Thi Quốc tế, Hoa hậu Việt bị ngợp, sốc vì yếu kém

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 23/01/2013 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều thí sinh Việt Nam khi tham dự các cuộc thi nhan sắc thế giới đều bị ngợp và thậm chí bị sốc.

(VTC News) - Việt Nam cử người đẹp tham dự các cuộc thi nhan sắc thế giới cũng đã hơn 10 năm. Nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Bởi các hoa hậu Việt Nam có v yếu toàn diện so với các đối thủ.

VTC News xin đăng nguyên văn bài phân tích những nguyên nhân thất bại của nhan sắc Việt Nam suốt những năm qua của bà Nguyễn Thuý Nga - Giám đốc Elite Việt Nam, đơn vị giữ bản quyền của hầu hết các cuộc thi nhan sắc lớn trên thế giới.

Thiếu chiến lược nên không thể đòi hỏi kết quả cao

Hoàng Anh được kỳ vọng ở Hoa hậu Trái Đất 2012 nhưng không giành kết quả cao. 
Các Hoa hậu Việt Nam đang thiếu những yếu tố nào khiến nhan sắc Việt không được đánh giá cao tại đấu trường sắc đẹp khu vực? Đây là câu hỏi khá rộng nên khó để có thể trả lời ngắn gọn về vấn đề này.

Thật ra nhan sắcViệt trên đấu trường quốc tế không phải là top dưới, tức là  thí sinh của chúng ta cũng được đánh giá từ khá đến tốt về nhan sắc.

Tuy nhiên Hoa hậu phải tổng hợp các kỹ năng làm nổi bật mình trong rừng sắc đẹp, mà những kỹ năng trong lĩnh vực này của thí sinh Việt Nam vẫn còn khá ít ỏi nên kết quả chỉ mới dừng ở mức độ khiêm tốn. Đây không phải là lỗi hoàn toàn nằm ở các em mà mấu chốt vấn đề theo tôi là:

Thứ nhất, ở các cuộc thi trong nước chúng ta đã chọn được thí sinh thật sự xuất sắc và có chọn theo tiêu chí của các cuộc thi quốc tế mà chúng ta nhắm tới hay chưa?

Thứ hai, đến giờ, ở Việt Nam vẫn chưa có sự đầu tư bài bản trong lĩnh vực đào tạo Hoa hậu, điều đó dẫn đến việc thí sinh Việt Nam khi tham gia các cuộc thi lớn sẽ dễ bị ngợp và không thể hiện được mình với Ban giám khảo và công chúng vì thí sinh thiếu những kỹ năng căn bản cho những hoạt động như thế này.

Để giải quyết vấn đề này theo tôi phải có chiến lược lâu dài và không thể đòi hỏi kết quả cao trong vài năm, vì đây cũng giống như việc trồng người, phải mất nhiểu thời gian và sự đầu tư mới có thể có kết quả tốt.

Ở các nước có thành tích cao trong các cuộc thi hoa hậu họ đều đầu tư rất chuyên nghiệp, bài bản và cũng phải mất thời gian đầu tư ít nhất từ 5-10 năm mới có thể có được những thí sinh đạt giải cao.

 

Chúng ta chỉ nhăm nhăm chọn thí sinh theo tiêu chí Việt Nam mà quên đi các tiêu chí quốc tế là tự chúng ta loại mình ra khỏi cuộc chơi.
 
Nhật Bản sau 30 năm liên tục đề cử thí sinh mới có được Hoa hậu Hoàn vũ 2007. Ấn Độ và Trung Quốc sau mấy chục năm đưa thí sinh đi thi cũng mới có được thí sinh là Hoa hậu Thế giới…

Thua vì chọn thí sinh theo tiêu chí Việt Nam

Chúng ta hiện đang chọn Hoa hậu theo chuẩn chung của Thế giới, như cao trên 1m7, số đo ba vòng chuẩn 90-60-90. Nhưng có thể thấy một thực tế là các Hoa hậu Việt Nam nếu đạt chiều cao thì không đạt về số đo. Thậm chí có người còn khá thô.

Về lý thuyết các người đẹp có hình thể cao ráo, cân đối sẽ dễ nổi bật, thu hút sự chú ý hơn. Tuy nhiên như tôi đã trao đổi nhiểu lần, Hoa hậu là yếu tố tổng hợp, và hình thể chỉ là một trong các yếu tố để thí sinh trở thành người chiến thắng (việc thí sinh Hoa hậu Mỹ trở thành Hoa hậu Hoàn vũ 2012 khi chỉ cao có 1m68 đã là ví dụ cụ thể).

Chọn Hoa hậu ưu tiên chiều cao theo tôi là sai vì Hoa hậu hoàn toàn khác với tiêu chí của ngưi mẫu, và ngay kể cả với người mẫu chiều cao là yếu tố hàng đầu thì hình thể cũng phải cân đối.

