Nhiều ý kiến của giáo viên, học sinh, chuyên gia, người dân đồng tình với phương án của dự thảo đó là thi 4 môn bắt buộc, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn lựa chọn bởi phù hợp với nội dung dạy học của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về phương thức thi, dự thảo của Bộ GD-ĐT nêu rõ, trong giai đoạn 2025 - 2030 sẽ vẫn thi trên giấy, đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin nhằm từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện. Có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính.
Giai đoạn sau năm 2030, phấn đấu để tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, lộ trình thi trên máy tính trong dự thảo của Bộ GD-ĐT hoàn toàn phù hợp trong điều kiện kinh tế- xã hội không đồng đều giữa các địa phương.
"Không phải tất cả các môn đều có thể thi được và không phải tất cả các địa phương đều có thể thi được trên máy tính. Cho nên địa phương nào đảm bảo được thì họ có thể đưa vào. Còn những địa phương không đáp ứng được thì không thể nào chạy đua theo, cào bằng cả nước", ông Khuyến nói.
Cho rằng, khi thi các môn trắc nghiệm trên máy, sẽ được trả kết quả nhanh và chính xác, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cũng cần có lộ trình, kế hoạch rõ ràng hơn để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, tránh những tiêu cực có thể xảy ra.
"Nguồn đề thi phải thật dồi dào và đảm bảo để đáp ứng được việc đánh giá trong kỳ thi này. Thứ hai nữa là tốc độ phát triển của công nghệ rất nhanh và việc can thiệp từ bên ngoài do sử dụng công nghệ vào việc thi trên máy tính chắc chắn là có và có thể xảy ra. Do vậy công tác phòng ngừa và công tác chuẩn bị cho kỳ thi này phải hết sức chu đáo, cẩn thận, khoa học và có lộ trình vững chắc thì chúng ta mới có được một kỳ thi như xã hội mong đợi, được cha mẹ học sinh và học sinh tin tưởng", ông Bình nêu quan điểm.
Bình luận