• Zalo

Thị trường ICT Việt Nam 2014 dưới góc nhìn chuyên gia

Kinh tếChủ Nhật, 02/02/2014 07:24:00 +07:00Google News

(VTC News) - "Trong năm 2014, thị trường ICT Việt Nam sẽ vẫn khó khăn, nhiều công ty mới được ra đời, bên cạnh đó cũng có nhiều tên tuổi cũ phải rời bỏ cuộc chơi".

Ông Nguyễn Lâm Thanh Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet đưa ra dự đoán đáng chú ý về ngành ICT Việt Nam năm 2014 trong cuộc trao đổi với VTC News.
Lam Thanh

2014 vẫn là năm khó khăn của các công ty tại thị trường ICT Việt Nam

Ông Thanh cho rằng ICT Việt Nam trong năm tới sẽ có một số điểm nhấn đáng quan trọng sau:
- Với Nghị định 72, Bộ TT&TT cùng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phối hợp để đưa những hoạt động internet tại Việt Nam bao gồm báo điện tử, mạng xã hội, thương mại điện tử, game online ... vào khuôn khổ. Đây sẽ là điểm nhấn nổi bật nhất của ngành ICT trong năm 2014 tại Việt Nam.
- Mô hình giải trí trực tuyến sẽ nở rộ kéo theo nhiều công ty mới sẽ xuất hiện trong lĩnh vực này. Trong đó thương mại điện tử và game online sẽ là hai ngành phát triển mạnh.
- Các dịch vụ, ứng dụng, game online ... dành cho thiết bị di động như mobile, máy tính bảng cũng được phát triển mạnh hơn.
- Với dịch vụ OTT: Nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ sẽ tích cực tìm kiếm sự hợp tác nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như đối với người dùng.
- Internet băng rộng sẽ tăng mạnh về số lượng người dùng nhờ các động lực thúc đẩy là băng rộng không dây và băng rộng qua hệ thống truyền hình cáp.
- Bùng nổ thương mại điện tử nhờ sự phát triển mạnh của thuê bao internet cũng như nhu cầu muốn thanh toán không sử dụng tiền mặt của người Việt ngày càng lớn. Xu hướng sắp tới trong lĩnh vực này là xuất hiện các công ty lớn và sáp nhập các công ty nhỏ.
- Đánh giá chung, 2014 vẫn là năm khó khăn của các công ty tại thị trường ICT Việt Nam, sẽ có nhiều công ty mới tham gia vào lĩnh vực này nhưng cũng có nhiều công ty sẽ bị đào thải bởi mức độ cạnh tranh ngày càng lớn.
- Nghị định 72 là một trong những điểm nhấn nổi bật của ngành ICT trong năm 2013. Theo ông Nghị định này có "cởi trói" cũng như tạo điều kiện cho các dịch vụ trực tuyến, đặc biệt là game online phát triển trong năm 2014?
Nói Nghị định 72 "cởi trói" cho game online thì cũng không hẳn. Về bản chất, Nghị định 72 cho phép nhà nước quản lý chặt chẽ hơn các lĩnh vực trong internet như tin tức, mạng xã hội, game online ... Các quy định về quản lý của Nghị định này là vô cùng kín kẽ nên liệu nó có tác động giúp thị trường ICT đi lên hay đi xuống thì cần phải có sự phản ứng từ thị trường mới rõ được.
Trước đây các doanh nghiệp trong và ngoài nước khá thoải mái trong việc cung cấp dịch vụ, với sự ra đời của Nghị định 72, doanh nghiệp đã biết mình phải chịu những chế tài, quản lý nào. Nếu bảo Nghị định tạo điều kiện hoàn toàn để doanh nghiệp phát triển thì không phải, hiện doanh nghiệp đang rất khó khăn cũng như gặp nhiều rào cản để cung cấp dịch vụ cho người dùng.
Theo đánh giá của tôi thì về bản chất, Nghị định 72 không theo kịp tốc độ phát triển của thị trường. Phải mất mấy năm để Nghị định này mới ra đời được vì vậy khi ban hành đã có một số điểm bất cập, một phần kìm hãm sự phát triển của ngành ICT.
