Thị trường chứng khoán (TTCK) giảm điểm liên tục, thậm chí nhiều cổ phiếu sắp mất hết giá trị, nên các doanh nghiệp không thể huy động vốn từ việc bán cổ phiếu. Đồng thời, chủ trương thắt chặt tiền tệ, đi kèm với tình trạng lãi suất cao khiến các doanh nghiệp không thể vay vốn để duy trì các hoạt động sản xuất hàng hóa.
Báo giới có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính về những giải pháp và khó khăn này.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang thực hiện tái cơ cấu lại hệ thống Ngân hàng (NH) trên quan điểm tách bạch và cân bằng hai thị trường vốn ngắn hạn và trung dài hạn. Theo đó, NH sẽ chỉ là nơi cung cấp vốn ngắn hạn, còn vốn trung và dài hạn phải trông cậy vào TTCK, trái phiếu... Tuy nhiên, TTCK đang vô cùng khó khăn với sự rút lui của các nhà đầu tư, khiến thị trường chỉ còn hoạt động "thoi thóp”. Ông có nhận xét gì về thực tế này?
- Tôi cho rằng với bối cảnh TTCK hiện nay chiến lược này chưa thể thực hiện trong vài năm trước mắt. Vì vậy, chỉ có những doanh nghiệp mạnh thì mới thực hiện được yêu cầu này, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chưa thể.
Tuy nhiên, NHNN đưa ra định hướng tái cấu trúc ngân hàng cần bổ sung thêm những giải pháp để hệ thống NH dễ huy động được vốn cổ phần. chẳng hạn như tăng tỷ lệ từ 30 -35% cho các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phiếu không quyền biểu quyết. Bên cạnh đó NH cũng phải tích lũy vốn tự có, huy động vốn dài hạn bằng phát hành trái phiếu. TS Nguyễn Hoàng Hải Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính
Trước mắt để thực hiện còn khó khăn, chẳng hạn như hiện nay chúng ta đang xem ngành xuất khẩu công nghệ cao là ngành mũi nhọn, được miễn thuế, nhưng chứng khoán lại không được. Nếu muốn khơi thông nguồn vốn này cần phải có chính sách cụ thể, bởi dù có khó khăn thì NH cũng huy động dễ dàng hơn nguồn vốn dài hạn trên TTCK.
Thực tế này của TTCK báo hiệu những khó khăn gì trong năm 2012, kể cả đối với bản thân TTCK cũng như các doanh nghiệp?
- Khó khăn của TTCK về khách quan thì theo tôi đã bộc lộ rõ nét rồi. Lạm phát mình đã kiểm soát được. Đã có nhiều điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất huy động cũng như cho vay. Vì vậy, tôi cho rằng vấn đề hiện tại là củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Tái cấu trúc công ty chứng khoán việc cần thực hiện là loại ngay những công ty niêm yết không đủ điều kiện. Nhà đầu tư đầu cơ vào những cổ phiếu thua lỗ cả. Nếu nói tái cấu trúc thì phải thực hiện ngay.
Vậy, theo ông cần có giải pháp cấp bách gì để vực dậy TTCK đang trầm lắng như hiện nay, để tháo gỡ những khó khăn cho các thị trường này cũng là để giúp tháo gỡ nguồn vốn cho doanh nghiệp, sản xuất để đáp ứng mục tiêu cân bằng hai thị trường tiền tệ và thị trường vốn?
- Hiện nay có tình trạng đầu tư trên thị trường đang bị định hướng sai, nhưng cơ quan quản lý không có động thái gì. Dòng tiền nhàn rỗi cứ lao vào cổ phiếu "tồi”, khiến giá cổ phiếu blue chip giảm. Cổ phiếu "tồi” phải bị loại bỏ nhưng vì sao lại chưa loại được, tôi cho rằng đó là do cơ chế xin cho.
Nhà đầu tư trông chờ những giải pháp khả thi và mang tính tức thời, áp dụng ngay cho thị trường tiền tệ và chứng khoán. Điều này lại nằm trong tầm tay nhà quản lý. Chẳng hạn như chưa cần nới lỏng tín dụng nhưng NH có thể đưa ra việc áp trần lãi suất cho vay xuống còn 17 – 18%, không ảnh hưởng cung tiền, hay sớm ban hành nghị định quản lý kinh doanh vàng.. chứ không nên chỉ dừng ở lời hứa, hẹn.(!).
Rõ ràng để thúc đẩy TTCK thoát khỏi trầm lắng thì ai cũng hiểu phải nới lỏng van tín dụng. Theo ông thời điểm nào nên thực hiện việc nới lỏng này đối với TTCK?
- Tín dụng chặt chẽ cũng có mặt tốt, nó làm cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh. Nới lỏng để rồi cho vay vô tội vạ, thì cũng làm ảnh hưởng đến thị trường. Nếu thực hiện được chính sách tín dụng tốt thì nguồn cung tốt, lãi suất sẽ hạ nhanh và doanh nghiệp cũng làm ăn nghiêm túc hơn.
Giải pháp cơ bản là kiện toàn nhân sự đối với các bộ phận quản lý nhất là trong lĩnh vực tiền tệ, chứng khoán. Đây là giải pháp mang tính chất "cấp cứu”, nhưng hiện nay những giải pháp này chưa có (!).
Xin cảm ơn ông!
Phương Linh / Đại đoàn kết
Bình luận