• Zalo

Thị trường điện cạnh tranh: EVN vẫn một mình một chợ

Kinh tếThứ Năm, 12/07/2012 05:46:00 +07:00Google News

(VTC News)-Cơ hội bán điện dành cho các nhà máy thủy điện nhỏ là rất ít, nên khó có thể gọi là thị trường phát điện cạnh tranh khi người mua “một mình một chợ".


(VTC News) - Cơ hội bán điện dành cho các nhà máy thủy điện nhỏ là rất ít, nên khó có thể gọi là thị trường phát điện cạnh tranh khi mà người mua (EVN) “một mình một chợ” với những người bán được chỉ định sẵn.

Đó là một trong những khó khăn được nêu ra tại Diễn đàn “Phát triển thủy điện nhỏ và Giải pháp phát triển đầu tư” tổ chức sáng nay 12/7 tại Hà Nội.


Ông Hà Sỹ Dinh, Công ty cổ phần phát triển năng lượng Sơn Vũ cho biết, với những doanh nghiệp thủy điện nhỏ, vấn đề vốn cho dự án vô cùng khó khăn. Quy định các tổ chức tín dụng chỉ cho vay tối đa 70% (trước thuế và lãi vay) phần còn lại là vốn do doanh nghiệp bỏ vào.

Thủy điện nhỏ dưới 30Mw tổng mức đầu tư hiện nay cũng xấp xỉ 1000 tỷ đồng, chủ đầu tư phải chứng minh được vốn tự có 300 tỷ và phải có tài sản đảm bảo khác (ngoài dự án) có giá trị tối thiểu 10% giá trị khoản vay vốn mới có thể vay được vốn của ngân hàng. Như vậy tổng cộng doanh nghiệp phải huy động bằng tiền mặt và tài sản tương ứng tối thiểu 40% tổng mức đầu tư.

“Có lẽ đây là con số yêu cầu khá đối lớn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh sau đợt “lũ quét” về khủng hoảng và suy thoái kinh tế trong thời gian qua, chắc cũng phải mất một số năm nữa thì các doanh nghiệp mới có thể vực lại được” – ông Dinh cho biết.

Công trình thủy điện Pleikrông  

Ông Đỗ Văn An - Công ty cổ phần quan hệ quốc tế đầu tư và phát triển cũng than thở, các doanh nghiệp thủy điện nhỏ phải vay vốn rất nhiều (tới 60% vốn). Do đó, các doanh nghiệp ‘ốm’ và ‘chết’ cũng khá nhiều và ‘bị tật’ cũng không ít.


Ông An cũng kiến nghị ngành điện nên có chính sách ưu đãi cho các dự án thủy điện có trong nhóm nghị định 75. Cần phá bỏ độc quyền ngành điện và cố gắng đến năm 2015 thì làm được điều đó chứ không nên kéo dài tới năm 2020.

Ngoài vấn đề vốn, TS. Lê Trường Thủy - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc CTCP Thủy điện Mai Châu (Hòa Bình) cũng đưa ra một vấn đề khác là sự cạnh tranh nhau trong thị trường điện, hiện các nhà máy thủy điện nhỏ đang bị lép vế.

Theo ông Thủy, từ 1/7/2012, thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức đi vào hoạt động. Tại quyết định số 30/QĐ-ĐTĐL, Cục Điều tiết Điện lực ban hành danh sách 29 nhà máy điện tham gia trực tiếp vào thị trường phát điện cạnh tranh, 26 nhà máy điện tham gia gián tiếp, 18 nhà máy tham gia tạm thời gián tiếp và 20 nhà máy điện dự kiến tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.

Nhìn vào danh sách này có thể thấy cơ hội bán điện dành cho các nhà máy thủy điện nhỏ là rất ít, nên khó có thể gọi là thị trường phát điện cạnh tranh khi mà người mua “một mình một chợ” với những người bán được chỉ định sẵn.

Trong khi đó, đánh giá về ý nghĩa của các công trình thủy điện vừa và nhỏ, ông Nguyễn Đức Đạt, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, thuỷ điện vừa và nhỏ giữ vai trò đáng kể trong nguồn điện nói chung và nguồn thuỷ điện nói riêng.

Theo ông Đạt, riêng sản lượng điện năm 2011 phát ra từ các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ đạt mức 7,845 tỉ kwh, chiếm 19% tổng lượng điện phát ra từ nguồn thuỷ điện, chiếm trên 7% sản lượng điện toàn hệ thống và đạt khoảng 45% trữ năng kinh tế của thuỷ điện vừa và nhỏ.

“Đây là những con số hết sức có ý nghĩa”, ông Đạt đánh giá.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn