• Zalo

Thi quốc gia chung, đề thi có những môn nào?

Giáo dụcThứ Sáu, 14/02/2014 03:17:00 +07:00Google News

(VTC News)- Nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu đã đưa ra hàng loạt ý tưởng về các môn thi sẽ được tổ chức trong kỳ thi quốc gia chung.

Sau khi ý kiến của PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, về việc tiến tới gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng trở thành một kỳ thi quốc gia chung từ năm 2015 được đăng tải, tòa soạn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, cựu quan chức ngành giáo dục.

Nhà giáo Nhân dân, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng thí sinh muốn vào đại học, cao đẳng, bên cạnh bằng tốt nghiệp THPT, phải có thêm “chứng chỉ trình độ sẵn sàng”

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học cũng khẳng định việc tiến tới kỳ thi quốc gia chung và học sinh có thể tham gia dự thi từ 2 lần/ năm đến 4 lần/ năm.

Ngày 13/2, trong Hội nghị quán triệt Nghị Quyết Trung ương 8, khóa XI và triển khai nhiệm vụ năm học 2013 -2014 khối các Sở GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong tương lai ngành giáo dục phải tiến tới mô hình một kỳ thi, một bài thi nhưng vẫn đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Tiếp tục khẳng định tính tất yếu cần phải tiến tới một kỳ thi quốc gia chung, nhiều chuyên gia còn đưa ra đề xuất về những môn thi sẽ được áp dụng trong kỳ thi  này.

Tiến tới kỳ thi quốc gia chung

Việc tiến tới kỳ thi quốc gia chung là một xu hướng tất yếu, phù hợp với thời đại. Chia sẻ về điều này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học cho biết đa số các nước trên thế giới đều coi kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT là chuẩn quốc gia.

Việc hướng tới 1 kỳ thi quốc gia chung vừa giúp giảm tốn kém cho xã hội lại có thể phân loại năng lực từng học sinh

Điều này được thể hiện, khi xét tuyển học sinh Việt Nam sang học ở nước ngoài đều chỉ cần lấy trình độ tốt nghiệp THPT. Vào các trường khác nhau, học sinh sẽ phải dự thi thêm các môn khác nhau để trường lựa chọn. Việc thí sinh đó có được lựa chọn hay không sẽ phụ thuộc vào trường.

“Vì vậy, Bộ GD-ĐT phải tổ chức một kỳ thi quốc gia chung nghiêm túc và chất lượng để làm căn cứ cho các trường tuyển sinh. Bộ GD-ĐT phải xem đó là dịch vụ công ích cho tất cả các trường”, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học khẳng định.

Các trường được tự do sử dụng kết quả của kỳ thi này, có thể chọn kết quả của từng môn thi hoặc tổ chức thi thêm những môn cần thiết.

Bộ GD-ĐT không nên bắt các đại học, cao đẳng tự ra đề thi vì việc này là quá sức đối với các trường. “Các trường thường chỉ có ít giảng viên cơ hữu, không có nhiều chuyên môn về giáo dục phổ thông”, TS Lê Viết Khuyến lý giải.

Cũng đồng tình với quan điểm này, TS Lê Trường Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đưa ra ý kiến: “Tôi ủng hộ phương án chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia, đỡ khổ cho thí sinh, tiết kiệm cho xã hội, và lý do cơ bản là có tổ chức 2 kỳ thi cũng không nâng được chất lượng giáo dục. Việc này có thể thực hiện ngay trong năm 2014, không ảnh hưởng gì đến học sinh, đến khâu ra để, coi thi và chấm thi”.

 

 PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT 

Trong khi đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH, CĐ hiện nay đều do Bộ GD-ĐT tổ chức trong vòng 1 tháng hè. Theo tính toán của xã hội, hai kỳ thi này được tổ chức quá gần nhau. Mỗi kỳ thi thi phải chi phí hàng nghìn tỉ đồng.
Nhiều người có quan điểm cho rằng kỳ thi tốt nghiệp không chất lượng và chỉ có kỳ thi đại học có chất lượng là không hợp lý.
Bầu chọn
Có nên tổ chức một kỳ thi quốc gia chung?
 

Thi đại học là kỳ thi tuyển lựa theo cung cầu. Điểm thi cao hay thấp phụ thuộc vào độ khó, dễ của đề thi. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT là mới là kỳ thi đánh giá trình độ của học sinh.

Việc thi tốt nghiệp THPT có làm được nghiêm túc, khách quan hay không lại phụ thuộc vào Bộ GD-ĐT. Có 3 khâu trong một kỳ thi: ra đề, tổ chức thi và chấm thi đều do Bộ GD-ĐT phụ trách.

Trong đó, chỉ có khâu tổ chức thi có thể bị buông lỏng. Trong khi đó, cả nước có hơn 480 trường ĐH, CĐ và hơn 170 trường cao đẳng dạy nghề. Bộ GD-ĐT phải quy trách nhiệm tham gia giám sát thi tốt nghiệp cho các trường này. Các cán bộ của các trường này sẽ phải về các địa phương để giám sát công tác thi cử.

Nếu cán bộ trường nào không làm hết trách nhiệm, vi phạm kỷ luật thì lãnh đạo cơ quan có thể sẽ bị cắt chức. Việc này Bộ có thể làm được.

