• Zalo

Thị trường dịch vụ truyền hình Việt Nam sẽ sớm hồi phục

Thị trườngThứ Ba, 05/10/2021 06:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Con đường từng bước phục hồi của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình sẽ sớm bắt nhịp với trạng thái bình thường mới.

Các doanh nghiệp truyền hình đã và đang đóng góp một phần trong việc xây dựng nền công nghiệp văn hoá nước nhà tương tự như đa số các ngành sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên,  trong hai năm vừa qua, các công ty sản xuất phim và chương trình truyền hình đang gánh chịu cú sốc nặng nề do tác động của đại dịch COVID-19. 

Thế nhưng, khác với những doanh nghiệp sản xuất thông thường, nhóm các công ty sản xuất phim và chương trình truyền hình sẽ bắt nhịp khó khăn hơn do với cách ngành khác bởi các quy định về cách ly và trạng thái hoạt động khác nhau ở các địa phương khác nhau.

Lấy ví dụ đơn giản từ các rạp chiếu phim, tùy vào trạng thái phòng dịch qua từng thời kỳ và cấp độ phòng dịch ở từng địa phương là khác nhau. Việc đi vào hoạt động của các rạp chiếu phim giữa những tháng năm ảnh hưởng của dịch bệnh là khác nhau.

Điều này tác động không nhỏ đến doanh thu của những rạp phim này. Đằng sau đó là tác động đến hàng loạt hệ thống sản xuất, duy trì của khối doanh nghiệp liên quan.

Cuối tháng 9/2021, cộng đồng 20 doanh nghiệp sản xuất phim và chương trình truyền hình đã tha thiết bày tỏ nguyện vọng được các cơ quan chức năng xem xét cho phép các công ty sản xuất phim và chương trình truyền hình thuộc nhóm đối tượng phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.

Thị trường dịch vụ truyền hình Việt Nam sẽ sớm hồi phục - 1

Dịch vụ truyền hình tại Việt Nam sẽ sớm phục hồi.

Hiện tại, kế hoạch sản xuất và phát hành của nhiều bộ phim, chương trình truyền hình bị lùi lại hoặc trì hoãn vô thời hạn. Điều này một mặt có thể khiến các công ty sản xuất phim và chương trình truyền hình đối diện với nguy cơ phá sản không thể cứu vãn. 

Nhìn từ góc độ thị trường, việc không thể tạo ra những sản phẩm điện ảnh, phim truyền hình, chương trình truyền hình mới, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khán giả sẽ khiến nguồn phim và chương trình truyền hình phụ thuộc nặng nề hơn vào các đối tác nước ngoài. Điều này cũng gây thiệt thòi cho chính khán giả khi không có nhiều cơ hội thưởng thức các chương trình phim, truyền hình mang bản sắc dân tộc có chất lượng cao.

Để tháo gỡ những khó khăn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất phim và chương trình truyền hình có cơ hội tiếp tục tồn tại, phát triển, văn bản đề nghị các cơ quan chức năng “chấp thuận cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phim và chương trình truyền hình được phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới từ ngày 15/10/2021”.

Theo đó, nhóm các doanh nghiệp nói trên đề xuất được thực hiện trực tuyến tất cả các công việc tiền kỳ có thể của quá trình sản xuất phim và chương trình truyền hình; tập trung sản xuất, ghi hình ở những bối cảnh biệt lập như: phim trường, các khu du lịch sinh thái không hoạt động, các khu nhà ở không có dân cư sinh sống.

Giải pháp đưa ra để đảm bảo yêu cầu phòng dịch cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phim và chương trình truyền hình là thực hiện các cam kết:

Thu hẹp quy mô nhân sự của đoàn phim khi thực hiện quay và sản xuất phim, chương trình truyền hình; thực hiện xét nghiệm PCR gộp theo nhóm 10 người trước ngày tiến hành quay phim, chương trình truyền hình.

Xét nghiệm nhanh từng người với tần suất 07 ngày/lần cho toàn bộ nhân sự của đoàn phim trong suốt thời gian quay phim và chương trình truyền hình; đảm bảo tỷ lệ 100% nhân sự đoàn phim và diễn viên tham gia đóng phim và chương trình truyền hình đã được tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Hạn chế tối đa tiếp xúc với các điểm dân cư, dịch vụ bên ngoài trong thời gian quay phim; khai báo y tế thường xuyên và luôn đảm bảo thực hiện 5K, đặc biệt đảm bảo giữ khoảng cách và không tập trung đông người trong suốt quá trình quay phim, chương trình truyền hình; chỉ định nhân sự chuyên kiểm soát việc tuân thủ phòng dịch COVID-19; thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế. 

Như vậy, bế tắc của các doanh nghiệp truyền hình ở khâu sản xuất đã được giải quyết. Ít nhất là không lo thiếu các sản phẩm mới phục vụ khán giả truyền hình.

Thời điểm cuối năm đang đến gần, đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất phim, truyền hình nắm bắt cơ hội, sản xuất các phim, chương trình truyền hình phục vụ cho nhu cầu của khán thính giả cả nước. Từng bước đưa doanh nghiệp, dịch vụ truyền hình Việt Nam sớm phục hồi trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19.

HẠO NHIÊN
Bình luận
vtcnews.vn