• Zalo

Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm: Tôi có đủ nỗi buồn để sống!

Tổng hợpThứ Tư, 25/07/2012 12:52:00 +07:00Google News

Nhớ về một thời “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu” của hơn bốn chục năm về trước, thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm vẫn chẳng thể nguôi nỗi nghẹn ngào, day dứt.

“Như đêm nay mình đọc lại thơ mình/ Những câu thơ viết trong thời trận mạc/ Thêm một lần thấm thía nghĩa hi sinh”. Nhớ về một thời “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu” của hơn bốn chục năm về trước, chàng thi sĩ của “Chiếc lá đầu tiên” vẫn chẳng thể nguôi nỗi nghẹn ngào, day dứt...

Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm.
Giả sử được xoay ngược chiếc đồng hồ thời gian về với thời điểm những chàng sinh viên Hà Nội náo nức rời giảng đường vào mặt trận, anh sẽ nghĩ về điều gì đầu tiên?

Tôi sẽ nghĩ về điều đặc biệt nhất của đời mình, khi nhận ra nhờ bước ngoặt đó mà tôi có tới hai sinh nhật. Ngày thứ nhất là 7/2/1952, ngày mẹ đã sinh thành ra tôi, bằng xương bằng thịt với cái tên mang ý nghĩa rất đẹp “tiếng đàn vàng đầy đặn”. Và ngày thứ hai - 6/9/1971, khi tôi cùng hàng ngàn sinh viên Hà Nội háo hức xếp bút nghiên lên đường ra trận, khi “trong những ba lô kia ai dám bảo là không có. Một hai ba giọng hát chú ve kim”. Chắc chắn sẽ không có một Hoàng Nhuận Cầm của bây giờ nếu không có cái mốc đáng nhớ ấy, khi Mẹ Tổ quốc đã chính thức sinh ra Cầm một lần nữa. Bởi ngày Cầm từ biệt giảng đường lăn xả vào bom rơi đạn nổ là ngày Cầm có thơ, có thủy chung nghĩa tình đồng đội, có rung cảm đầu đời đẹp nhất ở tuổi đôi mươi và có cả kịch bản Mùi cỏ cháy sau này.

Tuổi đôi mươi ấy thật khó quên, phải không anh?

Nói như nhà thơ Thanh Thảo: “Mười tám, hai mươi – sắc như cỏ, dày như cỏ, yếu mềm và mãnh liệt như cỏ/ Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc/ Cỏ sắc mà ấm quá phải không em?”

Cùng khoác lên màu xanh áo lính với tôi ngày đó có xấp xỉ ba trăm sinh viên đang học tập tại Hà Nội. Buổi chào cờ cuối cùng dưới sân trường, tôi đã khóc khi những giai điệu Quốc ca trầm hùng vang lên, khi bạn bè bịn rịn tiễn nhau với lời nhắn nhủ hẹn ngày tái ngộ. Ấn tượng lớn nhất của tôi trong giây phút lên đường chính là những giọt nước mắt trong veo như ngọc lăn trên gương mặt Nguyễn Văn Thạc – người bạn thân thiết đã vì đất mẹ mà “mãi mãi tuổi hai mươi”.  

Những chàng sinh viên mặc áo lính may mắn còn được trở về, khi đất nước đã lặng im tiếng súng vẫn chọn cái ngày 6/9 không quên ấy để gặp lại nhau. Sắc hoa, tiếng nhạc tưng bừng trong niềm vui họp mặt không ngăn họ và tôi rưng rưng nhớ về những đồng đội đã nằm lại vĩnh viễn đâu đó trên suốt mọi nẻo đường đi tới ngày toàn thắng. Giá chúng nó về đủ, vài cái hội trường rộng lớn thế này mới có thể chứa hết, đúng không!   

Tôi đã xem Mùi cỏ cháy, đã cùngnhững khán giả quanh mình rơi lệ khi nhìn lại một thế hệ “tài hoa ra trận” qua hình ảnh bốn chàng trai Hà thành trẻ trung, tinh nghịch năm xưa. Có cảm giác từng khuôn hình, từng trường đoạn, chi tiết đầy sức ám ảnh đã được anh chắt lọc từ miền ký ức không thể cạn vơi nỗi nhớ thương đồng đội? 

Tôi đã vắt kiệt mình, có cảm giác như chết đi sống lại theo từng trang viết. Mùi cỏ cháy mang bóng dáng những bạn bè tôi - Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Thượng Lân, Vũ Đình Văn, Hoàng Kim Giao... vào hình ảnh bộ tứ nhân vật Hoàng – Thành – Thăng – Long.

Thành Cổ Quảng Trị.
Mùa hè đỏ lửa Quảng Trị ám ảnh khôn nguôi, lớp lớp người ngã xuống là lại có lớp lớp người xông lên. Đúng như một câu thơ mà đồng đội tôi đã viết: Bạn bè tôi trong chiến dịch 1972, thịt xương nhiều hơn đất đai Thành Cổ. Phim công chiếu bao nhiêu buổi là từng ấy lần lấy đi của đám đông dưới khán phòng quá nhiều nước mắt. Một cựu chiến binh tên Quỳnh ôm tôi nức nở: “Cầm ơi, những hình ảnh trên phim đang bóp nát trái tim tôi! Nhớ thương đồng đội quá!”

Ngày hòa bình, tôi may mắn được trở về Thủ đô. Dù nỗi day dứt, nhớ thương bạn bè, đồng đội cứ âm thầm, dai dẳng trong tâm trí. Phía đối diện nhà tôi ở có anh Long đã hi sinh. Tôi nhớ mình đã phải tránh mặt mẹ anh suốt ba năm, bởi không đủ dũng khí đối diện với người mẹ đã mất đi đứa con trai duy nhất ấy. 

Bảy năm trước, hai cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm ra đời đã tạo nên một hiệu ứng rất mạnh trong xã hội. Rồi tiếp đó, một loại các cuốn nhật ký khác như Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân, Sống để yêu thương và dâng hiến của Hoàng Kim Giao, Nửa sau khoảng đời của Vũ Đình Văn... đã góp phần tạo nên một bức tranh hoành tráng về tuổi trẻ và lý tưởng tận hiến cho Tổ quốc.

Hiệu ứng lan tỏa từ những dòng chữ chân thành, đầy nhiệt huyết nhưng cũng trĩu nặng ưu tư ấy đã thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó, như để trả món nợ nghĩa tình đồng đội năm xưa. Và ước vọng thiêng liêng đó đã trở thành sự thật, khi Mùi cỏ cháy chính thức đến với khán giả cả nước, tròn bốn thập kỷ trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ vừa rồi.  Như lời hẹn của bốn nhân vật ngay đầu phim: “Hôm nay chúng tôi lên đường, nhưng nhất định có ngày chúng tôi sẽ trở về với Thủ đô yêu quý”. Và đúng hẹn, họ đã trở về, trong lòng những người thân, giữa lòng đất nước.

Thơ tuổi hai mươi – tập thơ đầu tay in chung cùng liệt sĩ Vũ Đình Văn đã được NXB Quân đội giới thiệu với bạn đọc từ năm 1974. Trong miền ký ức của anh, hình hài hai người bạn đã đi xa – Nguyễn Văn Thạc và Vũ Đình Văn chắc chiếm một phần không nhỏ?   

Trên những trang nhật ký viết vội giữa hai trận đánh, Thạc đã dành khá nhiều dòng cho tôi (anh lật giở cuốn sách mà mọi chỗ trống được lấp đầy bằng những dòng lưu bút và chứ ký của đồng đội cũ, nghẹn ngào đọc) “Cầm viết được nhiều, quả thực ở nó có tài năng, hay ít ra đó cũng là một khả năng tốt. Khanh bảo Cầm nó chăm lắm, mặc dù sức khoẻ yếu. Kể cũng lạ, ở nó có gì đáng học đâu, ngoài những ý sáng tạo trong thơ. Cách sống của nó hơi ngang tàng và thiếu nghiêm túc. Nhưng vì sao nó nắm bắt mạch thơ đúng thế. Tưởng như lời nào của nó cũng là thơ.

