Gần đây, những thương vụ mua bán lan đột biến (lan VAR) rầm rộ hơn bao giờ hết. Lan đột biến không chỉ có giá tiền tỷ mà lên tới hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Hiện chỉ cần tra từ khóa "lan đột biến" trên công cụ tìm kiếm Google sẽ cho ra 410.000 kết quả trong vòng 0,39 giây. Các thông tin chủ yếu là về giao dịch mua bán loài lan này với rất nhiều mức giá khác nhau. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều cảnh báo của giới chuyên gia, cơ quan chức năng rằng mức giá "trên trời" của lan đột biến chỉ là chiêu trò "bẫy" người tiêu dùng.
Khó dập tắt thị trường lan đột biến
Những con số lớn đến khó tin về lan VAR khiến nhiều người nghĩ đến nguy cơ "bong bóng" ngày càng hiện hữu, cũng giống như “bong bóng” hoa tulip vỡ vụn từng xảy ra tại Hà Lan cách đây mấy thế kỷ.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện công nghệ nhân giống lan đột biến không phải là quá khó. Đặc biệt khi đưa vào nuôi cấy mô tế bào (in vitro), chỉ trong vài tháng, các cơ sở nuôi cấy mô có thể đưa ra thị trường được hàng vạn, thậm chí hàng triệu cây lan đột biến giống y chang kiểu dáng mỹ miều của các dòng bố/mẹ.
Thực tế ở các nước tiên tiến như Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… người ta đều đang sử dụng phổ biến phương pháp này cho cây lan. Ở Việt Nam, nhiều đơn vị cũng đang ứng dụng phương pháp này nhân được hàng vạn cây giống "lan phi điệp đột biến", với giá chỉ tương đương những cây lan bình thường khác.
Tuy nhiên, ThS. Vương Xuân Nguyên - Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam - phân tích, về mặt lý thuyết, khoa học công nghệ ngày nay hoàn toàn có thể nhân cấy mô các loại động thực vật và ngay cả con người. Nhưng thực tiễn cho thấy, các sản phẩm nuôi cấy mô thường có chất lượng không được như nuôi trồng, tự nhiên.
Đối với các loại cây hoa nuôi cấy mô do phản ứng nhạy cảm với môi trường hoá chất trong quá trình nuôi cấy mô nên cấu trúc, màu sắc, hương thơm của hoa không đồng nhất và ổn định được như cây mẹ. "Điều này không phù hợp với tiêu chí của giới chơi lan đột biến. Do đó, thị trường lan đột biến dự đoán sẽ khó "sập" vì lượng cầu chắc chắn vẫn còn cao", ông Nguyên nhận định.
Chuyên gia cây cảnh Hà Văn Kiệm nhìn nhận, năm 2020 vừa qua đi đã cho thấy một thực tế rất lạ. Trong khi hầu hết các ngành kinh tế khác điêu đứng thì ngược lại, thị trường lan đột biến ngày càng sôi động, bùng nổ với các giao dịch nhiều tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Kiệm cho rằng điều đáng lo ngại là ở Việt Nam hiện nay, trong khi vẫn chưa được xác thực thì các giao dịch lan đột biến vẫn được đẩy khắp mạng xã hội, kéo theo rất nhiều người lao vào trồng, đầu tư, mua bán, lừa đảo...Hiện chính quyền tại nhiều địa phương đã lên tiếng cảnh báo người dân. Cơ quan công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều trường hợp bán lan đột biến giả, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người mua. Nhưng thực tế cho thấy, sau nhiều vụ việc bị phanh phui, vẫn còn lượng lớn người tin vào phương thức làm giàu từ hoa lan đột biến và không ngại dốc tiền đầu tư.
"Khi thị trường chưa bị dập tắt và khó bị sập thì người dân không nên lao vào cơn sốt này. Các giao dịch lan đột biến có thể đang bị thổi giá, hoặc chẳng có cuộc giao dịch thực sự nào. Nhưng họ vẫn làm pano quảng cáo rầm rộ, song song đó chuẩn bị nhiều cành lan (được quảng cáo là lan đột biến) và rao bán với giá vài triệu đến vài chục triệu. Thấy giá quá rẻ, trong khi có những cây lên đến tiền tỷ, sẽ có người lao vào mua ngay với suy nghĩ đầu tư kiếm lời", chuyên gia khuyến cáo.
Giá "khủng" là thực hay ảo?
Ngày càng có nhiều ý kiến trái chiều về giá trị thực của lan đột biến khi các giao dịch mua - bán liên tiếp diễn ra trên thị trường với giá trị "khủng", từ vài trăm triệu tới hơn chục tỷ, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng.