Việc chúng ta chọn thí sinh thắng giải trong các cuộc thi Hoa hậu trong nước không bám theo tiêu chí của các cuộc thi quốc tế là một sai lầm, đó chính cũng là một trong những nguyên nhân chính  khiến thí sinh Việt Nam không đạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế.

Hoàng My dù chuẩn bị rất kỹ những ở cả hai cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2011 và Hoa hậu Thế giới 2012, cô đều ra về trắng tay. 
Chúng ta chỉ nhăm nhăm chọn thí sinh theo tiêu chí Việt Nam mà quên đi các tiêu chí quốc tế là tự chúng ta loại mình ra khỏi cuộc chơi. Nếu chỉ chọn thí sinh cho người Việt và không quan tâm đến việc đưa thí sinh tham dự các cuộc thi quốc tế thì không có gì phải bàn cãi.

Nhưng khi đã muốn hòa nhập với Thế giới thì chúng ta phải cân bằng được bản sắc dân tộc và tiêu chí quốc tế chứ không thể cứ nói rằng “người Việt Nam thấy thế là đẹp”. Nếu cứ lựa chọn thí sinh theo tiêu chí Việt Nam mà thiếu yếu tố quốc tế thì thí sinh của chúng ta sẽ rất khó chạm vào tiêu chí của các cuộc thi chứ chưa nói đến đạt thành tích cao.

Thế giới hiện nay là một thế giới hòa nhập các yếu tố nên việc chúng ta cùng hòa nhập là điều rất quan trọng. Tất nhiên “hòa nhập chứ không hòa tan”, chắc chắn thí sinh Việt Nam thì cũng sẽ phải có những yếu tố đặc trưng của Việt Nam và phải thể hiện được những nét cơ bản của đất nước mình đại diện và điều đó không nhất thiết phải nằm ở nhan sắc (ví dụ HHTG 2007 Trương Tử Lâm không hề có nhan sắc đặc trưng cho người Trung Quốc)

Các cuộc thi Hoa hậu lớn trên Thế giới đều có tiêu chí riêng cho việc lựa chọn các thí sinh thắng giải. Ví dụ Hoa hậu Thế giới thích thí sinh có vẻ đẹp trong sáng, dịu dàng, thường nghiêng về những thí sinh có học vấn tốt, giao tiếp sắc sảo hiểu biết, không quá đề cao yếu tố hình thể và trình diễn sân khấu.

Trong khi đó Hoa hậu hoàn vũ lại là cuộc thi thích các thí sinh có vẻ đẹp bốc lửa, thể hình cao và số đo người mẫu, thông minh, bản lĩnh và khả năng trình diễn catwalk được đánh giá cao, đó là lý do nhiều thí sinh thắng giải đều có quá trình làm người mẫu.

Nếu chúng ta chọn thí sinh thắng giải trong cuộc thi Hoa hậu trong nước thì phải bám sát tiêu chí của các cuộc thi quốc tế để từ đó có thể chọn ra thí sinh phù hợp với tiêu chí cuộc thi, làm được như vậy chúng ta đã có được những thuận lợi trong việc giúp thí sinh có thể có cơ hội đoạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế.
   
Hoa hậu Việt yếu các kỹ năng toàn diện

Thí sinh Việt Nam thường thì khá thiếu tính độc lập khi tham gia các cuộc thi sắc đẹp. Kỹ năng làm nổi bật mình trước đám đông của họ cũng kém so với các thí sinh các nước khác. Chưa kể thí sinh của chúng ta luôn yếu và thiếu kiến thức trong giao tiếp để ghi điểm với giám khảo.

Đây là một loạt những nguyên nhân cơ bản dẫn đến kết quả chưa được khả quan của thí sinh Việt Nam trong các cuộc thi quốc tế. Tuy nhiên mọi việc đều có những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Với lối sống của người Việt Nam nói chung thì người Việt, nhất là thanh thiếu niên đều thiếu tính độc lập và các kiến thức cơ bản trong giao tiếp hay kỹ năng sống hơn những người cùng lứa tuổi ở các nước phương Tây hay các nước phát triển khác trong khu vực.

Ở Việt Nam thí sinh đi thi Hoa hậu dù ít nhất cũng phải từ 18 tuổi trở lên đều có lực lượng hung hậu là gia đình, bạn bè đi theo phụ giúp, thậm chí từ A-Z, trong khi ở các nước khác thì thí sinh hầu như là tự độc lập trong mọi việc.

