Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, bài kiểm tra tư duy được thiết kế để đánh giá năng lực cốt lõi của các thí sinh và khả năng theo học các ngành học ở bậc đại học, đặc biệt những khối ngành khoa học, kĩ thuật.
Kết quả công bố cho thấy chỉ có 1,5% tổng số thí sinh đạt từ 8,5 điểm trở lên và hơn 70% đạt trên trung bình.
Các thí sinh sử dụng tài khoản được cấp khi đăng ký dự thi, truy cập https://dangkytuyensinh.hust.edu.vn và vào mục “Kiểm tra tư duy” để xem kết quả.
Những thí sinh, có nguyện vọng phúc khảo, nộp đơn từ 27/8 đến 4/9. Thí sinh có thể phúc khảo cả bài thi hoặc từng phần trắc nghiệm- tự luận. Kết quả sẽ được công bố ngay sau khi công tác phúc khảo kết thúc vào ngày 10/9.
Đây là năm đầu tiên Bách Khoa Hà Nội triển khai xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả bài kiểm tra tư duy. Theo đó, cách tính điểm là tổ hợp A19, bao gồm Toán và Lý, hoặc tổ hợp A20, gồm Toán và Hóa, cộng điểm bài kiểm tra tư duy nhân đôi (quy về thang điểm 30), có tính điểm ưu tiên.
Bài thi tư duy kéo dài 120 phút, bao gồm 4 bài đọc hiểu dài 800-1.000 từ/bài với 35 câu hỏi chiếm 2,5 điểm; 25 câu Toán trắc nghiệm chiếm 5 điểm và phần Toán tự luận chiếm 2,5 điểm.
Nhà trường ban đầu dự kiến tuyển 30-35% tổng chỉ tiêu năm 2020 thông qua phương thức này. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và theo chỉ thị của Bộ GD&ĐT, trường sẽ điều chỉnh tỷ lệ này cho phù hợp với thực tế và công bố trước 3/9.
Về đề thi, PGS.TS. Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội chuẩn bị rất kỹ cho bài kiểm tra tư duy, từ khâu lên ý tưởng, thảo cấu trúc, soạn đề cương cho đến các khâu ra đề nguồn, thẩm định và làm đề thi, để vừa phù hợp với đặc điểm của giáo dục Việt Nam vừa tiếp cận với thế giới,
Do nội dung bài thi yêu cầu thí sinh suy luận, nắm bắt và vận dụng kiến thức trong thời gian ngắn, nhiều thí sinh cho biết không kịp trả lời hết các câu hỏi. Thí sinh và nhiều thầy cô giáo đánh giá cao và ủng hộ cách thức ra đề thi mới của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Một số chuyên gia nhận xét đề thi này tạo áp lực lớn về mặt thời gian nên rất khó xảy ra gian lận thi cử, PGS Kiên nói.
Bình luận