Trong lần họp Ban chỉ đạo thi đầu tiên của cụm Hà Nội do UBND TP tổ chức vừa qua, đại diện một số trường đại học cho biết không thể cử đủ số lượng giảng viên, cán bộ đi coi thi như Bộ GD&ĐT yêu cầu. Kỳ thi THPT quốc gia 2019, thành phố Hà Nội có gần 75.000 thí sinh dự thi với 125 điểm thi, 3.120 phòng thi.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, số lượng cán bộ của Sở GD&ĐT chủ trì cụm thi lên đến hơn 5.000 người. Trong đó, số cán bộ coi thi là hơn 3.100 người, số nhân viên phục vụ là hơn 1.300 người. Năm nay, cụm thi Hà Nội có 13 ĐH, Học viện, trường ĐH phối hợp tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Tổng số cán bộ của trường ĐH tham gia phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội là gần 3.600 người.
Trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội có số lượng đội ngũ tham gia đông đảo nhất. Như vậy, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại cụm thi Hà Nội lên đến gần 9.000 người. Sở cũng đã chuẩn bị điều động 500 giáo viên chấm thi môn tự luận tại Sở cùng với 50 giảng viên ĐH phối hợp.
Đại diện cho ĐH Lâm nghiệp, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, theo danh sách được phân công, trường có khoảng trên 490 cán bộ, giảng viên được huy động phối hợp tổ chức thi. Đội ngũ cán bộ của trường vượt con số này, nhưng sau khi rà soát thì đội ngũ đủ điều kiện làm công tác coi thi lại không đủ. Trường chỉ cung cấp được 300 cán bộ coi thi. Còn theo danh sách hơn 490 cán bộ, giảng viên làm công tác tổ chức thi, trong đó có tới 437 người làm cán bộ coi thi là quá nhiều.
Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Y Hà Nội cũng cho biết, số lượng cán bộ viên chức của nhà trường được huy động tham gia công tác tổ chức thi là 479 người, chưa kể đội ngũ thanh tra. Năm 2018 nhà trường cố gắng thực hiện nghiêm chỉ đạo thi, cử đủ số lượng cán bộ theo yêu cầu. Tuy nhiên, trường đã phải gồng mình đảm đương nhiệm vụ chính trị được giao.
Năm nay, huy động số lượng cán bộ, giảng viên nhiều hơn. Trong khi đội ngũ giảng viên của trường trong thời gian tổ chức thi vẫn phải làm ba nhiệm vụ: giảng dạy, khám chữa bệnh và coi thi. Vì vậy, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Y Hà Nội đề xuất Ban chỉ đạo cân nhắc giúp. Đại diện ĐH Nội vụ cũng cho hay trường chỉ có thể cử 120 cán bộ tham gia làm thi thay vì 218 người như đề xuất.
Nói thêm về những kiến nghị, đề xuất từ phía trường ĐH khi phối hợp tổ chức thi, ông Phan Tiến Dũng, Phó trưởng ban đào tạo Học viện Cảnh sát nhân dân cho hay, Học viện đã từng phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017. Năm nay, Hà Nội có 125 điểm thi, để tránh các trường ĐH phải di chuyển xa, khó khăn, vất vả, ông Dũng đề nghị Sở GD&ĐT nên bố trí cho các trường làm công tác thi ở khu vực trường “đóng quân”.
Về những ý kiến của các trường xin rút số lượng cán bộ coi thi, ông Phạm Văn Đại, phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thẳng thắn nêu quan điểm: Cần xác định là kỳ thi 2 chung, nên là trách nhiệm chung của cả trường ĐH và của Sở GD&ĐT. Việc điều động cán bộ giảng viên của các trường ĐH tăng lên nhiều do yêu cầu của Bộ. Các trường muốn thay đổi con số này thì phải báo cáo với Bộ GD&ĐT.
Khó khăn khi chưa chấm thi trắc nghiệm lần nào
Trong khi đó, đại diện ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết theo phân công, trường có 911 cán bộ tham gia kỳ thi. ĐH cố gắng đảm bảo yêu cầu đặt ra. Ngoài ra, ĐH còn chủ trì công tác chấm thi trắc nghiệm. ĐH cũng chưa biết thế nào, vì công tác chấm thi trắc nghiệm đặc biệt phức tạp.
"Đây là nhiệm vụ mới nê chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ có hướng dẫn cụ thể. Hiện đã có 3 trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội tham gia tập huấn của Bộ nhưng mới chỉ là phần kỹ thuật, còn phần quy trình, quản lý rất mong thời gian tới được hướng dẫn cụ thể. Số lượng huy động rất lớn” - vị đại diện này nói.
PGS. Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm 2019, trường được phân công phối hợp tổ chức thi tại cụm Thanh Hóa cùng với 4 trường ĐH, CĐ khác. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm tại địa phương này.
Tuy nhiên, PGS. Trần Văn Tớp cho hay, khó khăn là trường chưa tổ chức chấm thi trắc nghiệm THPT quốc gia lần nào. Trước mắt, trường cử 9 người chịu trách nhiệm về công nghệ kỹ thuật chấm thi, đang tập dượt theo phần mềm chấm thi của Bộ.
Một khó khăn nữa mà PGS. Trần Văn Tớp nêu ra là trường chưa có kinh nghiệm nên không biết phải huy động bao nhiêu người để chấm thi. Chỉ biết có 1 tổ trưởng, 1 trưởng ban, nhưng còn huy động bao nhiêu nhân viên thì chưa biết? Nếu như năm ngoái, tham khảo từ Hà Nội, sở phải huy động 30 người chấm thi trắc nghiệm. Năm nay, dự kiến Thanh Hóa có khoảng trên 36.000 thí sinh dự thi, hiện nay trường mới chỉ có 10 người làm công tác chấm thi.
Theo PGS. Trần Văn Tớp, theo quy chế, Hội đồng chấm thi là một hội đồng trực thuộc ban chỉ đạo thi. Bài thi sẽ được chấm tại Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Sở sẽ có nhiệm vụ chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để phục vụ chấm thi trắc nghiệm.
Bình luận