Ngày 25/6 tới, hơn 887.000 học sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Công tác tổ chức thi và chấm thi, kỳ thi được quan tâm đặc biệt để tránh xảy ra gian lận trong chấm thi năm ngoái. Bộ GD-ĐT, các địa phương, trường đại học và lực lượng chức năng đều quyết tâm tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc và công bằng.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, tỉnh Bắc Giang có hơn 19.600 thí sinh đăng ký dự thi tại 36 điểm thi. Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã huy động hơn 1.600 cán bộ của tỉnh và gần 1.000 cán bộ, giảng viên các trường đại học tham gia phối hợp làm nhiệm vụ coi thi.
Trường THPT Chuyên Bắc Giang được chọn làm địa điểm tổ chức in đề thi được cách ly 3 vòng độc lập được lực lượng công an và thanh tra bảo vệ nghiêm ngặt. Công tác bảo mật, bảo đảm an toàn tại điểm thi, nơi in sao đề, chấm thi được Ban Chỉ đạo thi tăng cường. Hiện 36 điểm thi trên toàn tỉnh đã lắp đặt camera giám sát tại phòng bảo quản đề và bài thi; chuẩn bị máy phát điện, thiết bị cơ động phòng, chống cháy nổ.
Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang cho biết: “Kỳ thi này phải được tổ chức công bằng, khách quan, trung thực đúng quy chế và vẫn đạt kết quả cao. Muốn như thế thì tất cả các vị trí, các thành viên tham gia vào kỳ thi này thì phải làm hết sức tròn vai, rõ vai của mình.
Trong đó thực hiện nguyên tắc “5 rõ”: rõ người, rõ công việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ kết quả. Cứ ở vai nào thì hãy nghĩ về “5 rõ” đó để mình làm cho nó thật sự tròn vai của mỗi vị trí”.
Kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT tăng cường sự tham gia của các trường đại học trong khâu coi thi và chấm thi, trong đó ở khâu chấm thi, trường đại học sẽ giữ vai trò chủ trì chấm thi trắc nghiệm. Bên cạnh việc bố trí cán bộ coi thi, chấm thi đã có nhiều kinh nghiệm thì do năm nay có nhiều điểm mới trong quy trình tổ chức nên các trường đều nâng cao công tác tuyển chọn và tập huấn cho cán bộ, giảng viên.
Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đơn vị tham gia coi thi, chấm thi tại tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã tập huấn rất kỹ cho cán bộ theo từng vị trí cụ thể, đặc biệt là khâu chấm thi trắc nghiệm.
“Trường cử những đoàn đi tập huấn do Bộ GD-ĐT tổ chức, nhóm chuyên gia, cán bộ kỹ thuật cũng tìm hiểu kỹ quy trình chấm. Trường lên phương án bám sát quy trình chấm và cũng bắt đầu đưa ra quy trình chặt chẽ tất cả các bước từ khi tiếp nhận cơ sở vật chất trong do Thanh Hóa bàn giao cho đến khi có kết quả.
Chúng tôi cho chấm thử dựa trên những giả định nhất định, chúng tôi tin chắc rằng, địa điểm thi do các trường đại học tổ chức chấm thi thì sự gian lận khó xảy ra”, ông Trần Văn Tớp nói.
Rút kinh nghiệm từ vụ việc gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, ngành giáo dục triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật như: thay đổi cách sắp xếp phòng thi, bốc thăm cách phát đề, bốc thăm chấm thi, mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi, truy vết quá trình chấm, thậm chí là lùi thời hạn công bố điểm thi để rà soát lại tất cả điểm thi của các địa phương...
Tuy nhiên, theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), các quy trình kỹ thuật có chặt chẽ đến đâu thì yếu tố quyết định của kỳ thi vẫn là sự công tâm và khách quan của cán bộ tham gia công tác gia kỳ thi. Vì vậy, Ban chỉ đạo thi Quốc gia đặt yêu cầu hàng đầu đối với các địa phương khi lựa chọn nhân sự.
“Việc lựa chọn nhân sự cho tất cả các khâu đây là nhiệm vụ mà Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh phải thực hiện nghiêm túc. Có chọn được con người rồi thì tiếp tục làm công tác tập huấn rất kỹ càng. Năm nay chúng tôi tập huấn rất kỹ càng và có sự tham gia ngoài các vụ, cục thanh tra đồng bộ rồi thì có sự tham gia của PA03 của 63 tỉnh thành ngay từ ban đầu.
Rõ người, rõ việc, rõ chức năng nhiệm vụ, rõ sản phẩm làm ra để có sự phối hợp chặt chẽ. Với cách làm đồng bộ như thế cộng với việc tăng cường giám sát và thanh tra thì chúng ta hi vọng là sẽ có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc”, ông Mai Văn Trinh nói.
Từ nay đến trước và trong kỳ thi, các đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT tăng cường đi các địa phương để rà soát, kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT Quốc gia, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị thi. Lãnh đạo Bộ cũng đề nghị các địa phương tuyệt đối không chủ quan, dù là ở những khâu nhỏ nhất, nhằm tổ chức kỳ thi đạt được mục tiêu giảm áp lực, an toàn, công bằng, khách quan, tạo được niềm tin trong xã hội.
Bình luận