Hai thí sinh tự do Đoàn Văn Tú (Quảng Nam) và Nguyễn Hoàng Bảo Hân (TP.HCM) đăng ký vào ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mầm mon của Đại học Sài Gòn nhưng không trúng tuyển, dù điểm thi cao hơn điểm chuẩn. Thí sinh trách nhà trường không thông tin rõ ràng, cụ thể về điểm sàn dẫn đến việc trượt đại học.
Về trường hợp này, ông Nguyễn Thanh Tân, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Sài Gòn, cho hay nhà trường rất tiếc cho 2 thí sinh nhưng không có ngoại lệ nào dành cho các em.
"Trường không đưa ra thêm tiêu chí phụ, tất cả theo quy chế của Bộ GD&ĐT và quy trình xét tuyển này cũng do Bộ GD&ĐT thực hiện. Nhà trường không hề và không thể can thiệp vào quá trình này. Do đó, trường hợp 2 thí sinh rớt đại học vì không đủ điểm sàn môn văn hóa, chúng tôi cũng không có cách nào khác", ông Tân nói.
Trưởng phòng Đào tạo cho rằng, thí sinh và người nhà không hiểu quy định xét tuyển nên trách Đại học Sài Gòn không thông tin chi tiết khi công bố điểm sàn, nhưng thực tế trường công bố thông tin đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
"Thí sinh và người nhà hiểu nhầm rằng yêu cầu mỗi môn văn hóa phải trên 6 điểm mới được tham gia xét tuyển là điều kiện phụ của Đại học Sài Gòn. Tuy nhiên, đây là quy định của Bộ GD&ĐT chứ không phải điều kiện phụ mà trường đưa ra.
Vì không có điều kiện phụ, mặc nhiên nhà trường tuân thủ theo các quy định của bộ nên trường không chú thích gì thêm khi công bố điểm sàn", ông Tân nói.
Theo đó, đối với các ngành đào tạo sư phạm, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm công bố điểm sàn. Công thức tính điểm sàn như thế nào cũng là bộ quy định và được cài đặt sẵn trong phần mềm tuyển sinh của bộ.
Cụ thể, theo ông Tân, quy định về cách tính điểm sàn từng môn của ngành sư phạm nằm trong quy chế tuyển sinh và được công bố từ tháng 2 bằng thông tư 02 của Bộ GD&ĐT, được đưa về các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên địa phương, sở GD&ĐT các tỉnh hoặc những nơi là đầu mối đăng ký xét tuyển.
Khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, trường đại học cũng không phải đầu mối hướng dẫn thí sinh mà là các trường phổ thông và sở GD&ĐT. Do đó, theo đại diện Đại học Sài Gòn, các đơn vị trên phải có trách nhiệm hướng dẫn thông tin, quy chế, quy định xét tuyển cho thí sinh.
Nói thêm về trường hợp của 2 thí sinh trên, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Sài Gòn khuyên, nếu đăng ký xét tuyển bổ sung, các em phải dùng tổ hợp, ngành khác hoặc bậc học khác, nếu không vẫn không đủ điều kiện điểm sàn để xét tuyển.
"Thí sinh Đoàn Văn Tú, nếu vẫn sử dụng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển vào các ngành sư phạm bậc đại học, chắc chắn không thể trúng tuyển. Nhưng nếu dùng tổ hợp này xét các ngành sư phạm bậc cao đẳng, em vẫn đáp ứng được điều kiện điểm sàn.
Trường hợp thí sinh Gia Hân, vì điểm thi môn Văn của em chỉ có 3,25, dù có đăng ký ngành sư phạm ở bậc cao đẳng, trung cấp thì vẫn không đáp ứng được yêu cầu điểm sàn, dẫn đến không có cơ hội trúng tuyển", ông Tân nói thêm.
Đoàn Văn Tú (Quảng Nam) và Nguyễn Hoàng Bảo Hân (TP.HCM) đăng ký vào ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mầm mon của Đại học Sài Gòn có điểm thi môn Ngữ văn lần lượt là 5,5 và 3,25.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, điểm sàn một môn văn hóa trong tổ hợp xét tuyển ngành sư phạm phải từ 6 trở lên (đã cộng điểm ưu tiên) mới được tham gia xét tuyển. Do đó, cả 2 thí sinh này đều trượt đại học do không đáp ứng được mức điểm sàn, dù điểm thi các em cao hơn điểm chuẩn.
Điểm chuẩn ngành Sư phạm Âm nhạc của Đại học Sài Gòn là 18, trong khi điểm thi của Đoàn Văn Tú là 21,5. Tương tự, điểm chuẩn ngành Sư phạm Mầm non là 22,25, điểm thi của Bảo Hân là 22,75.
Bình luận