữ trong một thư mục mà chỉ chính phủ mới có thể truy cập. Ngoài ra, một ứng dụng có tên là Trace Viewer được cài đặt sẵn để hiển thị thư mục ảnh chụp màn hình này, mà người dùng không thể xóa hoặc xem.
Quyền truy cập Wi-Fi cũng rất hạn chế. Hạ tầng Wi-Fi (được gọi là Mirae) chỉ có ở một số thành phố lớn như Bình Nhưỡng, và người dùng cần 3 thứ: Điện thoại hỗ trợ Wi-Fi (ví dụ như mẫu Taeyang 8321, SIM từ nhà cung cấp, và tài khoản được cấp nhằm xác minh danh tính.
Mua smartphone ở Triều Tiên
Một báo cáo xuất bản năm 2022 của Chương trình Hàn Quốc tại Trung tâm Stimson (Mỹ), cung cấp thêm nhiều thông tin thú vị về thị trường smartphone Triều Tiên, từ hai người đào tẩu tạm gọi là anh Kim và anh Park. Anh Kim từng làm lập trình viên cho chính phủ Triều Tiên, còn anh Park là sinh viên từng có thời gian dùng máy tính hơn 10 năm tại quê nhà - cả hai đều có hiểu biết về công nghệ.
Để mua được smartphone, anh Park kể: “Đầu tiên, bạn phải điền vào đơn đăng ký thuê bao di động. Đơn có các câu hỏi về tên, địa chỉ, nghề nghiệp của bạn. Sau đó, bạn phải xin tem từ đồn cảnh sát địa phương và cơ quan an ninh, sau đó bạn có thể đăng ký các mẫu điện thoại cụ thể. Việc này mất khoảng 3 tháng vì đơn được gửi đến Cục Truyền thông Quốc tế và họ cấp cho bạn một số điện thoại dưới tên của bạn.
Sau đó, khi bạn nhận được thông báo, bạn có thể đến đó và đợi để nhận điện thoại di động”. Park đến Hàn Quốc vào năm 2017. Trải nghiệm của anh ấy được xác nhận trong các báo cáo đã công bố vào thời điểm đó, mặc dù một báo cáo vào giữa năm 2017, sau khi anh rời khỏi đất nước, cho biết thủ tục đã được đẩy nhanh.
Ngoài ra, những cá nhân bị phát hiện có điện thoại di động nước ngoài hoặc điện thoại có "chương trình thao túng điện thoại di động" có thể bị kết án cải tạo lao động lên đến 3 tháng. Trước đây, một số người Triều Tiên ở biên giới từng sử dụng smartphone Trung Quốc để gọi điện quốc tế và gửi tin nhắn ra nước ngoài.
Thời gian sau đó, lệnh cấm áp dụng với cả việc "hack" smartphone trong nước nhằm truy cập các phần mềm bên ngoài. Người Triều Tiên đào tẩu trong báo cáo cho biết việc hack khá phổ biến ở những công dân có trình độ kỹ thuật. Luật áp dụng mức phạt từ 50.000 đến 100.000 won Triều Tiên (1,4 - 2,8 triệu đồng) cho việc sử dụng điện thoại di động "không được tải chương trình chặn ấn phẩm và tài liệu tuyên truyền không trong sạch".
Bình luận