Ba tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhưng hiện tại, Mai Tấn Đạt - học sinh lớp 12H, trường THPT chuyên Quang Trung (tỉnh Bình Phước) chỉ tìm hiểu và nắm vững thông tin của 2/20 phương thức tuyển sinh đại học.
"Năm nay có nhiều phương thức tuyển sinh, các bạn ở lớp em cũng đã đỗ đại học ở một số phương thức. Khi thấy các bạn trúng tuyển, em bất ngờ vì bản thân còn chưa biết thông tin về phương thức đó. Trong 20 phương thức tuyển sinh, nhiều phương thức đối với em vẫn rất mới lạ", Đạt nói.
Hoang mang vì... nhiều phương thức
Đọc thông tin về 20 con đường xét tuyển đại học, Tấn Đạt vui mừng vì có nhiều cơ hội để "săn" được tấm vé trúng tuyển vào ngành học yêu thích của bản thân.
Nguyện vọng của Tấn Đạt là ngành Logistics của ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Năm nay, trường đại học này đã công bố 6 phương thức xét tuyển khác nhau là tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022; xét chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài, xét học lực kết hợp phỏng vấn; và phương thức mới là xét kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh bao gồm năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn.
Tuy nhiên, đến hiện tại, Tấn Đạt chỉ nắm rõ 2 phương thức là xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
"Không chỉ riêng em, nhiều học sinh khác trong lớp cũng cảm thấy mới lạ và hoang mang về 20 phương thức tuyển sinh đại học năm nay. Phần lớn học sinh trong lớp vẫn cố gắng tập trung vào việc thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức còn lại đối với chúng em vẫn chưa phổ biến lắm", Tấn Đạt nói.
Theo Đạt, từ năm lớp 10, hầu hết học sinh đã được định hướng xét tuyển vào đại học bằng việc thi tốt nghiệp THPT; nên đến năm lớp 12, khi những phương thức mới xuất hiện, các em loay hoay, không biết phải làm gì để tận dụng được cơ hội trúng tuyển.
"Xuất hiện nhiều phương thức tuyển sinh mới vào thời gian cuối cấp nên chúng em hoang mang và không chuẩn bị kịp, cũng không tự tin xét tuyển", Đạt nói.
Cùng lớp với Đạt, Nguyễn Duy Thắng cho biết đã nắm bắt được 3 phương thức là xét học bạ, thi tốt nghiệp THPT và xét điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Trước ma trận 20 phương thức tuyển sinh, Thắng vẫn chưa biết nên sử dụng phương thức nào để tăng cơ hội trúng tuyển.
Thấy các bạn đi thi đánh giá năng lực, nam sinh cũng đăng ký tham gia để không bỏ lỡ cơ hội của bản thân. Tuy nhiên, ĐH Y Dược TP.HCM mà Thắng mong muốn trúng tuyển lại không sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực.
Theo Thắng, những học sinh có cùng nguyện vọng này là đối tượng chịu thiệt thòi trong ma trận phương thức tuyển sinh năm nay, vì ĐH Y Dược TP.HCM không sử dụng nhiều phương thức xét tuyển. Năm 2021, nhà trường chỉ xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
"Trong khoảng thời gian còn lại, em nghĩ mình không cần tìm hiểu thêm phương thức nào cả. Vì biết thêm thì sẽ phát sinh nhiều lựa chọn và bản thân lại hoang mang, suy nghĩ đăng ký xét tuyển, tốn thời gian hơn. Em sẽ tập trung vào việc ôn thi tốt nghiệp THPT", Thắng nói.
Giáo viên nên tư vấn, đồng hành cùng học sinh
Từ đầu năm học, trường THPT Nguyễn Khuyến (tỉnh Bình Dương) đã thông báo cho học sinh các phương thức xét tuyển vào đại học và cập nhật liên tục để các em chuẩn bị.
Ở lớp 12A2, thầy Nguyễn Văn Tây - giáo viên dạy môn Toán, đồng thời là quản nhiệm của lớp đã cho học sinh liệt kê các ngành nghề mà bản thân quan tâm để định hướng phương thức xét tuyển. Nhà trường cũng đã phối hợp với phụ huynh để đồng hành cùng các em trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay.
"Tôi mong muốn các em phát triển bản thân ở nhiều phương thức chứ không gói gọn trong một phương thức nào cả. Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM vừa rồi, cả lớp đã cùng nhau ôn tập và đi thi, vì biết đây là phương thức đang được nhiều trường sử dụng. Mức điểm trung bình cả lớp đạt được là 940,6/1200 điểm", thầy Tây nói.
Theo thầy Tây, giáo viên muốn đồng hành cùng học sinh trong ma trận 20 phương thức tuyển sinh thì phải nắm rõ các phương thức để tư vấn, giúp tăng khả năng đậu đại học cho các em. Thầy Tây đã liên tục đọc báo và thông tin ở website của các trường đại học để nắm bắt sự thay đổi của phương thức tuyển sinh, sau đó, thông báo đến các em.
Thầy Nguyễn Xuân Sáng, giáo viên môn Địa lý, đồng thời là chủ nhiệm lớp 12H, trường THPT chuyên Quang Trung (tỉnh Bình Phước) nhận định việc đa dạng phương thức xét tuyển là lợi thế cho thí sinh năm nay. Các em có nhiều cơ hội để lựa chọn xét tuyển vào đại học, không bị gò bó ôn thi tốt nghiệp THPT.
Thời gian dạy học online, thầy Sáng đã thường xuyên tư vấn cho học sinh về các phương thức ở mỗi tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Theo thầy, học sinh nên tận dụng tối đa các phương thức, không nên chủ quan chỉ ôn thi tốt nghiệp THPT vì hiện tại chỉ tiêu của phương thức này tại các trường đại học đang ít dần.
"Tôi nghĩ trong mỗi trường THPT nên có thêm một bộ phận phụ trách công tác tuyển sinh để cập nhật và theo dõi thường xuyên những thông tin tuyển sinh ở các trường đại học, rồi chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm lớp 12. Từ đó, giáo viên mới có tư liệu để tư vấn và đồng hành cùng học sinh xét tuyển vào đại học", thầy Sáng nói.
Năm 2022, dựa trên phương án tuyển sinh đại học chính quy mà nhiều trường đã công bố, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký xét tuyển theo khoảng 20 phương thức. Đó là phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế, xét tuyển kết hợp đa dạng…
Tuy nhiên, dù đăng ký xét tuyển vào bao nhiêu trường, thông qua các con đường khác nhau, thí sinh cũng chỉ trúng tuyển một nguyện vọng.
Bình luận