• Zalo

Thi THPT Quốc gia 2018: Giáo viên luyện thi nổi tiếng lo lắng thí sinh chọn hú hoạ

Giáo dụcThứ Hai, 02/07/2018 07:40:00 +07:00Google News

Giáo viên luyện thi môn Hoá học nổi tiếng ở Vũng Tàu đã chia sẻ về những trường hợp học sinh sẽ chọn hú hoạ trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 và băn khoăn về tính phân hoá của đề thi năm nay.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, chúng ta chỉ thấy dư luận xôn xao về "mưa điểm 10", còn kỳ thi vừa qua thì có 2 câu chuyện nổi lên: Mức độ khó của đề thi và học sinh chọn hú hoạ phương án đúng. Xin tản mạn về câu chuyện thứ hai. Khi nào học sinh sẽ chọn hú hoạ phương án?

Chọn hú hoạ có nghĩ là không cần liên quan đến kiến thức gì hết, chọn theo linh tính, cảm giác mà thôi. Tôi thấy có những tình huống sau đây.

pham ngoc luan 3

 

1. Thời gian không đủ suy nghĩ để có căn cứ chọn

Đây là tình huống mà bất cứ thầy cô nào cũng dặn học trò:"Dù không biết, cũng không được để câu nào không chọn phương án đúng. Khi đó bằng "giác quan thứ 6", bằng linh tính, bằng gì đó cứ chọn một phương án. Nếu may mắn lại được điểm còn không may thì cũng là do mình không đủ thời gian để nghĩ".

Đây là "chiến thuật" rất đúng cần dặn học trò khi đi thi trắc nghiệm. Thầy Lê Thống Nhất có bài thơ dễ nhớ dặn học trò nhiều điều khi đi thi trắc nghiệm cũng đã dành 4 câu thơ dặn về chuyện này:

"Điều này cũng nhớ đừng quên

Câu không làm được: xui hên tô liều

Tô thì chẳng tốn bao nhiêu

Biết đâu lại trúng là điều rất may"

(Trích bài thơ "Khi thi trắc nghiệm")

2. Không đủ kiến thức để chọn phương án

Kể cả học sinh giỏi, nhiều khi vẫn đứng trước câu hỏi mà không nghĩ ra được cách nào chọn phương án đúng, cộng với sự cân đối thời gian thi thì cách tốt nhất vẫn là chọn hú hoạ. Còn đối với học sinh trung bình và yếu thì chắc chắn tình huống này xảy ra nhiều hơn, mặc dù thời gian chưa phải là gấp rút. Đây là tình trạng thời gian thì còn nhưng kiến thức có hạn. Tất nhiên, những học sinh yếu hoặc trung bình thì thầy cô càng dặn kỹ cách này.

3. Môn thi chỉ cần cho tốt nghiệp mà không cần cho xét tuyển đại học, cao đẳng

Tình huống này sẽ không hề ít. Học sinh chỉ cần tránh điểm liệt nên có thể làm 6-7 câu ở mức độ nhận biết rồi bắt đầu hú hoạ chọn mà không cần đắn đo gì. Đúng hay không sẽ không có ý nghĩa nữa.

- Thí sinh khối A1 sẽ chọn hú hoạ với Hoá học và Sinh học

- Thí sinh khối A sẽ chọn hú họa với Sinh học và Tiếng Anh

- Thí sinh khối B sẽ chọn hú hoạ với Vật lý và Tiếng Anh

- Thí sinh khối D sẽ chọn hú hoạ cả 3 môn thành phần của môn tổ hợp KHTN hoặc KHXH.

Với các thí sinh chọn hú hoạ trên sẽ tạo ra một lãng phí rất lớn. Từ số lượng thí sinh chọn các khối xét tuyển đại học, cao đẳng các nhà quản lý giáo dục dễ dàng tính ra số lượng thí sinh chọn hú hoạ khi thi trắc nghiệm. Những chi phí cho việc tổ chức thi đối với các thí sinh trong tình huống này là một lãng phí thể ước tính được. Mong ai có trách nhiệm thử ngồi tính. Chúng ta có cần lãng phí hay sự hy sinh này hay không? 

Thử dự báo về tình hình chọn hú hoạ trong kỳ thi vừa qua

Phần này là hoàn toàn chủ quan của người viết bài này. Có thể sai hoàn toàn như dự đoán tỷ số FIFA WORLD CUP hiện nay. Chính thế tiêu đề cho bài viết mới có từ "tản mạn". Các bạn có thể đọc có tính tham khảo vui, đừng có ấn tượng nhiều.

- Môn Toán: Tạm chia làm 2 nhóm thí sinh: nhóm yếu, trung bình và nhóm học được trở lên. Đề thi khó, 25 câu với mức điểm 5 chắc có khoảng 75% thí sinh kiếm được trên 5 điểm. Nhóm hai làm thêm được 5 câu. Như vậy 20 câu cuối cùng thì có khoảng 80% thí sinh toàn quốc chọn hú hoạ. 5 câu cuối cùng thì dự là 100% thí sinh toàn quốc chọn hú hoạ. Các bạn đọc thêm các bài trên các báo phản ánh tình hình giải đề thi Toán của các nhà toán học, các thầy chuyên luyện thi toán, dạy chuyên toán những những ngày qua (có thể xem tổng hợp chưa đủ TẠI ĐÂY).

- Môn Vật Lý: Theo dư luận chung thì đề dễ thở hơn môn Hoá học, nhưng vẫn thuộc loại khó. Dự là có khoảng 60% thí sinh ăn được 25 câu đầu. Thêm 10% thí sinh ăn thêm được 10 câu nữa. Còn lại 5 câu cuối dễ có đến 95% thí sinh toàn quốc chọn hú hoạ.

- Môn Hoá học: kiếm 5 điểm cũng không khó, nhưng từ 6 điểm trở lên bắt đầu mệt. Tình hình chọn hú hoạ chắc sẽ lớn hơn môn Vật lý (có thể xem nhận định về đề thi của NGƯT.TS. Vũ Anh Tuấn TẠI ĐÂY).

- Môn Sinh học: quá dài dòng và khó. Cũng như môn Hoá, chỉ có những người xét khối B mới học Sinh học. Dự có đến 70% thí sinh thi ban KHTN trên toàn quốc chọn hú hoạ và tránh liệt ở môn Sinh học. 

- Môn Tiếng Anh: Theo dư luận cũng rất khó với 50 câu hỏi chỉ làm trong 60 phút. Khả năng số học sinh chọn hú hoạ lớn gồm cá thí sinh khối A, khối B. Với cá thí sinh lấy môn Tiếng Anh là môn xét tuyển đại học, cao đẳng thì 15 câu cùng chắc cung ít nhất 75% thí sinh chọn hú hoạ.

- Các môn thành phần của môn tổ hợp KHXH, do không có cảm nhận nhiều nên xin không dự đoán.

Từ câu chuyện chọn hú hoạ dẫn đến suy nghĩ gì?

Trước khi nói dẫn đến chuyện gì chỉ xin kể câu chuyện từ một giáo viên dạy Toán cho biết: Có 2 học sinh, một kém, 1 khá báo cáo thật với cô là cả 2 đã chọn hú hoạ phương án cho 20 câu cuối cùng. Kết quả so với đáp án đúng mà Bộ GD&ĐT công bố thì em kém đã đúng 8 câu, còn em khá đúng có 1 câu. Như vậy em kém đã rất may mắn hơn em khá và chỉ với 20 câu này, em kém đã hơn em khá 1,4 điểm.

Từ việc chọn hú hoạ ở trên có 2 câu hỏi đặt ra:

- Câu hỏi 1: Điểm số thi trắc nghiệm với các em chọn hú hoạ có đánh giá đúng năng lực học tập không?

- Câu hỏi 2: Khi nhiều học sinh chọn hú hoạ thì phổ điểm của mỗi môn có cho biết tính phân hoá của đề thi hay không? (nếu câu trả lời cho câu hỏi 1 là "Không" thì chắc chắc câu tra lời cho câu hỏi 2 cũng là "Không").

Rất mong các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, thầy cô trả lời giúp cho 2 câu hỏi trên.

Video: Bài thi THPT Quốc gia 2018 được chấm như nào?

Phạm Ngọc Luận
Bình luận
vtcnews.vn