Còn gần một tháng nữa kỳ thi THPT Quốc gia sẽ diễn ra. Đây là thời điểm để các sỹ tử hệ thống lại toàn bộ kiến thức.
Với đặc thù của môn Văn là môn duy nhất thi bằng hình thức Tự luận, học sinh cần có phương pháp ôn luyện hiệu quả nhất.
Th.s Phan Trắc Thúc Định – giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Cừ - Hà Nội - người có nhiều năm giảng dạy, ôn luyện và chấm thi THPT Quốc gia chia sẻ một số bí quyết giúp các em ôn luyện môn Văn đạt kết quả cao trong thời điểm một tháng nước rút này.
1. Không học tủ, học vẹt
Đề thi môn Ngữ văn THPT những năm gần đây được ra nhằm kiểm tra hai năng lực tiếp nhận và tạo lập văn bản. Lúc này, đề yêu cầu người học phải biết phân tích, suy luận và vận dụng.
Vì vậy, việc ôn tập và làm theo lối văn mẫu, chép nguyên lại bài giảng là không có hiệu quả.
Theo như đề minh họa năm 2018 của Bộ GD-ĐT, học sinh có cơ hội tham khảo và làm quen. Ở phần Đọc hiểu, học sinh sẽ được tiếp cận với một văn bản chưa được học hoặc không có trong sách giáo khoa Ngữ văn.
Câu nghị luận xã hội cũng được tích hợp với ngữ liệu của phần Đọc hiểu – nội dung thường là trình bày suy nghĩ về ý kiến nêu trong văn bản Đọc hiểu hoặc trình bày suy nghĩ về vấn đề chính mà văn bản đề cập tới. Do vậy, học sinh không thể học tủ, học vẹt.
Đối với câu nghị luận văn học cũng vậy, đề thi có tính tích hợp, liên hệ giữa các tác phẩm lớp 12 với lớp 11. Vì vậy, học sinh cũng không thể làm bài theo thói quen cứ nghe tên tác giả, tác phẩm quen thuộc là trình bày tất cả những gì mình biết về tác giả, tác phẩm ấy cho được nhiều trang...
Cách ôn thi và làm bài thi như vậy không còn phù hợp. Học sinh cần liên hệ, mở rộng, so sánh, đánh giá, luận giải vấn đề dựa trên kiến thức hiểu biết của bản thân để đạt điểm cao.
2. Không được chủ quan bỏ qua các tác phẩm đã thi ở những năm trước
Một lỗi nữa mà đa phần trong quá trình ôn luyện học sinh mắc phải là cho rằng đề thi, bài thi đã ra năm trước thì năm sau không rơi vào nữa.
Đây là một nhận định sai lầm, chủ quan. Đề thi có thể lặp lại các tác phẩm đã thi ở các dạng câu hỏi khác nhau, khía cạnh khác nhau...
Vậy với cách ra đề đổi mới như hiện nay thì việc học tủ, học vẹt không còn phù hợp. Học sinh nên chủ động ôn luyện thật kỹ, tham khảo các đề thi và đáp án đổi mới.
Video: Thủ khoa khối C, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn chia sẻ cách học môn Văn
3. Hệ thống kiến thức, ôn luyện bằng “Sơ đồ tư duy”
Thay vì học thuộc như một cái máy, học sinh nên tìm cách hệ thống lại mọi kiến thức đã học, từ Đọc hiểu đến Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học bằng cách gạch ra các ý chính, sắp xếp thành hệ thống chủ điểm, hệ thống thành các dạng đề...
Một trong những cách ôn hiệu quả nhất là việc các bạn học sinh nên sắp xếp các nội dung kiến thức ấy thành sơ đồ tư tuy cho dễ nhớ, dễ liên hệ nhất.
Ví dụ với phần Đọc hiểu, học sinh cần hệ thống lại các câu hỏi quen thuộc và phân biệt các dấu hiệu nhận biết với các dạng câu hỏi đó.
