Em Nguyễn Phương Nam, học sinh lớp 12 trường THPT Tô Hiệu (Hưng Yên) có mặt từ sớm tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022 sáng nay (8/5). Nam sinh đến để nghe tư vấn về kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.
"Theo phương án tuyển sinh của các trường năm nay hầu hết đều giảm chỉ tiêu ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Thậm chí có trường giảm hơn 30% chỉ tiêu từ xét điểm thi tốt nghiệp THPT so với năm ngoái, mà thay vào đó là tăng chỉ tiêu xét chứng chỉ tiếng anh IELTS, xét kết hợp hoặc điểm kỳ thi đánh giá năng lực. Điều này khiến em và các bạn trong lớp lo lắng vì mục tiêu đặt ra ngay từ đầu năm học là vào đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Chúng em lo ngại cửa vào đại học sẽ hẹp hơn so với các năm trước", nam sinh gốc Hưng Yên chia sẻ.
Em Trần Phương Anh, học sinh lớp 12 trường THPT Phù Ninh (Phú Thọ) cũng lo lắng khi nhiều trường năm nay tăng chỉ tiêu xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và xét kết hợp, giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
"Chúng em ở khu vực nông thôn, điều kiện để học và thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thấp, rất hiếm bạn trong lớp, trường có chứng chỉ IELTS. Mục tiêu vào đại học của em chủ yếu dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Nếu các trường giảm chỉ tiêu từ phương thức này đồng nghĩa cơ hội vào đại học sẽ khó hơn, độ cạnh tranh cao hơn", nữ sinh băn khoăn.
Giải đáp các thắc mắc của thí sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, theo thống kê, năm nay 90% các trường đại học vẫn dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp và xét học bạ, bên cạnh các phương thức khác. Do đó cơ hội của thí sinh vẫn rất lớn, trừ những trường chuyên thi năng khiếu, còn lại các trường đều có sử dụng phương thức đó.
"Số lượng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở một số đại top đầu năm nay có giảm đi nhưng chỉ dịch chuyển giữa hai phương thức sử dụng học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Việc này không ảnh hưởng lớn đến thí sinh ở các vùng nông thôn, khó khăn", bà Thuỷ nói. Trong tương lai có thể các cơ sở sẽ có những điều chỉnh thêm các phương thức tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của mỗi trường nhưng năm nay thì cơ bản vẫn giữ ổn định.
Khi thí sinh mong muốn đỗ vào những trường top đầu thì cũng đồng nghĩa mức độ cạnh tranh rất cao. Dù các em chọn phương thức nào để xét tuyển đều phải chiến đấu với rất nhiều thí sinh giỏi trên toàn quốc. Vì thế, ngày từ bây giờ, thí sinh phải đặt tâm thế vươn lên, nỗ lực hết mình cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập để vào được các trường hàng đầu.
Phương thức xét tuyển kết hợp cũng được nhiều phụ huynh, thí sinh quan tâm vì quá mới. Theo thầy cô trong ban tư vấn, thí sinh cần xác định trước ngành mình muốn học, tương ứng với lĩnh vực nghề nghiệp trong tương lai mà thí sinh yêu thích. Sau đó mới xem ngành đó có những trường nào đào tạo, phương thức xét tuyển như thế nào.
TS Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, tính đến 8/5, trên 688.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến thành công.
Trong đó, 135.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm khoảng 20%, trên 7.000 thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển đại học, chiếm khoảng trên 1%. Thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng kết quả xét tuyển đại học có 537.000, chiếm gần 79%.
Trong số các thí sinh đã đăng ký, 52% em chọn bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), 30% thí sinh chọn bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học).
Thí sinh còn tiếp tục được đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến đến 17h ngày 13/5. Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT yêu cầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến 100%.
Bình luận