5 bài thi

Việc hướng tới một kỳ thi quốc gia chung đòi hỏi đề thi phải phân loại được học sinh, đánh giá đúng năng lực của người học. Vì vậy, số lượng môn thi phải mang tính chất toàn diện, tránh việc học sinh học lệch.

 GS Đặng Hữu, nguyên trưởng ban Khoa giáo Trung ương

GS Đặng Hữu, nguyên Trưởng ban khoa giáo Trung ương đề xuất kỳ thi quốc gia cần phải có 5 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa Sinh), Khoa học xã hội (Lịch Sử, Địa lý).

“Điều này sẽ giúp đảm bảo tính giáo dục toàn diện cho các học sinh. Các trường có thể lấy kết quả này làm một trong những căn cứ để xét tuyển”, GS Đặng Hữu bày tỏ.

Nguyên Trưởng ban khoa giáo Trung ương cho rằng ngay trong một bài thi cũng có thể làm hai nhiệm vụ. Trong đó, phần chung sẽ là những câu hỏi cơ bản giống như đề thi tốt nghiệp chúng ta vẫn làm trước nay. Phần nâng cao là để dành cho việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học

 Cũng đồng tình với quan điểm này, GS-TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học cho rằng kỳ thi quốc gia chung nên bao gồm 5 bài thi môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa Sinh), Khoa học xã hội (Lịch Sử, Địa lý).

Với phương án này, ông Thiệp đánh giá sẽ đảm bảo toàn diện, đúng với yêu cầu một kỳ thi quốc gia cần có, tránh việc học sinh học lệch, học tủ.

“Cần phải thấy rằng, 2 môn công cụ quan trọng nhất là Toán ( để phục vụ tính toán), Ngữ văn ( để diễn đạt, hành văn). Thời đại hội nhập thì ngoại ngữ cần phải có.

Nếu làm đề trắc nghiệm thì tổ chức các môn Khoa học tự nhiên ( Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội ( Sử, Địa) cũng sẽ được tổ chức một cách rất dễ dàng”, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học lý giải.

Việt Nam đã quen dùng trắc nghiệm nên phần lớn các môn thi sẽ được thiết kế để thi trắc nghiệm. Bên cạnh đó, một số môn thi sẽ có thêm phần viết luận ngắn để đánh giá những phần mà trắc nghiệm không làm được.

“Đề thi môn Ngữ văn sẽ có 1 câu tự luận ngắn yêu cầu học sinh viết trong 1 trang về một chủ đề được nêu. Như vậy, đòi hỏi học sinh phải rèn luyện tư duy khoa học, vận dụng kiến thức linh hoạt”, GS Lâm Quang Thiệp lấy ra ví dụ.

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng khẳng định việc ra đề thi theo hướng toàn diện có thể được thực hiện ngay trong năm 2015 và tiếp tục hoàn thiện trong các năm tiếp theo.

Học sinh sẽ phải học toàn diện cho một kỳ thi quốc gia chung

 Trong khi đó, TS Lê Trường Tùng đồng tình với số lượng các môn thi nhưng ông cho rằng không nên gộp thành 5 môn mà cứ để 8 môn.

“Việc tổ chức 1 kỳ thi quốc gia chung nên gồm 8 môn. Trong đó 3 môn cơ bản (Toán, Văn, Ngoại ngữ), 2 môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý), 3 môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học).

8 môn nêu trên đưa ra là hợp lý vì đã bao gồm tất cả các môn đưa ra để thi tốt nghiệp hàng năm, và cũng bao gồm tất cả các môn trong các khối thi đại học A, B, C, D. Không nên gộp thành 5 môn, mà nên để riêng biệt, và thí sinh được phép chọn để thi 6 trong số 8 môn đó”, TS Lê Trường Tùng đề xuất.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lại cho rằng “Kỳ thi phổ thông chỉ nên 4 môn. Theo tôi, 4 môn đó sẽ là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử”.

Toán là môn đánh giá tư duy học sinh, Ngữ văn để rèn về cách diễn đạt, hành văn.

“Nếu không đưa môn ngoại ngữ thành môn bắt buộc thì làm sao chúng ta có thể hội nhập được?

Có một thực tế là học sinh Việt Nam có trình độ ngoại ngữ thuộc loại kém nhất trong khu vực. Chúng ta đã hội nhập từ khá lâu, nhưng không biết ngoại ngữ, không giao tiếp được thì chúng ta hội nhập với ai?”, Ông Nhĩ đưa ra câu hỏi.

Bên cạnh đó, lịch sử cũng cần phải là một môn thi bắt buộc.

“Dân ta phải biết sử ta”, chúng ta có lịch sử hào hùng như thế, học sinh của chúng ta phải học để biết được điều đó. Chúng ta phải hiểu biết, phải vững sử để tự hào về dân tộc. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, chúng ta càng phải bồi dưỡng lòng yêu nước cho các bạn trẻ”, vị chuyên gia này phân tích.

Với 4 môn thi, Bộ GD-ĐT cũng chỉ cần tổ chức thi trong 2 ngày để giảm áp lực và giảm tốn kém tiền bạc của toàn xã hội.

Độc giả có đồng ý với quan điểm của tác giả? Hãy gửi ý kiến bình luận cho chúng tôi theo ô thảo luận cuối bài viết để làm sáng tỏ vấn đề rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai đất nước này. 
Bình luận
vtcnews.vn