Cụ thể như phong cách ngôn ngữ, có mấy phong cách ngôn ngữ và dấu hiệu nhận biết các phong cách ngôn ngữ đó là gì?
Thao tác lập luận có mấy thao tác và dấu hiệu nhận biết các thao tác ấy là gì? Phương thức biểu đạt có mấy phương thức và dấu hiệu nhận biệt các phương thức ấy là gì?...
Với câu Nghị luận xã hội, học sinh sơ đồ nhớ lại công thức- các thao tác lập luận cơ bản để tránh nhầm lẫn các thao tác. Như vậy, bài viết sẽ logic hoàn chỉnh hơn.
Học sinh cũng nên sơ đồ hóa theo các chủ điểm mà nội dung đọc hiểu và nghị luận dễ vào nhất để có ý thức sưu tầm, ghi chép các dẫn chứng để đưa vào bài thi hiệu quả.
Với câu Nghị luận văn học: Học sinh hệ thống lại kiến thức lớp 11 và 12. Học sinh nên chia theo các dạng chủ điểm để có thể thấy tính liên hệ so sánh phù hợp của các tác phẩm văn học của 2 khối lớp này như chủ đề người lính,chủ đề người phụ nữ,thân phận người nông dân, chủ đề nỗi nhớ tình yêu, chủ đề quan điểm sáng tác và vai trò của người nghệ sỹ...
4. Sắp xếp thời gian biểu hợp lý để ôn thi
Học sinh cần vạch ra được kế hoạch ôn tập rõ ràng qua sự định hướng của thầy cô giáo. Thời điểm đến kỳ thi không còn dài, nên phải ôn cuốn chiếu từng tác phẩm, từng giai đoạn, ôn tới đâu dứt điểm tới đó.
Đặc biệt các em nên quan tâm chú ý tới phần văn học lớp 11 và dạng đề liên hệ so sánh vì đây là dạng câu hỏi và mảng kiến thức mới có trong đề thi năm 2018.
Học sinh nên biết tận dụng thời gian ôn tập trên lớp với giáo viên và các bạn học cùng, nếu không hiểu gì hỏi ngay thầy cô để có được hiểu biết nhất định.
Các em cần sưu tầm và tự giải nhiều đề, tiếp cận với các câu hỏi mới, không nên đọc đáp án trước mà nên tư duy tự trả lời, sau đó mới so sánh đáp án sau.
5. Rèn kỹ năng viết:
Học sinh khắc phục việc viết lan man, dài dòng, không trọng tâm câu hỏi.Học sinh nên tranh thủ luyện đề, giải các đề mới, rèn cách viết rõ ràng, mạch lạc, tránh trình bày dài dòng, lan man sang những vấn đề khác mà đề không hỏi đến. Việc này vừa làm mất thời gian của học sinh vừa khiến bài làm mất điểm.
Bên cạnh đó, học sinh tránh trả lời các câu hỏi quá vắn tắt, viết các câu cụt, gạch xóa... Nhiều học sinh được thầy cô ôn luyện là nên hỏi gì đáp nấy”.
Bài học rút ra, học sinh nên rèn kỹ năng viết bài, trình bày bài cẩn thận. Nếu với các câu hỏi nhận biết, tái hiện kiến thức, học sinh có thể trả lời gọn gàng, trúng ý, không lan man.
Còn với những câu hỏi vận dụng, liên hệ và đặc biệt là tạo lập văn bản (đoạn văn, bài văn), học sinh trình bày theo các thao tác lập luận cụ thể,có liên hệ, so sánh, lý giải, phân tích...
Bài thi môn Văn càng trình bày rõ ràng, rành mạch, sạch đẹp thì càng tốt. Diễn đạt cần đúng ngữ pháp, giàu hình ảnh và cảm xúc thì điểmc àng cao. Học sinh nên rèn những lỗi diễn đạt lủng củng, viết sai chính tả, không gạch xóa, viết thiếu nét, thiếu dấu…
Bình luận