Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ được Bộ GD&ĐT giữ ổn định như năm 2020 nhằm mục đích đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học theo chuẩn đầu ra của chương trình, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực của học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa.
Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức kỳ thi nhẹ nhàng, giao cho địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn. Kết quả kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh. Đồng thời, kết quả này là căn cứ để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dự kiến diễn ra trong 2 ngày với 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập, bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ); bài thi tự chọn có thể là bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm ra đề. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Về hình thức thi, chỉ Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Riêng đối với các đề thi trắc nghiệm, năm nay, Bộ quy định cụ thể quá trình xây dựng đề như sau: Ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa theo quy định của Bộ GD&ĐT. Thư ký dùng phần mềm rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm từ ngân hàng câu hỏi thi để chuyển cho các tổ ra đề thi (có sự chứng kiến của chủ tịch hội đồng ra đề thi và các tổ trưởng ra đề thi).
Sau khi đề thi được chủ tịch hội đồng ra đề thi phê duyệt, thư ký thực hiện trộn đề thi thành nhiều mã đề thi khác nhau; tất cả thành viên của tổ ra đề thi rà soát từng mã đề thi, đáp án và cùng ký tên vào từng mã đề thi đó.
Dự thảo quy chế thi 2021 có một số điểm điều chỉnh nhằm tăng cường giám sát, đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan và tin cậy của kết quả thi. Theo đó, ở khâu coi thi, dự thảo quy chế năm nay duy trì và cụ thể hóa hơn quy định "trộn" 4 đối tượng: thí sinh tự do, thí sinh tốt nghiệp trung cấp tham dự kỳ thi, thí sinh giáo dục thường xuyên và thí sinh là học sinh lớp 12 hệ giáo dục THPT.
Giám đốc Sở GD&ĐT sẽ quyết định việc sắp xếp thí sinh vào phòng thi tại các điểm thi sao cho ở mỗi điểm thi có ít nhất 60% thí sinh lớp 12 học chương trình giáo dục THPT trên tổng số thí sinh/phòng thi. Những trường hợp đặc biệt, phải có ý kiến của Bộ GD&ĐT. Quy định này nhằm ngăn chặn nguy cơ gian lận thi cử có tổ chức ở nhóm đối tượng thí sinh tự do, hoặc thí sinh hệ trung cấp, hệ giáo dục thường xuyên.
Ở khâu chấm thi, Bộ GD&ĐT đưa ra một số nội dung mới trong chấm thi tự luận. Theo đó, những hội đồng thi có từ 30.000 thí sinh trở lên, bắt buộc phải tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài thi để thống nhất, tránh trường hợp chấm lỏng hoặc chặt quá, hiểu sai hướng dẫn chấm, không nắm chắc quy trình chấm thi.
Bộ GD&ĐT cũng quy định trưởng môn chấm thi có thể triển khai việc chấm chung theo từng tổ chấm thi hoặc nhóm tổ chấm thi. Việc thực hiện quy trình chấm 2 vòng độc lập phải bố trí ở 2 phòng chấm độc lập.
Thêm một điểm mới được dự thảo này đưa ra cụ thể những lỗi dẫn tới việc bị đình chỉ thi. Theo đó, những thí sinh không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển về phòng chờ và trong thời gian ở phòng chờ cũng bị đình chỉ thi.
Các lỗi dẫn đến đình chỉ thi đã quy định trong quy chế trước đây là: Bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép vào phòng thi/phòng chờ và khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác.
Bình luận