Thông thường, khi nhắc đến "thị trấn ma", mọi người thường liên tưởng đến những bức tường loang lổ, những tòa nhà đổ nát, cửa sổ dính đầy bụi bẩn... Tuy nhiên, thị trấn ma Kitsault lại hoàn toàn khác.
Đến với thị trấn Kitsault nằm trên bờ biển Bắc tỉnh British Columbia, Canada, bạn sẽ thấy những dãy nhà kiên cố, các trung tâm mua sắm, nhà hàng, ngân hàng, quán rượu và rạp hát sạch sẽ nguyên vẹn dù hoang vu không một bóng người. Đèn đường khắp thị trấn vẫn sáng hằng đêm và đường phố vẫn xanh tươi cây cối, được cắt tỉa gọn gàng dù đã hơn 30 năm không ai sinh sống.
Thị trấn Kitsaukt tồn tại trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi nhưng có chi phí xây dựng lên tới 6.800 tỷ VNĐ. Vào năm 1979, đây từng là nơi sinh sống của cộng đồng các công nhân lao động tại những hầm mỏ molypden. Molypden là một loại hợp kim rắn, thường được dùng để gia tăng độ cứng và chống rỉ cho các sản phẩm thép.
Tuy nhiên, sau những năm 1970, Mỹ bắt đầu mở rộng khai thác ở Alaska và phát hiện ra các mỏ khoảng sản, dầu mỏ, điều này khiến cho khả năng cạnh tranh sản xuất và giá quặng kim loại ở thị trấn Kitsault cũng sụt giảm nhanh chóng. Hàng ngàn công nhân khai thác trong 300 ngành thuộc sở hữu gia đình đã thất nghiệp. Thị trấn Kitsault hoàn toàn bị bỏ hoang trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm 1980, trở thành thị trấn công nghiệp đầu tiên ở Canada bị bỏ hoang.
Thời điểm đó, có hơn một trăm ngôi nhà cho các gia đình được xây dựng, cộng thêm bảy khu chung cư với hàng trăm căn hộ. Ngoài ra còn có một bệnh viện hiện đại, một trung tâm mua sắm, nhà hàng, ngân hàng, bưu điện, quán rượu, bể bơi, thư viện, hai trung tâm giải trí với bể sục, phòng tắm hơi và rạp hát. Đường điện thoại và truyền hình được chôn ngầm. Thậm chí còn có một nhà máy xử lý nước thải để đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân trong thị trấn.
Gần 18 tháng sau khi gia đình đầu tiên đến định cư ở Kitsault, thị trường molypden bắt đầu sụt giảm do sự suy thoái tính năng nghiêm trọng và sự xuất hiện của molypden nhân tạo. Các hầm mỏ dần đóng cửa và người dân ở Kitsault đã bỏ thị trấn mà đi.
Năm 2005, doanh nhân người Mỹ gốc Ấn Độ Krishnan Suthanthiran đã mua lại thị trấn với giá 7 triệu USD và lên kế hoạch hồi sinh nơi này. Kể từ đó, nhà triệu phú này đã đổ vào đây 25 triệu USD để nâng cấp và bảo trì. Hơn 10 nhân viên được thuê để kiểm tra, bảo dưỡng các tòa nhà, cắt cỏ và quét dọn đường phố. Vì thế, dù không ai sinh sống, đèn đường thị trấn vẫn sáng hàng đêm.
Sau khi dọn dẹp sạch sẽ, thị trấn này gặp khó khăn là không có người ở, do đó vị doanh nhân đã xin chính phủ Canada tự trị thị trấn này, nơi đây chính thức trở thành thị trấn tự trị với quy mô nhỏ nhất ở Canada.
Trong cơn khủng hoảng ở Mỹ, nhiều người tuyên bố phá sản, chính phủ Canada đã ra tay giúp đỡ và thông báo rằng thị trấn Kitsault sẽ là nơi miễn phí dành cho tất cả mọi người, cơn khủng hoảng qua đi và họ bắt đầu thu phí cho đến bây giờ.
Vào thời điểm này, thị trấn Kitsault được trang bị đầy đủ tiện nghi, rực rỡ suốt đêm ngày nhưng vẫn rất ít khách du lịch đến tham quan.
Bình luận