• Zalo

Thí sinh Hoa hậu các dân tộc phía Bắc thi ứng xử

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 02/11/2011 07:40:00 +07:00Google News

(VTC News) - Sáng nay (2/11), 51 thí sinh của 12 dân tộc lọt vào vòng Bán kết cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ II đã tham gia phần thi ứng xử.

(VTC News) -  Sáng nay (2/11), 51 thí sinh của 12 dân tộc lọt vào vòng Bán kết cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ 2 đã tham gia phần thi ứng xử tại Trung tâm phát triển Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) sau khi kết thúc phần kiểm tra nhân trắc diễn ra vào ngày hôm qua.

Tham gia phần thi này, các thí sinh có 2 phút để thể hiện khả năng ứng xử của mình. Với đặc trưng là cuộc thi Hoa hậu của các dân tộc Việt Nam, nên phần thi ứng xử  thật sự là phần thi rất được quan tâm và mang một bản sắc rất riêng. Đây là cơ hội cho các thí sinh giới thiệu về những nét đắc sắc trong văn hoá của dân tộc, quê hương mình.

Thí sinh dân tộc Tày trả lời ứng xử. 

Những thí sinh đến từ dân tộc Giáy, Sán Chay, Hoa, Tày, Mường, Thái… đã thể hiện những nét đặc sắc của bản sắc văn hoá qua những bộ trang phục, những điệu xoè, điệu hát then, điệu sình ca…

Rất nhiều thí sinh đã thể hiện những làn điệu dân ca đặc trưng của dân tộc mình ngay trên sân khấu, và có lẽ đó chính là sự thể hiện rõ nét nhất việc tôn vinh những nét văn hoá dân tộc của mình, cũng như ý thức bảo tồn văn hoá dân tộc của các thí sinh của cuộc thi.

Một trong những cơ hội mà BGK mang tới cho thí sinh là giới thiệu về trang phục dân tộc mình. Thí sinh Hoàng Thị Hiền, dân tộc Dao, chinh phục khán giả bằng  bộ trang phục rất cầu kỳ, đặc sắc. Hiền cho biết, bộ trang phục của dân tộc Dao gồm quần dài và áo, thân áo màu đỏ, trên đầu là chiếc khăn quấn đầu và trang trí cho khuôn mặt của người con gái trước khi lấy chồng.

Thí sinh Mùng Thuỳ Linh, dân tộc Lô Lô lại có cách thể hiện trang phục dân tộc rất đặc sắc. Là nhánh Lô Lô đen nhưng Mùng Thuỳ Linh lại quyết định chọn bộ trang phục của nhánh Lô Lô hoa, để thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa các nhánh Lô Lô với nhau, không có sự phân biệt.  Thí sinh này cũng thể hiện động tác sàng sảy của dân tộc Lô Lô trên sân khấu.

Lê Thị Như Quỳnh, dân tộc Mường đến từ Thanh Hóa đã khẳng định, cùng là dân tộc Mường, nhưng bộ trang phục dân tộc của người Mường ở quê Quỳnh cũng rất khác biệt với người Mường ở các nơi khác. Bộ trang phục của người Mường ở Thanh Hoá có  những hoa văn rất riêng, những hoa văn này tượng trưng cho sự giàu sang, ví như hình thêu rồng trên thắt lưng.

Thí sinh dân tộc Dao chia sẻ về nét đẹp văn hóa dân tộc mình 

Độc đáo và khá nổi bật là cặp chị em sinh đôi Trần Nữ Vương Linh và Trần Nữ Thạch Linh, đến từ Hà Nội. Trần Nữ Vương Linh nhận được câu hỏi về lý do phải bảo tồn văn hoá dân tộc. Cô gái này đã chinh phục được BGK bằng câu trả lời khá thông minh: “Văn hoá của một quốc gia quan trọng như tâm hồn của con người, nếu con người đó không còn tâm hồn thì giống như một cơ thể mất đi sức sống, không còn tồn tại”.

Còn Trần Nữ Thạch Linh, với câu hỏi về chiếc áo dài của Việt Nam, cô em của cặp chị em hát hay, múa tài, và thậm chí còn tự sáng tác được ca khúc để biểu diễn, đã thể hiện rất hay ca khúc “Một thoáng quê hương”:  “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi”.

Trần Nữ Thạch Linh cũng rất đáng yêu khi trả lời câu hỏi của Hoa hậu Diễm Hương rằng liệu em muốn em hay chị gái lọt vào vòng chung kết: “Khi biết cả hai chị em cùng lọt vào vòng bán kết, bạn bè có nói  rằng hai chị em giờ đã là hai đối thủ. Nhưng em vẫn luôn nghĩ hai chị em là bạn đồng hành với nhau, bởi chúng em đã đồng hành từ trong bụng mẹ tới bây giờ”.

Nhan sắc các dân tộc khoe sắc tại phần thi ứng xử. 

51 thí sinh đã trải qua phần thi trong suốt buổi sáng. Đáng mừng là chất lượng của phần thi ứng xử đã thật sự làm hài lòng mọi người. Các thí sinh đã thể hiện được trí tuệ, khả năng ứng xử của mình.

Giám khảo - NTK Hà Linh Thư cho biết: “Nhìn chung phần thi ứng xử tốt, thí sinh ứng xử rất thú vị. Tôi rất bất ngờ trước sự trong sáng, chân thành của các em, khiến cuộc thi thật sự gần gũi, không còn cảm giác khoảng cách giữa giám khảo và thí sinh. Các thí sinh đã thực sự là những “đại sứ” đại diện của dân tộc mình, làm cho mọi người hiểu biết nhiều hơn về văn hoá của các dân tộc”.

BTC cuộc thi và các thí sinh bầu chọn cho Vịnh Hạ Long 

Ngoài phần thi ứng xử, các thí sinh còn giới thiệu các nét đẹp văn hóa của địa phương mình. Kết thúc phần thi, Ban chỉ đạo, BTC, BGK và toàn thể thí sinh đã tham gia bầu chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Trần Lê

Bình luận
vtcnews.vn