• Zalo

Thị trấn Buford ở Mỹ được ông Phạm Đình Nguyên mua lại giờ ra sao?

Thế giớiThứ Hai, 04/02/2019 12:46:00 +07:00Google News

Buford, thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ thuộc sở hữu của doanh nhân Việt Nam Phạm Đình Nguyên trông không khác gì một thị trấn bỏ hoang, tiêu điều, hiu quạnh hơn rất nhiều so với thời điểm ông này mua lại với cái giá 900.000 USD năm 2013.

Được thành lập năm 1966, Buford trở nên nổi tiếng nhờ 2 đặc điểm: tấm biển giới thiệu thị trấn chỉ có 1 người sinh sống và mốc đánh dấu độ cao 2.500m của Buford cũng là điểm cao nhất trên Xa lộ Liên tiểu bang 80.

Gần cuối thế kỷ 20, Buford từng có thời điểm có tới 2.000 người sinh sống. Năm 1980, Don Sammons cùng vợ và con trai chuyển tới đây sinh sống khi dân cư của thị trấn nằm ở tiểu bang Wyoming chỉ còn 7 người.  

Tới năm 1992, Sammons chính thức mua lại Buford. Ông tự phong cho mình danh hiệu ông chủ kiêm thị trưởng của Buford. Vào thời điểm đó, Sammons đã thành công khi thu hút du khách ghé thăm thị trấn mỗi khi tới tham quan Công viên quốc gia Yellowstone.

Buford1

Cửa hàng tiện lợi bán cà phê Việt mang nhãn hiệu Phin Deli đóng cửa im lìm. (Ảnh: Kingfm)

Sau khi vợ chết và con trai chuyển đi, Sammons trở thành cư dân duy nhất còn trụ lại ở thị trấn này. 

Với tổng diện tích 4 ha đồng cỏ ở vùng cao nguyên Wyoming, Buford có một cửa hàng tiện lợi, một hộp thư, một căn nhà 3 phòng ngủ, một ngôi trường cũ nay đã được cải tạo thành văn phòng, một trạm xăng, một nhà để xe, một nhà kho, một tháp phát sóng thông tin di động cùng một mã số bưu điện độc lập. Thị trấn này thường xuyên trở thành điểm quá giang của các tài xế xe tải đường dài cũng như các "phượt thủ". 

Năm 2012, sau 20 giữ chức thị trưởng ở thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, Sammons quyết định mở phiên đấu giá bán đứt Buford. Mức giá khởi điểm ông đưa ra chỉ là 100.000 USD. Sau nhiều lần nâng giá căng thẳng, cuối cùng, doanh nhân Việt Nam Phạm Đình Nguyên đã chiến thắng với mức giá chốt cao gấp 9 lần giá khởi điểm: 900.000 USD.

Buford3 3

Buford giờ đây trông tiêu điều như một thị trấn bỏ hoang.  (Ảnh: Kingfm)

Khi ấy, cái tên Phạm Đình Nguyên và Buford “phủ sóng” khắp các tờ báo, hãng truyền hình lớn nhất thế giới như BBC, CNN, Telegraph. 

Sau khi được đổi chủ, Buford khá im hơi lặng tiếng. Phải đến tháng 9/2013, Buford mới “nóng” trở lại khi ông Phạm Đình Nguyên công bố đổi tên thị trấn thành Buford PhinDeli. Tất cả các bảng tên đường dẫn vào thị trấn, bảng hiệu đều đổi thành Buford PhinDeli. Buford nhờ thế cũng trở thành nơi các cảnh sát địa phương thỉnh thoảng ghé qua để mua một ly cà phê Việt làm ấm bụng. 

Mặc dù làm chủ Buford, nhưng ông Nguyên không bao giờ sống ở đây và rất hiếm khi tới thăm thị trấn này. Việc kinh doanh vì vậy được giao lại cho ông Sammons. Tới năm 2015, ông Jason Hirsch tới từ hạt Albany ngỏ ý thuê lại Buford và đã nhận được cái gật đầu đồng ý từ ông Nguyên. 

Buford2

Chiếc xe bán tải nằm chỏng chơ bên cạnh nhà kho không đóng cửa. (Ảnh: Kingfm)

Từ đó Hirsch tiếp quản công việc của Sammons trong khi vị thị trưởng 20 năm của Buford vẫn sống tại ngôi nhà duy nhất của thị trấn nhà trạm xăng. Hirsch từng đặt rất nhiều hy vọng có thể biến Buford trở thành một nơi đông người qua lại nhờ sự độc đáo của loại cà phê pha phin của Việt Nam. Nhưng sau 2 năm kinh doanh không khởi sắc, Hirsch quyết định chấm dứt hợp đồng ký với ông Nguyên. 

Kể từ đó, Buford trông không khác là bao so với một thị trấn bị bỏ hoang. Cửa hàng tiện lợi đóng cửa, trạm xăng ngừng phục vụ, những lùm cỏ cao ngang người không được ai cắt tỉa biến nơi đây trở thành một thị trấn tiêu điều, hiếm người qua lại. 

Tờ The Travel của Mỹ dự đoán, Buford sẽ không còn một bóng ngưới qua lại và sinh sống trong tương lai gần. Một số người cũng cho rằng Buford đang phải đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ nếu tình hình hiện nay không được cải thiện. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn