• Zalo

Thí sinh tự tử: Truyền hình thực tế gây hệ lụy xấu cần bị xử lý

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 06/05/2016 07:35:00 +07:00Google News

Một số quốc gia đã phải dừng phát sóng một số chương trình để hạn chế các hệ lụy xấu từ việc khai thác đời tư của các chương trình truyền hình thực tế.

(VTC News) - Một số quốc gia đã phải dừng phát sóng một số chương trình để hạn chế các hệ lụy xấu từ việc khai thác đời tư của các chương trình truyền hình thực tế.

Tự tử từ chương trình truyền hình thực tế, chuyện không hiếm

Sự việc thí sinh Mai Thái Anh (tên thật Trần Nguyên Bảo) của chương trình Nhân tố bí ẩn - X-Factor 2016 năm nay tự sát dù may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn khai thác câu rating của các chương trình truyền hình thực tế hiện nay.

Vụ việc thí sinh Mai Thái Anh X-Factor 2016 tự sát có thể nói là vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam có một sự việc tiêu cực về áp lực dư luận với các thí sinh khi tham gia các chương trình truyền hình thực tế.

Mai Thái Anh - thí sinh X-factor tự tử vì áp lực dư luận.
Mai Thái Anh - thí sinh X-factor tự tử vì áp lực dư luận.
Nhưng trên thế giới, điều này đã trở thành một vấn nạn trong một số năm gần đây. Điều đó có thể thấy áp lực dư luận đối với các thí sinh khi tham dự chương trình truyền hình thực tế là không hề nhỏ, thậm chí vô cùng căng thẳng và mệt mỏi.

Tại Mỹ, thí sinh Simone Battle, xuất hiện trong The X-Factor vào năm 2011 nhưng không nhận được sự đồng ý của Ban giám khảo. Ba năm sau khi bị loại cũng là ba năm Simone phải đối mặt với chứng trầm cảm nặng nề. Cuối cùng Simone Battle kết liễu bản thân ở tuổi 25.

Cô gái Alexa McAllister, 32 tuổi, đã tự sát vì không chịu nổi áp lực dư luận sau khi bị loại khỏi chương trình The Bachelor chỉ trong tuần đầu tiên phát sóng vào năm 2015. Tương tự, người mẫu Gia Allemand cũng tự tử vì không được vào vòng trong của The Bachelor vào năm 2013.

Najai Turpin tự tử sau khi tham gia chương trình truyền hình thực tế The Contender năm 2005. Thí sinh Paula Goodspeed của American Idol đã kết liễu cuộc đời bằng cách uống thuốc quá liều vì chán nản vào năm 2008.

Cùng năm đó, thí sinh Simon Foster của Wife swap đã tự tử vì bị biến thành trò cười sau khi chương trình phát sóng.
Thí sinh Cheon của chương trình Couple tự tử vì hình ảnh được xây dựng sai lệch.
Thí sinh Cheon của chương trình Couple tự tử vì hình ảnh được xây dựng sai lệch.
Tại Hàn Quốc, năm 2014 chương trình truyền hình thực tế Couple của đài SBS phải tạm dừng phát sóng và công khai xin lỗi thí sinh Cheon và người thân của cô cũng như khán giả vì xây dựng hình ảnh giả tạo về một cô Cheon luôn u uất, buồn bã.

Thí sinh đặc biệt dễ trở thành “con mồi” của truyền hình thực tế

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có rất nhiều người trở thành nạn nhân của hiện tượng làm nhục mua vui cũng như là nạn nhân của các meme trên Internet.

Các thí sinh có tinh thần ổn định cũng dễ trở nên lo lắng, tổn thương khi mà áp lực cạnh tranh giữa các thí sinh và từ phía dư luận quá lớn. Với các thí sinh có thần kinh yếu hay không ổn định lại càng là “con mồi ngon lành” của các chương trình truyền hình thực tế.

Khai thác sâu vào thân phận éo le, thương tâm, nhấn mạnh các giọt nước mắt của thí sinh trên sóng truyền hình đang là cách thức mà truyền hình thực tế dùng để tăng tính tương tác, đánh động lòng trắc ẩn, tăng chỉ số xem đài…

Hoàn cảnh đặc biệt của Mai Thái Anh.
Hoàn cảnh đặc biệt của Mai Thái Anh. 
Vụ việc tự sát của thí sinh Nhân tố bí ẩn 2016 Mai Thái Anh tựa như giọt nước tràn ly cho vấn nạn này, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo các cơ quan quản lý và chức năng cần có động thái để làm cho các chương trình truyền hình thực tế mang đến những giá trị tích cực và nhân văn.

Cơ quan chức năng nên “tuýt còi” để chấn chỉnh 

Chương trình truyền hình thực tế khi ra đời đều nêu cao tinh thần cao cả cũng như mục đích chắp cánh ước mơ và đam mê cho thí sinh. Nhưng vì lợi nhuận, rating, quảng cáo… các nhà sản xuất không từ một thủ đoạn nào để đạt được mục đích riêng của họ.

Với những chương trình truyền hình thực tế tạo ra các hệ lụy không tốt hay xấu cho xã hội, thiết nghĩ cơ quan chức năng nên có sự chấn chỉnh để không có những trường hợp tương tự khác.

Liệu có nên dừng phát sóng như một số quốc gia đã phải làm để hạn chế các hệ lụy xấu từ việc khai thác đời tư của các chương trình truyền hình thực tế vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ đặt ra cho các cơ quan chức năng?

Làm sao để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc này? Trên thế giới, các chương trình truyền hình thực tế luôn có những Ban cố vấn tâm lý đồng hành theo suốt chương trình để làm công tác tham vấn cho thí sinh bớt căng thẳng, áp lực.

Bên cạnh đó nhà chức trách ở các nước phương Tây cũng như Mỹ khuyến nghị các nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế  phải đề ra trách nhiệm phải bồi thường cho các thí sinh trong trường hợp họ gặp phải các rủi ro hay mất mát.

Khi tham gia chương trình truyền hình thực tế, thí sinh cũng phải tỉnh táo để đọc kỹ các điều khoản khắc nghiệt phải ký kết trong hợp đồng đăng ký. Ở hàng ghế khán giả, công chúng cũng nên có cái nhìn cảm thông, thấu đáo và công tâm hơn dành cho các thí sinh chương trình truyền hình thực tế.

Quân Hàn

Bình luận
vtcnews.vn