Nói về thị trường bất động sản TP.HCM năm 2019, ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, trong năm 2019, TP.HCM sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là các tuyến đường liên kết các vùng ngoại thành với trung tâm thành phố… tất yếu kéo theo sự phát triển của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, thời điểm này, TP.HCM đang trong quá trình rà soát lại việc phê duyệt các dự án trước đây nên nguồn cung từ các dự án đã hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư sẽ bị hạn chế, khan hiếm trong khoảng 6 tháng đầu năm.
Ông Đính nhận định, 6 tháng đầu năm 2019 nguồn cung bất động sản ra thị trường sẽ hạn chế, nhưng 6 tháng cuối năm nguồn cung tăng mạnh trở lại, nâng tổng lượng cung cả năm xấp xỉ năm 2018.
Với các dự án đủ điều kiện bán hàng, nguồn cung phần lớn tập trung ở phân khúc trung cấp, phân khúc bình dân. Nguồn cung phân khúc cao cấp, siêu cao cấp sẽ khan hiếm do các dự án ở trung tâm bị rà soát, thu hồi. Do đó, mức giá căn hộ phân khúc này có thể tăng nhẹ.
Quỹ đất ngoại thành TP.HCM hiện nay vẫn còn khá nhiều và phong phú nên lượng cung đất nền trong năm 2019 tiếp tục ổn định, giá dự kiến tăng 10 - 15% so với năm 2018.
Cũng theo ông Đính, nền kinh tế TP.HCM năm 2019 sẽ tiếp đà phát triển của năm 2018 nên nhu cầu mua nhà có xu hướng tăng so với năm 2018. Do nguồn cung hạn chế nên tỉ lệ hấp thụ có thể tăng, đạt trên 80%. Các căn hộ có diện tích vừa phải (từ 55 - 75m2) ở bất kỳ phân khúc nào cũng sẽ là sự lựa chọn của đông đảo khách hàng.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lo ngại, kịch bản xấu của bất động sản năm 2019 ngày càng lớn dần khi thị trường có sự sụt giảm nguồn cung liên tục nhiều quý liền và giao dịch cũng ảm đạm hơn năm 2017. Đặc biệt là nguồn cung căn hộ bình dân (vừa túi tiền) lao dốc mạnh nhất, tỷ lệ sụt giảm gần 70%.
Theo ông Châu, có 3 nhân tố có thể giúp phát triển ổn định thị trường bất động sản trong năm 2019 đó là: Việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, trong đó có khoảng 60 - 70% được đảm bảo bằng dự án bất động sản để tái khởi động các dự án này tham gia thị trường;
Việc thực hiện chủ trương của TP.HCM về chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/6/2018 của Chính phủ; xây dựng thành phố thông minh, khu đô thị sáng tạo phía đông; chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, xây dựng lại chung cư cũ;
Việc thực hiện chủ trương về cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế chính quyền điện tử, một cửa liên thông để rút ngắn thời gian chấp thuận dự án bất động sản. Hiện nay, thủ tục này và thủ tục, quy trình tính tiền sử dụng đất dự án, cấp sổ đỏ căn hộ dự án đang bị kéo dài rất bất hợp lý.
Bình luận