Những thông tin xuất hiện rầm rộ, tràn lan trên mạng xã hội làm dấy lên câu hỏi: Lan VAR có giá trị thực như thế hay chỉ là chiêu trò của người bán để tạo lòng tham, lôi kéo những người thiếu hiểu biết nhưng hám lời bỏ tiền vào mua để đầu tư? Đáng chú ý, giá trị, các giao dịch này... hầu như chưa có ai chứng thực nhưng buôn bán lan VAR đang lan rộng khắp nơi.
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia cây cảnh Hà Văn Kiệm khẳng định, các giao dịch lan tiền tỷ vừa thật vừa ảo. Có rất nhiều lý do để lan VAR gây "sốt", trước tiên là nó hiếm thực sự, mà cái gì hiếm thì giá sẽ được đẩy lên cao.
Yếu tố thứ hai đẩy giá lan đột biến lên cao theo ông Kiệm đó chính là lượng cầu quá lớn khi rất nhiều người chuộng săn lùng những gì quý hiếm. "Nếu bạn làm ra sản phẩm mà có 1 người hỏi mua thì giá khác, 1.000 người hỏi mua thì giá khác, tất yếu cao hơn. Và khi có cả chục nghìn người săn lùng thì bạn muốn bán giá bao nhiêu cũng được, thậm chí vừa bán vừa đuổi khách vẫn đắt hàng. Thực tế, có người mua năn nỉ chốt được giò lan còn mừng hơn là người bán. Đây chính là điều kiện khiến giá lan VAR luôn cao ngất", ông Kiệm phân tích.
Cũng chính vì những yếu tố này nên theo ông Kiệm, tuy lan VAR đắt đỏ là giá trị thật, nhưng lên đến mức giật mình thì cũng cần nhìn nhận lại do có thể là ảo.
Cũng nêu quan điểm về giá trị của lan VAR, ThS. Vương Xuân Nguyên cho rằng, lan đột biến là một loại hàng hóa đặc thù quý hiếm, chỉ có một số lượng hạn chế do những người có điều kiện đam mê sưu tầm nắm giữ. Gần đây, nó được nhiều người quan tâm săn lùng sở hữu với các mục đích khác nhau. Lượng cầu tăng đột ngột trong khi cung hạn chế đã nhanh chóng dẫn đến giá tăng.
"Có rất nhiều giá trị vô hình liên quan đến lan đột biến, đây là những yếu tố có thể gọi là ảo. Vấn đề cần quan tâm đó là giá trị ảo đến mức nào để khách hàng có thể chấp nhận, không tác động xấu cho xã hội và tạo ra kẽ hở cho những hành vi lợi dụng, lừa đảo để trục lợi", ông Nguyên nói.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đến nay vẫn chưa có hội đồng hay cơ quan, tổ chức nào nhận trách nhiệm định giá lan. Mức giá sẽ do chính những người trong cộng đồng chơi đánh giá và đưa ra. Càng nhiều người đánh giá hoa đẹp, giá càng cao. Chính vì vậy, khi trào lưu chơi lan nở rộ gần đây, nhu cầu tìm mua lan đột biến nhiều dẫn đến giá lan bị “thổi” lên cao hơn giá trị thật. Người chơi hay nhà đầu tư lan đột biến cần phải có kiến thức về lan và định giá đúng giá trị, tránh bị mua "hớ" với giá cao và tạo ra mức giá ảo cho thị trường.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) mới đây cũng đã có cảnh báo và khuyến cáo người dân hết sức thận trọng khi tham gia vào các giao dịch mua bán lan đột biến để tránh bị thiệt hại lớn về tài chính.
Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, hoạt động mua bán lan đột biến thời gian gần đây chủ yếu là cách thức “thổi giá”, “làm giá ảo” để lừa đảo người tiêu dùng. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp không có giao dịch mua bán thực sự, chỉ giao dịch ảo và đây là chiêu trò đánh bóng tên tuổi của các đối tượng tham gia trong cuộc giao dịch mua bán kiểu này.
Cách thổi giá đã “đánh” vào lòng tham của người mua, đưa những mức chênh lệnh giá sau mua bán quá lớn, gây kích thích người mua sau cao hơn người mua trước và cứ thế tăng theo cấp số nhân. Thế nhưng khi không có người mua nữa thì người đang giữ sản phẩm lan đột biến sẽ bị thiệt hại lớn vì sản phẩm không còn tương xứng với giá trị thực tế nữa.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hòa Bình mới đây đề nghị các ngân hàng trên địa bàn kiểm soát hoạt động cho vay có yếu tố lan đột biến. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hòa Bình vừa có Công văn số 227/HBI-TTGSNH đề nghị ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn chấn chỉnh hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao, nhất là có liên quan đến yếu tố lan đột biến.
Cụ thể, các ngân hàng được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kết hợp nắm bắt thông tin từ các cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngân hàng liên quan đến các giao dịch mua, bán hoa lan bất bình thường nêu trên hoặc có hành vi thông đồng với các đối tượng lợi dụng mua, bán hoa lan đột biến để lừa đảo.
Bình luận