 
Giới thiệu bài hát, nó bảo: mười con chim sơn ca nuôi trong cổ họng xin ca nhạc phẩm Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây. Nhạc Việt Nam được trộn pha ácjangtin… liến thoắng như cái máy mà hấp dẫn. Lúc ấy, nó thật đáng yêu, và con người nó hoàn toàn là của nghệ thuật”. Rồi ở một trang khác, “Không thể nào tin được Hoàng Nhuận Cầm lại có thể viết tốt hơn thế được. Cầu mong đất nước đừng để rơi một khả năng đáng quý”... Người bạn thân thiết ấy luôn hiện diện trong tim tôi, có cảm giác Thạc cùng bạn bè đã khuất luôn bên tôi, luôn phù hộ cho tôi trên mọi nẻo đường đời.

Tôi đã từng xúc động viết nên những vần thơ Nhớ Vũ Đình Văn, khi bạn vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ. “Thôi con lạy mẹ ngàn lần/ Như anh lạy mẹ trên đồng ngày xưa/ Mẹ ơi, mẹ đổ trận mưa/Cho anh mát dạ, giọt thừa cho con/ Dẫu rằng máu chẳng một hòn/ Nhưng anh Văn mất - con còn làm em/ Dẫu rằng chẳng giống họ tên/ Nhưng anh, em khúc ruột mềm như nhau”. Là người duy nhất may mắn vỡ òa trong niềm vui đón thời khắc hòa bình, sợi dây gắn kết Cầm với Văn – Thạc đã trở nên vô cùng bền chặt. Tôi đã trở thành người con nuôi trong nhiều gia đình đồng đội.

Anh trai Thạc lắm khi còn thảng thốt gọi tôi Thạc ơi. Cô em gái của Văn thì bảo, lắm khi có cảm giác anh Văn hiện về nhập vào anh Cầm vậy. Mùi cỏ cháy ra rạp, cháu ruột của Thạc nhắn tin cho tôi, phim lấy của gia đình cháu rất nhiều nước mắt. Cám ơn các chú đã cho cháu thấy hình hài bằng xương bằng thịt của những người lính trẻ mãi mãi tuổi đôi mươi của bốn chục năm về trước”.

Một lát cắt hiện thực khốc liệt của chiến tranh, qua bộ phim được hi vọng sẽ giúp những thế hệ đi sau hiểu được giá trị máu xương mà lớp cha anh đã đổ. Nhiều người bảo, “bọn trẻ giờ sống vô cảm lắm”. Anh nghĩ bức thông điệp nhân văn về thế hệ mình có đến được với trái tim của những 8X - 9X hôm nay không?

Sau buổi chiếu dành cho sinh viên Học viện Ngoại giao, tôi thấy các bạn trẻ dìu nhau ra khỏi rạp và khóc nức nở. Nhìn những giọt lệ lăn dài trên gò má bao chàng trai, cô gái hôm đó, tôi tin họ cũng sẽ sẵn sàng tận hiến như thế hệ chúng tôi, khi Tổ quốc lên tiếng kêu gọi. Như chúng tôi đã chọn lên đường, như định mệnh đã sắp đặt, xếp bút nghiên cầm súng bên cạnh những bạn bè đã làm nên một thế hệ “hào hoa ra trận” năm xưa.


Cái tên Hoàng Nhuận Cầm lần đầu găm vào trí nhớ người yêu thơ nhờ chùm bốn bài đoạt giải báo Văn nghệ 1972 -1973, nhờ tác phẩm “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”. Nếu nói rằng chiến trường đã làm nên một người lính – nhà thơ liệu có chính xác?

Khi tôi rời mái trường Đại học Tổng hợp, gia tài thơ đã in báo của tôi hình như chỉ khiêm tốn một vài bài. Vào mặt trận, hòa trong không khí hào hức, đầy lửa nhiệt huyết của đồng đội, tôi mới được truyền mạch nguồn cảm hứng dào dạt để có được nhiều khổ thơ lay động lòng người. Một kỷ niệm vui, chùm thơ được giải mà bạn đề cập đã về đến trụ sở báo Văn nghệ nhờ... chiếc vỏ đạn pháo cao xạ 37 ly đấy.