Diễm Hương từng được đành giá khá cao khi Hoa hậu Hoàn vũ 2012 bắt đầu. Nhưng càng về cuối cuộc thi cô càng đuối sức. 
Các kiến thức giao tiếp như trong ăn uống, tiệc tùng, xã giao hay đặc biệt ở các nghi lễ đều ít được cập nhật trong gia đình và xã hội. Vì vậy, nhiều thí sinh Việt Nam khi tham dự các cuộc thi lớn thế này đều bị ngợp và thậm chí bị sốc trong thời gian đầu, hoặc càng về sau càng đuối vì đã phải cố gắng quá sức mình.

Tôi cho rằng đây là những yếu tố khách quan do lối sống, tập quán sinh hoạt của người Việt chứ không phải do các em không cố gắng. Để khắc phục những điều này các em có thể học hỏi qua sách báo, internet hay chú ý trong khi giao tiếp.

Ngoài ra chúng ta không có những trung tâp đào tạo người đẹp chuyên nghiệp để tìm kiếm và đào tạo ra những thí sinh xuất sắc, được đào tạo bài bản cho những cuộc thi nhan sắc.

Vì vậy việc thí sinh Việt Nam chưa đạt được kết quả cao là điều không có gì phải ngạc nhiên. Ở những nước có bề dầy thành tích trong các cuộc thi như Mỹ, Venezuela… họ có những trung tâm đào tạo cho các bé từ 5-7 tuổi, có thể hình, nhan sắc cho những ứng cử viên Hoa hậu tương lai.

Ngoài việc học văn hóa, các em được đào tạo bài bản những kỹ năng như cách đi lại sao cho uyển chuyển, cách ngồi sao cho duyên dáng, kỹ năng giao tiếp hấp dẫn mọi người, cách trả lời phỏng vấn, các bài tập giữ hình thể, chế độ dinh dưỡng hợp lý, kỹ năng tỏa sáng...

Những kỹ năng này giống như những kiến thức văn hóa tức là phải học từ từ, dần dần chứ không thể nhồi nhét trong thời gian ngắn hay 1,2 năm. Vì vậy, từ những trung tâm đào tạo này họ đã có những thí sinh rất chất lượng cho cuộc thi Hoa hậu trong nước và người chiến thắng là người chất lượng nhất trong những thí sinh đã hết sức chất lượng rồi. 

Tôi cho rằng những thí sinh đại diện Việt Nam trong các cuộc thi đã nỗ lực hết sức để đem hình ảnh đất nước đến với bạn bè thế giới và những gì các em đạt được trong điều kiện hiện nay đã là những thành tích đáng được ghi nhận.

Cần có Tổ chức Hoa hậu Quốc gia

Trúc Diễm là một trong số ít thí sinh tích luỹ được kinh nghiệm và biết cách làm mình toả sáng ở đấu trường sắc đẹp thế giới. 
Các nước hiện nay đều có những Tổ chức Hoa hậu Quốc gia. Đây là việc làm vô cùng cần thiết nếu chúng ta thật sự quan tâm đến lĩnh vực này và mong muốn sẽ có thí sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi lớn của Thế giới.

Việc tại sao chúng ta chưa có Tổ chức Hoa hậu Quốc gia theo tôi vì các đơn vị liên quan đến lĩnh vực này chưa thật sự thấy được lợi ích của việc hợp tác với nhau, mạnh ai người đó làm, và thiếu đi điều quan trọng nhất là sự đoàn kết cho một mục đích chung.

Ở các nước khi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Quốc gia thì mọi việc đều quy về một mối. Từ khâu tài chính để tổ chức cuộc thi, đơn vị tổ chức cuộc thi hợp tác chặt chẽ với đơn vị cầm bản quyền để từ đó có tiêu chí rõ ràng cho cuộc thi và làm cuộc thi có tính chuyên nghiệp.

Mọi khâu đều được sự đồng thuận, hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị với nhau nên việc cuộc thi được tổ chức chuyên nghiệp, tiêu chí cuộc thi được đưa ra rất rõ ràng. Ví dụ khi khởi động cuộc thi đã đưa ra được thông tin cực kỳ quan trọng như Hoa hậu sẽ đại diện quốc gia đi cuộc thi nào, Á hậu đi cuộc nào…, đó là những yếu tố quan trọng thu hút  những nhan sắc tham gia cuộc thi rất nhiều.

Và từ chất lượng cuộc thi trong nước được đầu tư tốt nên các nhãn hàng đua nhau xin tài trợ cho cuộc thi, thí sinh thắng giải thật sự thuyết phục và ít nhiều chạm được tiêu chí của các cuộc thi quốc tế là điều rất dễ hiểu khi họ có hệ thống làm việc chuyên nghiệp như vậy.

Bà Nguyễn Thuý Nga
Giám đốc Công ty Elite Việt Nam

Bình luận
vtcnews.vn