Ngày 4/12, Bộ GD&ĐT công bố phương án thi THPT Quốc gia 2019. Theo văn bản này, dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT sẽ gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT Quốc gia + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lê Qúy Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) không đồng tình với phương thức sử dụng kết quả trên. Ông cho rằng, năm nay, Bộ GD&ĐT điều chỉnh cách tính điểm như vậy thì điểm xét tốt nghiệp THPT chưa chính xác tuyệt đối.
"Trong quá trình giảng dạy, thầy cô thường có tâm lý thương học sinh và có thể tạo điều kiện cho các em có kết quả cao, có điểm số đẹp để tham gia xét tốt nghiệp”, ông Bình lý giải.
Từ đó, hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình mong muốn tách riêng điểm đánh giá học sinh trong quá trình học và điểm xét tốt nghiệp. Theo đó, chỉ dùng điểm thi chứ không nên lấy điểm trung bình kết quả học lớp 12 vào tính điểm để xét tốt nghiệp.
Hiệu trưởng Bình bức xúc: “Năm nào, kỳ thi THPT Quốc gia cũng có những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thi. Điều này làm cho phụ huynh, học sinh, giáo viên và toàn xã hội lo âu và chỉ chờ Bộ GD&ĐT thay đổi cách tổ chức thi để có phương án ôn luyện.
Tại sao Bộ chưa công bố tỷ lệ % kiến thức của lớp 10 và 11 trong đề thi THPT Quốc gia năm 2019 là bao nhiêu? Thời gian công bố đề thi minh họa là khi nào để giáo viên và các em học sinh chuẩn bị?".
Hạn chế khi lắp camera giám sát
Sau khi chỉ ra những điểm chưa đồng tình về phương án thi THPT Quốc gia 2019, thầy Nguyễn Quốc Bình ủng hộ khi Bộ GD&ĐT khi có điều chỉnh một số nội dung trong quy chế thi từng là hạn chế, kẽ hở trong năm ngoái tại một số tính.
Trong những điều chỉnh bổ sung một số kỹ thuật của quy chế, ông Bình đánh giá cao việc lắp camera ở phòng để đề thi, bài thi và phòng chấm trắc nghiệm 24h/24h. Việc chúng ta biết sử dụng công nghệ trong hoạt động để quản lý đề thi, chấm thi sẽ giúp đảm bảo bí mật, an toàn, khách quan trong quá trình thực hiện tổ chức kỳ thi.
Thầy Bình cho biết thêm, trong quá trình chấm thi sẽ có nhiều thao tác khác nhau, đặc biệt là chấm trắc nghiệm. Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 chấm tập trung không giao cho các tỉnh và do các trường đại học chủ trì, có sự thay đổi về nhân sự, về con người. Vì vậy, sẽ khó xuất hiện gian lận vì có sự giám sát của camera.
Tuy nhiên, công việc nào cũng cần có con người. Theo đó, những người làm công tác tổ chức thi, chấm thi... phải được tập huấn lựa chọn, giao nhiệm vụ rõ ràng cụ thể và có chế tài xử phạt nghiêm. Ngoài ra, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra thì tiêu cực sẽ được hạn chế và khó xảy ra.
“Lắp đặt camera ra rồi nhưng không thể ỷ lại vào nó, mà vẫn phải thực hiện những thao tác kỹ thuật để camera hoạt động, tránh trục trặc”, thầy Nguyễn Quốc Bình nói.
Thầy Bình phân tích, những sai sót trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 là bài học cho năm 2019. Vậy nên, Bộ GD&ĐT cần có chiến lược chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Bộ cũng cần nghiên cứu, căn cứ thực tế, căn cứ vào cơ sở lý luận, cơ sở khoa học để xây dựng quy chế có tính lâu dài hơn, tránh việc chúng ta năm nào cũng thay đổi làm xã hội lo lắng, chờ đợi, như vậy chưa tạo ra được sự yên tâm cho giáo viên, học sinh.
Hơn nữa, đối với kỳ thi này, sau khi có điều chỉnh về kỹ thuật như vậy, Bộ cũng cần có đội ngũ thanh tra, hậu kiểm, giám sát. Những người này phải thực sự có trách nhiệm, phải quyết liệt mới giảm được tiêu cực.
Nếu những thay đổi này khắc phục được hạn chế của năm trước thì kỳ thi sẽ diễn ra an toàn, khách quan và đảm bảo giảm thiểu tiêu cực. Tuy nhiên, nếu không có sự thay đổi đồng bộ toàn diện mà hàng năm vẫn thay đổi, điều chỉnh thì cách làm mang tính “chắp vá”, phải có một chiến lược, định hướng, cụ thể toàn diện cho kỳ thi.
Mời độc giả gửi bài viết về địa chỉ email: [email protected]
Bình luận