Bao lần gặp anh, cứ nhắc tới thơ là có cảm giác Hoàng Nhuận Cầm như bị nhập đồng. Tình yêu thơ ca trong anh có thể miêu tả thế nào cho chính xác đây?

Tôi đã từng có đôi dòng tự bạch trong cuốn kỷ yếu Hội nhà văn Việt Nam, rằng mê thơ đến muốn chết và say điện ảnh đến phát mệt. Thơ chính là hơi thở, là nguồn dưỡng khí của tôi. Không có ngôn từ nào đủ để diễn tả trọn vẹn, đủ đầy tình yêu thi ca luôn ngập tràn trong trái tim tôi. Lạ một điều là dù đời đã vào thu, tôi thấy mình vẫn hồn nhiên, vẫn trẻ trung mãi. Thơ ca theo tôi quan trọng nhất là đôi mắt nhìn cuộc đời.

Giờ này mà tôi vẫn chưa hết bâng khuâng, vẫn ngóng tìm trong nắng hạ cháy rực sắc hồng phượng vĩ những năm xưa. Chiếc lá nào với tôi cũng là chiếc lá đầu tiên. Tình yêu nào với tôi cũng mãi còn cái hồi hộp, xuyến xao của mối tình thứ nhất. Từ “có lẽ một người cũng bắt đầu yêu” đến “hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”. Ơn Trời, đến giờ này mà tôi vẫn chưa mất ánh nhìn trong veo “hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say”, vẫn có thể “anh một mình – náo động – một mình anh”. Bạn hãy vui, khi hôm nay vẫn còn nghe tôi say sưa đọc thơ, say sưa nói về ngôi đền thi ca vẫn vẹn nguyên vẻ lung linh thủa ban đầu. Với Cầm, không còn làm thơ được nữa tức là không thể thở, là sẽ chết dần chết mòn, héo úa hết màu xanh.

 

Và tình yêu lớn ấy đã giúp anh gặt hái được bao nhiêu mùa quả ngọt?

Gia tài thơ của tôi đến giờ đã có sáu tập. Cuốn đầu tiên là Thơ tuổi hai mươi năm 1974, trong đó có chùm thơ bốn bài đoạt giải Nhất cuộc thi báo Văn nghệ năm 1972- 1973 (Nhật ký, Thư mùa thu, Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt, Anh bộ đội và tiếng nhạc lạ). Tiếp theo những năm sau, tôi có Những câu thơ viết đợi mặt trời và Xúc xắc mùa thu giành giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1992.

Rồi Thơ với tuổi thơ, 36 bài thơ tuyển chọn và Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến. Sắp tới, Hoàng Nhuận Cầm sẽ có thêm tập thơ Nỗi buồn để sống, chép tay toàn bộ, cố gắng viết chữ thật nắn nót và thật đẹp. Sau hai chục năm giữa hai cái mốc giải thưởng thi ca năm 1972 và 1992, lại đúng hai thập kỷ sau, Cầm mới có thể trầm ngâm chiêm nghiệm đúng nghĩa đời mình.

“Tôi có đủ nỗi buồn để sống”?

Chính xác, đó là điều tôi chiêm nghiệm được, sau suốt quãng đường để đi từ một chàng trai hồn nhiên, trong veo ra trận (như nhà thơ Xuân Diệu từng nói “tôi cảm thấy mến thương các chú lính vô hạn, ra trận mà trong ba lô vẫn có những con ve, những hòn bi”) đến một người đàn ông tuổi trung niên đã bị hồi ức chiến tranh cày nát những vết thương không bao giờ có thể kín miệng.

Bởi vào đến  chiến trường thì mọi thứ khác hẳn, chúng tôi đã trưởng thành rất nhanh khi đối mặt với ranh giới sinh tử mỏng manh, khi không còn những hòn bi xanh đỏ mà là những viên bi từ trái bom găm vào cơ thể. Những câu thơ của thế hệ chúng tôi đã được lồng ghép trong phim -  từ Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật… đến Hoàng Nhuận Cầm đã được nhân vật Hoàng đọc trong Mùi cỏ cháy. Một thế hệ đã biến thơ thành vũ khí, bạn có đồng ý với tôi?

Hồ Cúc Phươngthực hiện

 

Bình luận
vtcnews.vn