- Việc nhà mạng tăng giá cước 3G gây nhiều bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua, ông có đánh giá gì về điều này?
3G hiện là một trong những dịch vụ có lượng người dùng lớn nhất của các nhà mạng. Việc có sử dụng dịch vụ này hay không là quyền của người dùng, còn việc định giá dịch vụ là quyền của nhà cung cấp. Việc điều chỉnh giá 3G của nhà mạng nhằm thoát lỗ là hợp lý và có thể hiểu được.
Tuy nhiên, không chỉ đối với 3G mà ngay cả nhiều dịch vụ khác được nhà cung cấp Việt Nam đưa đến cho khách hàng cũng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn như họ cam kết nhưng vẫn thu tiền ở mức giá được họ đưa ra. Mặc dù vậy vẫn chưa có cơ chế phạt trong những trường hợp này để đảm bảo quyền lợi cho người dùng.
Việc sử dụng dịch vụ 3G nhưng chất lượng chưa đáp ứng được đúng với cam kết từ nhà mạng, người dùng có thể kiện ra tòa. Nhưng quá trình kiện tục này lại rất phức tạp, chính vì vậy không có hiệu quả.
- Một số dự đoán cho rằng trong năm 2014 các thương hiệu điện thoại Việt như Viettel, Q-Smart, MobiiStar... sẽ phát triển mạnh hơn. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Doanh thu từ một chiếc điện thoại Việt đến từ hai phần: phần cứng và phần mềm. Nhưng trong những năm gần đây, điện thoại Việt không thành công bởi giá trị gia tăng mà bản thân nhà cung cấp mang lại cho chiếc điện thoại mà họ sản xuất ra không nhiều. Hệ điều hành về bản chất vẫn dựa trên hệ điều hành Android, các ứng dụng đi kèm không có nhiều. Ngoài ra phần sản xuất đều đi thuê ngoài (lắp ráp tại Trung Quốc) vì vậy doanh thu không cao.
Tuy nhiên cũng có một vài điểm sáng của điện thoại thương hiệu Việt như một lượng người dùng tương đối ủng hộ sản phẩm Việt Nam và đã ra mắt được nhiều loại smartphone giá rẻ. Mặc dù vậy, trong năm nay, khi các hãng lớn như Samsung, Nokia ... bắt đầu chú ý vào phần khúc giá rẻ này thì mọi chuyện sẽ rất khó khăn.
Theo nhận định của tôi, 2014 sẽ là năm rất khó khăn với điện thoại thương hiệu Việt.
- Trong những năm gần đây, xu hướng các công ty công nghệ lớn như Samsung, LG, Nokia ... chọn Việt Nam là nơi đặt nhà máy sản xuất của mình tăng nhanh. Theo ông những dự án đầu tư kiểu này có tiếp tục trong 2014 và những năm tới?
Dịch chuyển lao động của các hãng đa quốc gia là xu thế tất yếu, những đất nước có nhân công rẻ và chính sách thuế thấp sẽ trở thành công xưởng sản xuất. Bản thân, hàng hóa được sản xuất tại quốc gia đó không phải chỉ tiêu thụ cho ở bản địa mà còn được đưa ra toàn cầu.
Việt Nam hiện được coi là quốc gia có nhân công rẻ cũng như chính sách thuế tốt vì vậy có thương hiệu lớn trên thế giới đã lựa chọn làm nơi đặt nhà máy sản xuất. Tuy nhiên cũng cần phải đặt câu hỏi trước xu hướng này, liệu Việt Nam đạt được những gì từ những nhà máy kiểu này? lượng thuế doanh nghiệp phải nộp so với chính sách ưu đãi có nhiều quá hay không?
Tuy nhiên với mặt chính sách ưu đãi mà các doanh nghiệp nước ngoài đang được hưởng tại Việt Nam, xu thế này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong 2014 và những năm tới.
- Vâng, xin cám ơn ông.
Bình luận
vtcnews.vn